Sáng kiến cộng đồng

View Original

Sinh viên chế than hoạt tính nano lọc nước

See this content in the original post

Chỉ cần cho nước bẩn vào, hệ thống sử dụng than hoạt tính nano do nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế sáng chế sẽ lọc hoàn toàn các tạp chất để cho ra nước sạch. Đặc biệt, với than hoạt tính này, nước đã lọc sẽ giữ được khoáng chất.  

Than hoạt tính nano dạng viên. Ảnh: Nhật Tuấn.

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương 

Nhận thấy ở các vùng quê, người dân xay lúa rồi vứt bỏ vỏ trấu hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường, nhóm sinh viên khoa Công nghệ Hóa - Môi trường, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã có ý tưởng sử dụng vỏ trấu bỏ đi làm than hoạt tính giá rẻ. 

Dựa trên các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học về tính chất của các hạt nano, nhóm đã lựa chọn các nano kim loại có hoạt tính mạnh trong xử lý môi trường như nano sắt, nano bạc để đưa vào than hoạt tính nhằm tăng tính năng lọc nước vốn có của loại vật liệu này.

Hệ thống lọc nước khá 'thô sơ' của các bạn sinh viên. Ảnh: Nhật Tuấn

Nhóm đã phát triển than hoạt tính nano dạng viên - cấu trúc chính trong cột lọc nước, bằng cách kết hợp than hoạt tính, đất sét - các vật liệu sẵn có của địa phương. Công nghệ này hứa hẹn có thể thay thế cho các công nghệ lọc nước hiện có như gốm lọc ceramic hay màng lọc RO.

Sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ nên có giá thành rẻ, lại đơn giản, dễ làm. Sản phẩm có khả năng ứng dụng vào thực tế khá cao, nhất là tại các địa phương thường xuyên xảy ra lũ lụt. Chỉ cần cho nước bẩn vào, hệ thống sẽ lọc hoàn toàn các tạp chất để cho ra nước sạch. 

Triển vọng mang lại hiệu quả cao

Sinhviên Võ Văn Kiệt, đại diện nhóm, cho hay thực trạng khan hiếm nước sạch đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 5.000 trẻ em chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn, 2 triệu người tử vong do các căn bệnh khởi phát vì dùng nước ô nhiễm.

Hiện nay, có hai phương pháp lọc nước phổ biến trên thị trường là dùng lõi lọc Ceramic và màng lọc RO. Tuy nhiên, theo Kiệt, cục lọc Ceramic sau 1 thời gian sẽ bị nhiễm khuẩn và không lọc được kim loại nặng và không lọc được hóa chất độc hại. Còn màng lọc RO là 1 công nghệ đắt tiền không phải ai cũng có thể mua được và nhược điểm của nó là lọc sạch hết khoáng chất ở trong nước mà những khoáng chất này là những khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Nhóm tác giả nhận giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo - HueIC Innovation Challenge 2018”. Ảnh: Nhật Tuấn.

"Từ lâu, cha ông ta đã sử dụng là gốm lọc và than hoạt tính để lọc nước. Hiện, nhóm đã kết hợp lại làm một để chế tạo thành công nghệ mới có thể lọc hoàn toàn nước đục, hóa chất, kim loại nặng, vi khuẩn nhưng vẫn giữ được khoáng chất cần thiết cho cơ thể”, Kiệt chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Đào Anh Quang - Cố vấn khoa học của nhóm, dựa trên cơ sở những tính chất quý của các loại vật liệu nano được áp dụng kết hợp trong công nghệ lọc truyền thống, than hoạt tính nano dạng viên có triển vọng là một ứng dụng thực tiễn mang tính hiệu quả cao.

Sản phẩm này của nhóm đã đạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo - HueIC Innovation Challenge 2018”. Đây là Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo - HueIC Innovation Challenge 2018” được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua dự án “Kết nối Tiểu vùng Mekong qua giáo dục và đào tạo”. Dự án nhằm đào tạo các thế hệ sinh viên hội tụ các kỹ năng cần thiết, sẵn sàng cạnh tranh trong thị trường lao động thời kỳ toàn cầu hóa.

Sắp tới, nhóm sinh viên tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện mẫu mã, thiết kế lại khung, giá đỡ hoàn chỉnh hơn trước khi thương mại hóa sản phẩm.

Nhật Tuấn

 

See this content in the original post