Sáng kiến cộng đồng

View Original

Sản xuất thịt gà từ … lông gà

See this content in the original post

Làm thế nào để chúng ta vẫn có thịt gà để ăn mà không cần giết mổ chúng? Một công ty khởi nghiệp ở San Francisco, thuộc bang California của Mỹ sẽ giúp chúng ta tìm câu trả lời.

“Nuôi” thịt trong phòng thí nghiệm không phải là một ý tưởng mới. Các nhà khoa học đã “nuôi” được thịt viên, bánh burger thịt  bò đắt nhất thế giới và tương lai có thể là tôm hùm trong phòng thí nghiệm. Còn ngay lúc này, start-up Thịt Memphis vẫn làm cả thế giới sửng sốt với những miếng thịt gà rán giòn rụm, thơm lừng được sản xuất…từ một sợi lông của một con gà.


Miếng thịt gà rán đầu tiên trên thế giới được chế biến mà không cần phải giết mổ một con gà nào.

Start-up Thịt Memphis là một trong số ít những công ty công nghệ sinh học kỳ vọng sản xuất và cung cấp loại thịt nhân bản vô tính, bao gồm đầy đủ đặc điểm của loại thịt truyền thống từ mùi, vị, kết cấu và chất dinh dưỡng của thịt, mà không cần giết hại động vật.

Các nhà khoa học của start-up Thịt Memphis đã lấy tế bào từ lông vũ của gà và nuôi cấy trong những chiếc thùng vi sinh trong phòng thí nghiệm. Những tế bào này được “nuôi” trong dung dịch hòa tan gồm đường và chất khoáng. Và chỉ sau từ 2 ngày cho đến khoảng vài tuần, họ có thể thu được lượng thịt gà đủ dùng để chế biến món ăn.

Theo cảm nhận của Chuck Tayman - phóng viên BBC, người ăn thử một miếng thịt gà rán được “trồng” trong phòng thí nghiệm của start-up Thịt Memphis, thì miếng thịt gà của start-up nói trên “rất ngon”“rất giống với thịt gà thông thường”. Anh còn nói rằng: “Nếu không biết trước, tôi sẽ không nhận ra đó là miếng thịt gà được nuôi trong phòng thí nghiệm”.

Thịt gà là loại thịt cung cấp protein phổ biến nhất ở Mỹ. Trung bình một người Mỹ tiêu thụ khoảng 40kg thịt gà một năm. Trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ khoảng 7000 động vật trong đời và mức tiêu thụ này tiêu tốn rất nhiều đất và nguồn nước trong khi hệ quả của nó lại là những khí gây hiệu ứng nhà kính. Bởi thế, với loại thịt gà sản xuất từ 1 chiếc lông gà của mình, start-up Thịt Memphis tự tin cho rằng đó là loại thịt sạch 100%.

Thịt gà sản xuất từ lông gà cho mùi vị thơm ngon giống như thịt gà được nuôi theo cách truyền thống.

“Người Mỹ chi khoảng 90 triệu USD để mua thịt gà ăn mỗi năm”, giáo sư Uma Valeti, đồng sáng lập start-up Thịt Memphis nói “Nhưng trong khi các sản phẩm gia cầm đều rất ngon miệng và tạo ra sự hài lòng, thì quy trình sản xuất ra chúng lại chẳng hề như vậy. Quy trình này khiến cho môi trường suy giảm, đe dọa tới phúc lợi của động vật và gây nên nhiều nguy cơ về sức khỏe”.

Theo các chuyên gia, thịt được tạo ra từ phòng thí nghiệm sẽ trở thành nguồn cung rất lớn cho con người trong tương lai. Bởi nó không chỉ hạn chế được những tác động đến môi trường từ ngành chăn nuôi truyền thống mà còn phù hợp với lời kêu gọi của nhiều người là không giết động vật để lấy thịt.

“Chúng tôi vô cùng hồi hộp chờ tới ngày giới thiệu loại thịt gà và vịt đầu tiên ra ngoài thị trường mà không cần phải nuôi chúng tại các nông trại”, giáo sư Uma Valeti, cho biết. “Đây là thời khắc lịch sử cho phong trào thịt sạch”.

Hiện, loại thịt gà được phát triển trong phòng thí nghiệm vẫn chưa được bán ra thị trường, do các nhà sản xuất chưa tìm ra cách giảm chi phí sản xuất loại thịt này. Theo ước tính của start-up Thịt Memphis, thì họ cần tới gần 9.000USD để sản xuất khoảng nửa kg thịt gà. Tuy nhiên, start-up Thịt Memphis hy vọng, sản phẩm của họ sẽ được bày lên kệ trong các siêu thị vào năm 2021. Trong khi đó, theo dự đoán của các start-up “trồng” thịt trong phòng thí nghiệm khác, loại thịt được sản xuất theo lối nói không với giết mổ gia súc, gia cầm này sẽ có mặt trên thị trường trong vòng 5-10 năm nữa, và những start-up này cũng tin rằng đây là khoảng thời gian cần thiết để con người quen dần với ý tưởng “nuôi” thịt trong phòng thí nghiệm. Trên thực tế, theo một khảo sát công bố trên tạp chí khoa học PLOS One vào năm 2017, 65% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết, họ muốn thử loại thịt “nuôi” từ phòng thí nghiệm.

Mặc dù có xu hướng giảm, nhưng lượng thịt tiêu thụ trên toàn thế giới vẫn ở mức cao. Theo thống kê của tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc FAO bao gồm khối lượng thịt bò và bê, thịt lợn, thịt gia cầm và thịt cừu được tiêu thụ bình quân trên đầu người, Mỹ đứng đầu danh sách với mức tiêu thụ trung bình khoảng 97 kg thịt/người/năm. Quán quân năm 2013 là Australia chỉ xếp thứ hai. Người Australia ăn ít hơn 2,3 kg thịt/người/năm so với Mỹ. Đứng ở vị trí thứ 3 là Argentina với chỉ hơn 86,1 kg thịt/người/năm. Và sau đó là Uruguay.


Start-up Memphis giới thiệu loại thịt gà “trồng” trong phòng thí nghiệm với các phóng viên.

Trong khi đó, sản xuất thịt quy mô lớn cũng có những hệ lụy nghiêm trọng đối với khí hậu thế giới, khi ngành chăn nuôi phải chịu trách nhiệm cho khoảng 15% khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm.

Ngoài ra, tình trạng mất vệ sinh, đông đúc ở các trang trại gây ra nhiều dịch bệnh, như dịch cúm gia cầm H1N1, H5N1; Bệnh lở mồm long móng và bệnh bò điên… Những dịch bệnh này gây thiệt hại kinh tế to lớn mỗi năm. Bên cạnh đó, khối lượng kháng sinh được sử dụng trên gia súc, gia cầm để giảm tác động của bệnh cũng khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng trên cả người và động vật.

“Chúng tôi thực sự tin rằng đây là một bước nhảy vọt về công nghệ, có  ý nghĩa đối với nhân loại và là một cơ hội kinh doanh đáng kinh ngạc trong việc chuyển đổi một ngành công nghiệp khổng lồ của thế giới, mà vẫn góp phần giải quyết những vấn đề bền vững, đáng báo động nhất của thời đại chúng ta”, giáo sư Uma Valeti, chia sẻ.


Hoài Thanh (Theo BBC)

Link yotube: https://www.youtube.com/watch?v=SAyYCE3vFrM

 

 

See this content in the original post