Sáng kiến cộng đồng

View Original

Hai học sinh trung học Mỹ sáng tạo thiết bị cảnh báo sớm cháy rừng

See this content in the original post

Từng chứng kiến cháy rừng,  Sanjana và Aditya Shah, học sinh trường THPT Monta Vista, Cupertino, California đã sáng chế ra một thiết bị dự báo cháy rừng có tên gọi Smart Wildfire Sensor.

Sanjana Shah và Aditya Shah với thiết bị cảnh báo sớm cháy rừng.

Vào mùa hè năm 2017, Sanjana Shah, 15 tuổi, đã bị mắc kẹt trong Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley khi xảy ra một trận cháy rừng ngay ở những ngọn đồi gần đó. Cô bé và bạn bè của mình đã được yêu cầu phải rời khỏi phòng thí nghiệm ngay lập tức, chạy ra thục mạng khỏi khu vực với nhiều đám cháy bùng bùng và khói đen nghi ngút sau lưng. Sanjana chạy vào thư viện gần nhất trong khuôn viên trường Berkeley và nhắn tin về cho bố mẹ đưa cô về ngay hôm đó. “Đó thực sự là một ác mộng với cháu”, cô bé cho biết.

Hai năm sau, Sanjana và bạn cùng lớp của mình là Aditya Shah đã cùng nhau hợp tác để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề mà họ từng là nạn nhân, đó là cháy rừng. 

Chứng kiến những trận cháy rừng khủng khiếp đang xảy ra ở California, cả hai học sinh trường phổ thông Monta Vista, Cupertino, California càng muốn tìm kiếm một giải pháp phòng chống cháy rừng hiệu quả hơn.

“Vấn đề hiện nay với việc dự báo các trận cháy rừng đó là các đội phòng chống cháy rừng không có đủ các điều kiện để biết được thông tin nguồn gây cháy (cành, lá khô) một cách cập nhật ở thời gian thực bởi họ phải đi bộ đến tất cả các khu rừng và phân loại, tính toán thủ công các thông số nguồn gây cháy”, Sanjana cho tờ Business Insider biết. 

“Chúng em đang cố gắng để giúp các nhân viên phòng chống cháy rừng không phải phòng cháy thủ công nữa bằng cách dự báo chính xác địa điểm đám cháy có thể xảy ra trước tiên”, Sanjana cho biết.

Hai em đã tạo ra một thiết bị có tên là “Smart Wildfire Sensor” (Bộ Cảm biến Cháy rừng Thông minh) nhằm giúp dự báo các khu vực dễ bị cháy nhất và thông báo đến các cơ quan phòng chống cháy rừng gần nhất.

Thiết bị được gắn lên cây và chụp ảnh, phân tích các thông số và đưa ra cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng ở một khu vực nhất định.

Vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, thiết bị này hoạt động bằng cách được gắn lên những cây cao cách nhau một dặm vuông hoặc trong một khu rừng nhất định, để chụp ảnh những cành cây và lá xung quanh rụng xuống. Những bức ảnh này sau đó được công nghệ máy học phân loại thành 13 nhóm khác nhau theo cấp độ nguy cơ có thể bắt lửa gây cháy. Sanjana và Aditya đang sử dụng một công cụ máy học nguồn mở của Google có tên là TensorFlow để xử lý và phân loại hình ảnh.

Khi đã được phân tích đầy đủ, các tín hiệu báo động sẽ được gửi đến các đội phòng chống cháy rừng gần nhất để thông báo thời điểm mật độ các chất dễ gây cháy (cành, lá khô) và độ hanh khô của những chất này đạt đến một mức độ gây cháy nhất định.

“Đặc biệt, trong tháng qua với trận cháy rừng Camp Fire ở phía bắc California đã cướp đi sinh mạng của khoảng 60 người, chúng em nhận thấy rằng thiết bị của mình thực sự có khả năng ngăn chặn được các trận cháy rừng xảy ra ở những khu vực có nguy cơ cao nhất, và chúng em có thể cải tiến công nghệ này để giải quyết các vấn đề đã tồn tại hàng triệu năm qua mà chưa có giải pháp hiệu quả. Chúng em cảm thấy rất hài lòng sau những gì mình làm được, và đã chứng minh được rằng sản phẩm của chúng em thực sự hiệu quả”, Sanjana cho biết.

Sanjana và Aditya đang có các cuộc đối thoại với Cơ quan Phòng chống cháy rừng California (Cal Fire) để bắt đầu thử nghiệm thiết bị Smart Wildfire Sensor của mình, tuy vậy, những cuộc thảo luận này đang bị hoãn lại mà nguyên nhân là do những trận cháy rừng xảy ra gần đây.

Hai học sinh trung học này cũng đang đưa thiết bị của mình tham gia Chương trình trí tuệ nhân tạo cho xã hội tốt đẹp của Google (AI for Social Good). Theo website của tập đoàn tìm kiếm lớn nhất thế giới, Chương trình này sẽ tài trợ đến 25 triệu USD cho những nhóm tác giả “sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết các vấn đề xã hội, nhân đạo và môi trường lớn nhất trên thế giới hiện nay”.

Nếu chúng em nhận được tài trợ từ Google thì “điều đó thật sự là rất tuyệt. Chúng em chắc chắn sẽ sử dụng nguồn tài trợ đó để phục vụ cho những mục đích xã hội tốt đẹp với thiết bị Smart Wildfire Sensor, giúp ngăn chặn các trận cháy rừng và sẽ tiếp tục cải tiến phát triển thiết bị này hơn nữa”, Aditya cho biết thêm.

Khi được hỏi xem nếu nhận được nguồn tài trợ đến 5 triệu USD của Google, thì có học lên đại học không, cả Sanjana và Aditya đều cho biết sẽ tiếp tục học đại học.

“Chúng em đều nghĩ rằng giáo dục rất quan trọng và thực sự muốn học lên cao nữa. Chúng em đều yêu thích kỹ thuật, sinh vật học hay phần mềm máy tính. Vì thế, chắc chắn dù có nhận được giải thưởng đến 5 triệu USD thì chúng em vẫn sẽ tiếp tục học lên”, Sanjana cho biết.

Phước Anh (Theo Business Insider)

 

See this content in the original post