Ngôi trường làm từ rác ở Campuchia
Coconut ở Campuchia là ngôi trường rất đặc biệt và đúng nghĩa với cái tên “Trường Rác” bởi nó được xây hoàn toàn từ rác thải nhựa, và học phí mà học sinh phải đóng chính là rác thải mà chúng thu lượm được.
Đây là sản phẩm từ ý tưởng của Anh Ouk Vanday, một cựu quản lý khách sạn, với mục đích nhằm góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa và giáo dục trẻ em về ý thức bảo vệ môi trường ở Campuchia.
Ngồi trong một tòa nhà được làm từ lốp xe cũ, các chai lọ nhựa bỏ đi và những đôi giày cũ, Roeun Bunthon, một học sinh đang cặm cụi ghi chép bài trong giờ học tiếng Anh tại “Ngôi trường Rác”.
Mang đến cơ hội học tập ngoại khóa cho trẻ em nghèo
Nhờ chính sách đóng học phí bằng rác, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như Bunthon, vốn là một trẻ em ăn xin trên đường phố, có thể tham gia các lớp học về máy tính, toán và ngôn ngữ.
Đặc biệt, các em sẽ học được giá trị của việc hạn chế rác thải ở một quốc gia đang chịu vấn nạn ô nhiễm nghiêm trọng, mà ở đó khái niệm tái chế rác thải gần như không tồn tại ở Campuchia.
“Em đã không đi ăn xin nữa … ngôi trường này giống như một cơ hội thứ hai cho em có cuộc sống tốt đẹp hơn”, Bunthon cho biết. Cậu đã nộp học phí bằng một túi các nắp vỏ chai bỏ đi.
Nằm cách thủ đô Phnom Pênh khoảng 115km về phía Tây, trong một công viên quốc gia rộng rãi, và được xây dựng cách đây một năm rưỡi, ngôi trường Coconut gần như hoàn toàn từ làm từ rác tái chế.
Hiện nay, có 65 em học sinh đang học tại ngôi trường này. Các bức tường lớp học được làm từ những lốp xe cũ sơn màu lại và lối vào trường được trang trí bằng một bức tranh quốc kỳ Campuchia, được làm hoàn toàn từ những chiếc nắp chai nhựa màu. Ngôi trường được xây dựng chủ yếu bằng rác của chính các học sinh mang đến, và đó cũng là “học phí” duy nhất mà chúng phải nộp.
“Tôi sử dụng rác để dạy các em cách biến rác thải thành các lớp học … từ đó các em sẽ hiểu được giá trị của việc sử dụng rác thải một cách hữu ích”, Ouk Vanday cho biết.
Ouk Vanday năm nay 34 tuổi, Anh được gán biệt danh là “Người rác”. Hiện, Anh đang lên kế hoạch mở các lớp học tương tự cho khoảng 200 học sinh, với một lớp học mầm non vào năm tới ở Kampong Speu, một tỉnh nghèo và phần đông dân làm nông nghiệp ở Campuchia.
Kỳ vọng về những ‘nhà bảo vệ môi trường’ tương lai
Vanday tin rằng, những đứa trẻ được học trong những ngôi trường làm từ rác thải này sẽ là những nhà bảo vệ môi trường, và là những người truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường cho người khác trong tương lai.
“Chúng tôi hy vọng rằng những đứa trẻ này sẽ trở thành những nhà hoạt động vì môi trường mới ở Campuchia, hiểu được giá trị của việc sử dụng, quản lý và tái chế rác thải”, Anh Vanday cho tờ AFP biết.
Ý tưởng xây dựng các ngôi trường bằng rác của Vanday xuất hiện sau khi anh đi du lịch vòng quanh Campuchia và nhận thấy, các điểm du lịch ở quốc gia này tràn ngập rác thải. Mong muốn làm một điều gì đó để góp phần giải quyết tình trạng này, anh đã thực hiện một dự án thí điểm xây dựng ngôi trường bằng rác đầu tiên ở Phnom Penh năm 2013, sau đó nhân rộng sang ngôi trường thứ 2 ở công viên quốc gia này.
Đối với một quốc gia ngập tràn rác như Campuchia, tầm nhìn của Vanday là rất tham vọng, bởi ở quốc gia Đông Nam Á này, người dân dễ dàng xả ra hàng đống túi ni lông và rác thải nhựa mà chẳng cần mảy may suy nghĩ, phần lớn số rác thải nhựa này lại tràn ngập ở các thành phố, hoặc phủ đầy các bãi biển vốn là những thiên đường du lịch trước đây.
Theo thống kê của Bộ Môi trường Campuchia, chỉ tính riêng năm ngoái, quốc gia này đã thải ra môi trường 3,6 triệu tấn rác. Chỉ có khoảng 11% số rác thải đó được tái chế, còn khoảng một nửa thì được đốt hoặc đổ vào các con sông, điều này gây nên tình trạng ô nhiễm tràn lan và rất nghiêm trọng, ông Neth Pheaktra, người phát ngôn Bộ Môi trường nước này cho biết.
Số rác còn lại được chở đến những bãi rác hoặc bãi chôn lấp đang ngày càng nhiều ở Campuchia, lượng khí metan phát ra từ những đống tác tích trữ lâu ngày này, có thể gây nên những vụ hỏa hoạn nguy hiểm bất ngờ, đây cũng là một phần nguyên nhân gây nên sự biến đổi khí hậu.
Những nguy cơ nhãn tiền đó đã thôi thúc Vanday thành lập ngôi trường Coconut. Ngôi trường cũng nhận được nhiều khoản tài trợ và sự chung tay của những giáo viên tình nguyện. Tại các ngôi trường công lập ở Campuchia, học sinh hầu như không được dạy các kiến thức về bảo vệ môi trường.
Ngôi trường của Vanday cũng là một cơ hội để giúp những đứa trẻ con nhà nghèo không có điều kiện tham gia các chương trình ngoại khóa ở các ngôi trường công lập, được học các môn ngoại khóa như các bạn khác.
Theo luật Campuchia, giáo dục công lập ở nước này được miễn phí, nhưng các lớp học thêm tiếng Anh hay những môn ngoại khóa khác lại khá tốn kém, học phí cho các môn này từ 5 USD cho đến hàng trăm USD tùy thuộc vào trường học và địa điểm. Đây là những chi phí quá cao ở một quốc gia mà mức thu nhập bình quân đầu người chỉ dưới 1.400 USD/năm.
Đối với những gia đình khó khăn ở các khu vực xa xôi hẻo lánh, họ buộc phải để con cái mình đi ăn xin để trang trải cho cuộc sống gia đình, việc cho con tham gia các lớp học thêm gần như là điều quá sức với họ.
Tại ngôi trường của mình, Vanday mong muốn góp phần chấm dứt tình trạng này. Và bước đầu anh đã gặt hái được những thành công nhất định. “Giáo viên dạy tiếng Anh của cháu không cho cháu đi ăn xin hay chơi bài nữa. Cháu cảm thấy rất vui. Khi lớn lên, cháu muốn trở thành một bác sỹ”, Sun Sreydow, 10 tuổi, trước đây là một trẻ ăn xin cho biết.
Phước Anh (Theo AFP)