Người đàn ông dành 30 năm để tái sinh hơn 6 triệu hecta rừng ở châu Phi
Kỹ thuật tái sinh rừng của Tony Rinaudo, một người đàn ông Úc, được phát triển cách đây 30 năm ở Tây Phi, đã giúp phục hồi hơn 6 triệu hecta rừng với 240 cây xanh tại lục địa nóng bỏng này.
Diện tích này tương đương với bang Tasmania của Úc và có thể nhìn thấy bằng các hình ảnh chụp từ vệ tinh.
Trong lúc đang có rất nhiều cuộc thảo luận nảy lửa về vấn đề biến đổi khí hậu tại Katowice, Ba Lan, thì một người nông dân Úc đang âm thầm phổ biến kế hoạch tái sinh rừng của mình cho cả thế giới.
Thành công tưởng như không thể chạm tới
Sinh ra và lớn lên ở Myrtleford, hạt Victoria, Úc, ông Rinaudo đã đến Niger, một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới, vào năm 1981, bởi niềm tin tôn giáo và một khao khát “ít nhiều tạo ra một sự khác biệt ở đâu đó”. Nhưng sau 2 năm nỗ lực trồng cây vất vả để thu hút các sinh vật trở về với vùng đất khô cằn, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của những đợt hạn hán khủng khiếp này thì kết quả mà ông thu được chỉ là nỗi thất vọng.
“Lúc đó tôi đảm nhiệm một dự án tái sinh rừng nhưng triển vọng rõ ràng là đang đi đến thất bại thảm hại, đó không phải là điều làm tôi đặc biệt thất vọng, bởi nó là câu chuyện chung trên toàn Tây Phi. Và tôi nhớ một cảm giác bất lực ghê gớm lúc đó: phía Bắc, Nam, Đông, Tây, khắp nơi đều là một khu vực trơ trụi, chết chóc, và tôi biết chắc rằng 80 – 90% số cây xanh tôi mang đi trồng đều chết cả.
Nhưng lúc đó, khi cúi xuống cát để giảm sức cản không khí lên các bánh xe của mình, ông Tony đã nhìn thấy gần hơn với một số cây bụi thấp trên sa mạc rải rác trong tầm mắt, đó là những cây xanh duy nhất có thể sinh tồn ở đây.
Ông Rinaudo biết rằng chúng không phải là những cây bụi nhỏ, mà những cây này bị đốn ngã. Nhìn kỹ hơn, ông thấy rằng nếu được chăm tỉa và tạo điều kiện cho phát triển, thì chúng còn sinh sôi nảy nở nữa.
“Lúc đó, mọi thứ trong suy nghĩ của tôi thay đổi. Tôi không cần phải trồng cây nữa, đó không phải là vấn đề đầu tư hàng triệu USD và nhiều năm để trồng cây, mọi thứ chúng ta cần đã có sẵn trên mặt đất”.
Hệ thống rễ của những cây xanh bị đốn ngã vẫn sống dưới lòng đất – ông Rinaudo mô tả đó là “một khu rừng ngầm dưới đất” – nó chỉ cần chăm sóc và tạo điều kiện để phát triển lên thôi.
“Tự nhiên bản thân nó sẽ tự phát triển, việc của con người chỉ cần đừng tác động xấu gì đến nó”.
30 năm liên tục, kỹ thuật của ông Rinaudo – kỹ thuật mà ông mô tả là tương tự như việc cắt tỉa một thân cây nho thành một hoặc hai thân cây mỗi mùa – được gọi là kỹ thuật tái sinh tự nhiên do người nông dân tự quản lý (FMNR). Theo ông Rinaudo, thì đây là một “giải pháp đơn giản đến không tưởng” đối với một vấn đề đã từng tưởng như vô phương cứu chữa. Nhưng kỹ thuật này liên quan đến việc thay đổi những tư tưởng thâm căn cố đế của nhiều thế hệ người nông dân, và gần như chắc chắn họ phản đối việc trả lại đất cho tự nhiên.
Từng bị gọi là “nông dân điên”
“Khi bạn tiếp xúc với những con người thường xuyên cận kề với cái chết vì đói mỗi năm, không phải chỉ là những năm thất bát, thì bạn sẽ hiểu được việc họ cần mọi diện tích đất, dù là nhỏ nhất để trồng cây lương thực. Và đây chính là cốt lõi của vấn đề khi phải nói với họ là họ phải hy sinh một phần diện tích đất để những cây dại mọc lên đó”.
Rinaudo – lúc đó còn bị gọi là “ông nông dân da trắng bị điên” – đã cố gắng thuyết phục nông dân ở rất nhiều khu làng thuộc Niger làm theo kế hoạch của mình, đó là để cây tự nhiên mọc lại ở các diện tích đất mà họ đã canh tác từ nhiều thập kỷ.
Cuối cùng, với sự tham gia cũng nông dân, ba mươi năm sau, 6 triệu ha đất đã được tái sinh, với tổng số 240 triệu cây. Quang cảnh rừng tái sinh này có thể được nhìn thấy trên hình ảnh vệ tinh.
Ông Rinaudo cho biết chính những cây xanh này giúp cải thiện năng suất canh tác, giảm nhiệt độ trên mặt đất và giúp giữ nước trong đất. Ngoài ra, chúng còn cung cấp củi đốt và giúp việc làm đồng của người nông dân ở những khu vực mà nhiệt độ thường xuyên lên đến 40 độ C, trở nên dễ chịu hơn. Nhưng những cây xanh này cũng đóng vai trò là một bể chứa cacbon khổng lồ, và rất nhiều tiềm năng để “hút” thêm nhiều tấn cacbon nữa.
Để vinh danh những cống hiến của ông trong lĩnh vực tái sinh rừng, Rinaudo đã được tặng giải thưởng Right Livelihood Awards, một giải thưởng được coi là giải Nobel trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhân quyền, phát triển bền vững và hòa bình.
Khi hợp tác với tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới, ông Rinaudo đã phổ biến kỹ thuật của mình ra toàn thế giới, từ những vùng đất khô cằn của Somali cho đến đất nước Đông Timo.
Ông cho biết hiện thế giới đang có 2 tỷ hecta đất bị thoái hóa, và phần lớn diện tích đất này sẽ được phục hồi giúp làm giàu cacbon từ không khí. Việc tái sinh rừng không chỉ là một giải pháp hiệu quả chống lại sự biến đổi khí hậu, mà còn là một công cụ mạnh mẽ giúp đỡ người nông dân nghèo.
“Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện kỹ thuật này một cách chẳng tốn kém gì, mà còn rất nhanh và trên quy mô lớn”.
Phước Anh (Theo The Guardian)