Nữ sinh Palestine sản xuất gạch từ tro bếp và xỉ than
Sau hàng trăm cuộc thử nghiệm tràn đầy hy vọng và rồi lại thất vọng, cuối cùng đến đầu năm 2015, Majd Mashharawi và bạn học đã giới thiệu mẫu gạch GreenCake (chiếc bánh xanh) với giá thành rẻ hơn và nhẹ hơn 1 nửa so với gạch nung thông thường.
Cô Majd Mashharawi sinh trưởng trên dải đất đông đúc và chật chội của người Palestine. Những cuộc giao tranh liên miên với Israel đã biến nhiều công trình xây dựng ở đây bị sụp đổ. Chỉ tính riêng trong cuộc vây hãm 50 ngày, sau khi lực lượng quân đội của Israel dội bom xuống dải đất Gaza, 18.000 ngôi nhà đã đánh bị đánh sập hoàn toàn trong khi khoảng 153000 căn nhà khác bị hư hại. Và nhà của sinh viên Mashharawi cũng không phải là ngoại lệ.
“Trong cuộc chiến năm 2008, nhà của chúng tôi đã bị phá hủy mất một phần. Khi tôi trở về nhà tôi không còn nhận ra nó nữa, tôi cũng không biết đồ đạc của tôi đâu rồi. Tôi quỵ xuống và bắt đầu khóc”, sinh viên Majd Mashharawi hồi tưởng.
Cho đến nay, hầu hết các công trình này vẫn chưa được xây dựng lại. Một phần là bởi sự bao vây quyết liệt từ phía Israel khiến cho người dân Palestine không thể nhập nguyên liệu xây dựng qua biên giới. Thế nhưng, cái khó ló cái khôn, sinh viên Majd Mashharawi cùng 1 người bạn của mình, đang theo học ngành kỹ thuật đã tìm ra một giải pháp: sản xuất những viên gạch có độ bền cao từ rác thải.
“Khởi đầu cho ý tưởng này khá điên rồ. Người ta hỏi tôi rằng: “Cô nghiêm túc thật đấy chứ? Chúng ta sẽ xây nhà từ rác thải ư? Lúc ấy, tôi còn đang học năm cuối ở trường đại học. Tôi cứ nghĩ mãi về việc : làm thế nào để chấm dứt sự đau khổ này”, Mashharawi cho biết.
Khi sinh viên Mashhawari và bạn học Abdulatif tìm kiếm vật liệu thay thế xi măng, họ nhận ra rằng, họ không thể tiếp cận được bất cứ hóa chất nào mà họ muốn, bởi thế, họ bắt đầu thử nghiệm những vật liệu khác nhau để sản xuất gạch. Trong thử nghiệm ban đầu họ sử dụng một loại hỗn hợp gọi là papercrete, hỗn hợp sử dụng sợi giấy tái chế thay cho cát và cốt liệu để sản xuất gạch. Phương án này khả thi và nhất cử lưỡng tiện khi ở Gaza không có hệ thống tái chế nào.
Tuy nhiên, loại gạch này có một nhược điểm là giá của nó còn đắt hơn cả gạch xi măng cốt liệu truyền thống. Sau đó, 2 sinh viên thử nghiệm với vật liệu là đất sét nhưng họ lại cần một lượng lớn năng lượng để nung loại gạch này. Cuối cùng, họ thử vận may với một loại vật liệu mới: tro từ củi mà người dân địa phương vẫn sử dụng để nấu nướng, sưởi ấm cùng với xỉ của than đá từ các nhà máy (tại đây, mỗi tuần họ thải ra khoảng 6 tấn tro và sỉ than) trộn với với những khối bê tông, gạch vụn lấy từ những tòa nhà bị sập sau các cuộc không kích của Israel. Tất cả những nguyên liệu này sau khi được nghiền nhỏ và trộn lẫn sẽ được gia cố bằng một lượng rất nhỏ xi măng nhập khẩu được qua biên giới.
Việc tìm ra nguồn cung vật liệu đã khó nhưng quy trình thiết kế để cho ra sản phẩm hữu dụng mới thực sự là thách thức. Hơn 100 mẫu gạch đếu thất bại trong những cuộc thử nghiệm đầu tiên: “Phòng thí nghiệm nơi tôi thử nghiệm loại gạch của mình đã cười nhạo tôi mà rằng: Cô đang làm cái gì thế? Chúng ta sẽ xây nhà từ rác thải ư? Có có bình thường không vậy?”, Mashharawi tâm sự. “Những ngày đầu quả thực là vô cùng khó khăn”, cô Mashharawi cho biết.
