Biến nước tiểu thành điện năng
Một nhà vệ sinh sử dụng nước tiểu để sản xuất điện năng sẽ sớm thắp sáng những góc khuất trong các khu lều tạm tại các khu vực vừa xảy ra thiên tai, thảm họa. Công trình phụ tiên phong này là kết quả của sự hợp tác giữa tổ chức Hỗ trợ quốc tế Oxfam và các sinh viên ở trường đại học West of England (UWE Bristol).
Được dẫn dắt bởi giáo sư Ioannis Ieropoulos, các nhà khoa học đã phát triển ra loại pin nhiên liệu vi sinh vật sử dụng chính các vi khuẩn bám trên các anode sợi các bon, những vi khuẩn này được nuôi bằng nước tiểu, rồi khai thác phần năng lượng hóa sinh mà vi khuẩn sử dụng để phát triển, biến trực tiếp nó thành điện năng. Phần điện năng này sau đó được tích trữ trong các tụ điện.
Trước đó trong thí nghiệm năm 2013, các nhà khoa học đã sử dụng 24 viên pin nhiên liệu vi sinh vật để chứng minh rằng nước tiểu có khả năng tạo ra điện,đủ để xạc một chiếc điện thoại.
Còn hiện nay, trong các mẫu nhà vệ sinh tạo ra điện năng, các nhà khoa học sử dụng 288 thanh pin nhiên liệu để sản xuất một lượng điện năng lớn hơn.
Giáo sư Ieropoulos tin rằng, tại những vùng thảm họa và các khu trại tị nạn họ sẽ có đủ lượng nước tiểu để biến loại nhà vệ sinh đặc biệt này trở nên thiết thực ngoài thực địa: “Oxfam đã đặt hàng chúng tôi một ý tưởng xử lý phần chất thải là nước tiểu ở các trại tị nạn. Và nhà vệ sinh biến nước tiểu thành điện năng là câu trả lời của chúng tôi. Chúng tôi đã mất rất nhiều năm thử nghiệm để chứng minh tính khả thi của công nghệ pin nhiên liệu vi sinh vật. Và giờ đây đã đến lúc cho thấy công nghệ này có thể tạo ra điện năng liên tục từ nước tiểu như thế nào ngoài đời thực”.
Nguyên mẫu của loại nhà vệ sinh tương tự một chiếc phòng ngủ nhỏ được sử dụng trong các trại tị nạn, do Oxfam tài trợ đã chứng minh tính khả thi của nó. Tại những nhà vệ sinh này, những thanh pin nhiên liệu vi sinh vật làm nhiệm vụ biến nước tiểu thành năng lượng,được đặt ngay phía dưới bình đựng nước tiểu nằm dưới sàn nhà vệ sinh và có thể nhìn thấy từ bên ngoài qua những tấm kính trong suốt.
Cùng lúc, một nhà vệ sinh loại này cũng được xây gần căng-tin sinh viên của trường đại học West of England. Chiếc toilet này được các sinh viên dùng hàng ngày và họ phát hiện ra rằng ,chỗ nước tiểu chứa trong nhà vệ sinh đã tạo ra lượng điện năng đủ để thắp sáng những bóng đèn LED phía trong toilet.
Giáo sư Ieropoulos đã trăn trở và thực hiện hàng nghìn thí nghiệm nhằm biến nước tiểu thành điện năng trong suốt 14 năm qua.
Đây được coi là công nghệ rất thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả chất phế thải và không cần đến nhiên liệu hóa thạch. Vì dùng "nguyên liệu" miễn phí và phong phú, công nghệ này có thể dễ dàng áp dụng ở bất cứ nơi nào. Chi phí chế tạo mỗi một thanh pin nhiên liệu vi sinh vật chỉ vào khoảng một bảng Anh.
Không chỉ mang đến ánh sáng đến những vùng thiên tai, thảm họa hay các trại tị nạn, nhà vệ sinh biến nước tiểu thành điện năng còn cải thiện sự an toàn của phụ nữ ở các quốc gia thiếu sự quan tâm đến các công trình phụ.
"Ánh sáng từ công nghệ này có thể giúp chúng ta tạo ra một môi trường an toàn,để phụ nữ có thể yên tâm ra ngoài, sử dụng nhà vệ sinh vào ban đêm hoặc làm những việc khác khi bóng tối bủa vây mà không còn phải nơm nớp lo sợ bị tấn công khi trời tối nữa”,Andy Bastable, giám đốc phụ trách vấn đề về Nước và Vệ sinh của Oxfam cho biết.
Oxfam hy vọng, nhà vệ sinh phát điện đặc biệt này sẽ chính thức được đưa vào sử dụng tại các trại tị nạn trong vòng 6 tháng tới,và sau thời gian thử nghiệm, nó sẽ được sử dụng rộng rãi ở đây cũng như ở bất kỳ nơi nào chưa có điện.
“Điện năng tạo ra từ công nghệ pin năng lượng sinh học có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như sạc điện thoại hay bất kì thiết bị điện nào sử dụng điện áp thấp như máy bơm định lượng. Ngoài các trại tị nạn hay các khu vực chịu thiên tai, thảm họa, nhà vệ sinh kiểu này cũng có thể được sử dụng trong các cộng đồng dân cư nghèo nơi không có điện”,ông Bastable cho biết thêm.
Hoài Thanh (Theo Reuters)