Dùng cá chết làm nhiên liệu vận hành tàu biển
Sử dụng xác cá chết và các loại rác thải khác để làm nhiên liệu vận hành tàu biển, điều tưởng như vô lý này lại đang được một công ty vận tải biển Na Uy có tên là Hurtigruten thực hiện.
Chiến lược bảo vệ môi trường bền vững
Khác với một số công ty khác không chịu thay đổi để thích nghi với thực tế các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang cạn dần và trái đất đang ngày càng ô nhiễm, Hurtigruten, một công ty vận tải biển 125 tuổi, đang quản lý 17 tàu thủy, cam kết đến năm 2021 sẽ bắt đầu sử dụng hỗn hợp khí gas, biogas tự nhiên hóa lỏng, và các khối ắc quy cho 1/3 số tàu của họ. Điều đáng chú ý, trong số nhiên liệu sinh học của công ty dự kiến sử dụng, một phần là từ cá chết.
Ngoài ra, công ty này cũng đang trong quá trình đàm phán mua thêm ba tàu chạy bằng nhiên liệu hỗn hợp và đang thực hiện các kế hoạch nhằm dần loại bỏ những vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần trên tàu.
“Trong khi các công ty khác vẫn đang sử dụng nhiên liệu là loại dầu nặng rẻ tiền, gây ô nhiễm môi trường, thì những chiếc tàu của chúng tôi thực tế đang được vận hành bằng tự nhiên. Khí gas sinh học là loại nhiên liệu sạch nhất trong ngành vận tải và nó không gây tác hại gì cho môi trường, thậm chí là còn làm sạch môi trường hơn”. ông Daniel Skjeldam, giám đốc điều hành công ty Hurtigruten cho biết.
Công ty này cũng mong muốn việc làm của họ được lan tỏa và tạo ra làn sóng sử dụng nhiên liệu sinh học nhằm bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi cũng rất mong muốn các công ty vận tải biển khác tiếp bước chúng tôi sử dụng các loại nhiên liệu sinh học”, ông Daniel Skjeldam chia sẻ.
Giải quyết vấn đề ngày càng nghiêm trọng
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC, khi nói về thách thức liên quan đến nguồn nhiên liệu trong ngành công nghiệp vận tải tàu biển, ông Frank Del Rio, chủ tịch và là CEO của Công ty Vận tải tàu biển Na Uy cho biết “Đây là một môi trường đòi hỏi độ chắc chắn cao … và trong thời gian tới vẫn sẽ như thế. Xăng dầu chiếm khoảng 8-9% chi phí vận hành của một hãng vận tải biển”.
Dựa trên những thông tin trong một báo cáo năm 2017 về ngành công nghiệp vận tải biển, ông Leif Miller, CEO của Liên minh Bảo tồn Tự nhiên và Đa dạng sinh học (NABU) có trụ sở ở Đức cho biết: “Mặc dù nhiều người khẳng định rằng tàu biển là loại phương tiện xanh hơn và sạch hơn, nhưng nhìn chung quan điểm của ngành này với môi trường vẫn rất kém. Các biện pháp bảo vệ môi trường của các công ty vận tải biển vẫn rất hạn chế và kém hiệu quả, và các chính sách của họ cũng thiếu minh bạch.
Năm ngoái, ngành vận tải biển cho biết đã có 23 tàu vận hành được thiết kế các bộ lọc bụi bồ hóng. Thực tế thì không có một bộ lọc nào đang hoạt động. Tất cả điều này dường như là minh chứng cho thấy ngành vận tải biển (1) thiếu sự nghiêm khắc và minh bạch trong việc đưa ra các chính sách thân thiện với môi trường và (2) hầu như chưa có các ông lớn nào trong ngành vận tải biển tuân thủ quy định thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình hình như hiện nay.
Trong những thời điểm bất ổn về nguồn cung nhiên liệu như hiện nay, thì yêu cầu cần thiết là phải có một nỗ lực toàn diện nhằm tận dụng một cách thông minh các loại rác thải để làm nhiên liệu và hướng tầm nhìn đến một ngành vận tải biển không phát thải khí thải. Công ty Hurtigruten đang chứng minh sự đúng đắn trong thành ngữ “đồ vứt đi của người này lại là báu vật của người khác”.
Chính những nỗ lực như vậy đang giúp làm thay đổi hình ảnh của ngành vận tải biển, vốn đang bị nhiều người xem là một trong những ngành hiếm hoi còn lại đang phát triển mạnh nhưng lại không đi kèm với trách nhiệm với môi trường. Hurtigruten có thể không phải là công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, nhưng những kế hoạch của họ nhằm góp phần bảo vệ môi trường là rất đáng hoan nghênh.
Phước Anh (Theo Interestingengineering)