Mashhawari, năm nay 23 tuổi vẫn nhớ như in những thách thức mà mình phải đối mặt: “Những người xung quanh tôi khăng khăng cho rằng, phụ nữ thì nên ở nhà quanh quẩn việc bếp núc và sinh con đẻ cái thôi chứ đừng có làm mấy việc như đàn ông, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Mỗi khi tôi đến nhà máy, các công nhân ở đó nhìn tôi và nói: “ô, quý cô này, hãy đứng cạnh tôi đây, tôi sẽ làm thay phần việc của cô. Còn người thân thì lo lắng khuyên tôi nên quên mấy viên gạch đi và tập trung vào việc kiếm một tấm chồng”.
Sau hàng trăm cuộc thử nghiệm tràn đầy hy vọng và rồi lại thất vọng, cuối cùng đến đầu năm 2015, 2 sinh viên lần đầu tiên giới thiệu mẫu gạch GreenCake (chiếc bánh xanh) với giá thành rẻ hơn và nhẹ hơn 1 nửa so với gạch nung thông thường. Đây không phải là lần đầu tiên người ta dùng xỉ than và tro bếp để sản xuất gạch nhưng thiết kế của Mashharawi và bạn học khác ở chỗ sử dụng năng lượng từ hơi nước thay vì lò nung nhiệt độ cao để nung gạch. Quá trình này giúp tiết kiệm năng lượng.
Loại gạch của Mashharawi sau đó đã được một công ty đưa sang Nhật Bản để kiểm tra độ chịu nhiệt cũng như nhiều đặc tính khác- những thử nghiệm mà điều kiện khoa học kỹ thuật ở dải Gaza không thực hiện được. Sau khi được chứng minh, một startup ở địa phương đã giúp Mashharawi sản xuất những viên gạch đầu tiên ở quy mô thương mại vào tháng 9 năm 2016. Startup này cũng sử dụng loại gạch này để xây mẫu một công trình. Kể từ đó, khách hàng bắt đầu quan tâm và đặt mua những căn nhà giá rẻ từ loại gạch tro bếp, sỉ than và bê tông, gạch vụn.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Mashhawari cùng cộng sự của mình đã thuê một mặt bằng để xây dựng nhà máy và tuyển 10 công nhân để sản xuất thương mại khép kín loại gạch Greencake. Kể từ khi khai trương, họ đã sản xuất được hơn 30 vạn gạch loại này. Và những ngôi nhà đầu tiên từ gạch Green cake đã được dựng lên.
Tuy nhiên, so với nguồn nguyên liệu dồi dào ở dải Gaza cũng như nhu cầu tái thiết của người dân nơi đây, Mashhawari tin rằng, hiệu suất sản xuất như vậy còn chưa tương xứng. Bởi thế, Mashhawa đang lên kế hoạch để mở rộng quy mô sản xuất, từ đó tạo cơ hội cho gạch Green Cake giá rẻ của mình phục vụ đông đảo người dân đang phải oằn mình vì bom đạn và nghèo đói trên dải Gaza.
Vật liệu xây dựng lần đầu tiên bị cấm vận chuyển vào Gaza từ năm 2007, khi Israel sử dụng chiêu bài nói rằng, chúng được sử dụng với mục đích kép ở Gaza vì hoàn toàn có thể phục vụ mục đích xây boong-ke hoặc các mục đích quân sự khác.
Ngay cả sau cuộc chiến năm 2014, chỉ một lượng giới hạn vật liệu xây dựng được phép nhập vào dải đất này và chỉ một phần rất nhỏ trong số đó được dùng để tái thiết nhà ở. Do nguồn cung bị giới hạn, nên giá nguyên vật liệu xây dựng ở đây vô cùng đắt đỏ. Đây chính là một phần nguyên nhân nhiến cho hàng chục nghìn người trên dải Gaza lâm vào tình cảnh tha hương cầu thực hoặc màn trời chiếu đất.
Hoài Thanh (Theo BBC)