Sáng kiến cộng đồng

View Original

Trao giải cuộc thi Sáng kiến cộng đồng năm 2018

See this content in the original post

Cuộc thi Sáng kiến cộng đồng được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM khởi xướng từ năm 2016. Cuộc thi này nhằm tôn vinh những sáng kiến góp phần tạo dựng môi trường sống, sinh hoạt, học tập của cộng đồng dân cư TP.HCM ngày một đổi mới, tốt đẹp hơn.

Cuộc thi được Sở KH&CN TP.HCM phân công Tạp chí Khám phá phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học Cơ sở (thuộc Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức thường niên.

 Dưới đây là danh sách 14 sáng kiến vừa được tôn vinh tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng năm 2018 sáng nay (26/12/2018):

Giải nhất: là sáng kiến “Đổi mới phương pháp dạy để tiết học trở nên thú vị, học sinh không nhàm chán” của Thầy Lê Thiên Phúc -  Giáo viên bộ môn Sinh và Công nghệ tại Trường THPT Phú Nhuận . Sáng kiến này đã  giúp cho các em học sinh thay vì ngồi học bài với lý thuyết khô khan, kiểm tra, thi xong rồi quên hết, giờ vận dụng tiết dạy STEM vào môn Công nghệ 10 và môn Sinh học 11, các em cảm thấy hào hứng vì vừa được trải nghiệm thực hành nấu ăn, sáng tạo.

Giải nhì: thuộc về 3 sáng kiến:

-          “Cậu học trò chuyên Anh thiết kế sách lịch sử cấp 3” của Đoàn Nguyễn Phương Danh. Trước đây, môn lịch sử luôn khiến học sinh phải trật vật để nắm rõ được các mốc thời gian quan trọng, ý tưởng này sẽ giúp thiết kế sách bộ môn này trở nên bắt mắt, thân thiện và hệ thống khoa học hơn giúp việc học dễ dàng và hứng thú hơn!

-           “Áo chống nắng đa năng làm từ xơ tre của sinh viên” của nhóm Phan Ngọc Hưng, Vũ Thị Huệ, Phạm Thị Dung, Lê Thị Hương Thịnh sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, Tp HCM. Đây là một giải pháp hữu hiệu dành cho mọi người khi phải di chuyển dưới cái nắng gắt,  áo được thiết kế từ xơ tre có khả năng kháng UV tự nhiên.

-          “Sinh viên ở Sài Gòn chế tạo máy bóc 3.000 vỏ trứng mỗi giờ” của Trương Công Hoàng. Chiếc máy này có thể áp dụng cho các nhà hàng và các cơ sở sản xuất trứng, họ bóc ra và giao lại cho các cửa hàng nhỏ.

 Giải ba: gồm 3 sáng kiến:

-          “Sinh viên TP. HCM chế tạo máy cho tôm ăn tự động” do Thầy Đoàn Tất Linh Giảng viên Khoa Đào tạo chất lượng cao; – Thầy Quách Văn Thiêm, giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM  hướng dẫn nhóm sinh viên: Nguyễn Hồng Thanh, lớp 151451B Ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô, Thái Ngọc Duy Đạt, Ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt khoa Cơ Khí Ô tô, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Bùi chí Bảo, sinh viên lớp Ô tô D, Khoa Cơ khí động lực, Ngành kỹ thuật Ô tô, Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM thực hiện. Máy cho tôm ăn này được cài sẵn chế độ qua smartphone do nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chế tạo.

-          “Robot tỉa cây do sinh viên TP. HCM chế tạo” - Robot tự men theo bồn và cắt tỉa cây thẳng hàng với công suất mỗi giờ có thể làm xong 2 km. Đây là sáng kiến nhóm sinh viên Bộ môn Cơ Điện Tử, Khoa Cơ Khí- Công nghệ, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM gồm: Phan Thương Hoài Linh Tâm ; Lê Ngọc Ân ; Nguyễn Văn Nhân; Phan Trọng Nghĩa, cùng với sự hướng dẫn và hỗ trợ của Thầy Đào Duy Vinh.

-          “Người bảo vệ vay tiền ngân hàng, tự chế xe chữa cháy mini chống "giặc lửa" trong hẻm nhỏ Sài Gòn”  - Để tiếp cận đám cháy trong hẻm ở Sài Gòn nhanh chóng khi xe cứu hoả chuyên dụng gặp khó khăn, ông Lý Nhơn Thành, sinh sống tại phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 đã quyết định vay tiền ngân hàng, tự chế xe chữa cháy mini để có thể hỗ trợ bà con dập lửa khi gặp sự cố. Hiện xe chữa cháy mini này đã tham gia và giúp “đẩy lùi được bà hỏa” nhiều lần trên địa bàn TP.

Giải Khuyến khích được trao cho các sáng kiến:

-          “Sinh viên ĐH Tài chính TP. HCM sáng tạo ứng dụng tìm nhà trọ, cây xăng, ATM trên điện thoại di động của nhóm các tác giả Đặng Duy Tuấn, Trần Minh Hải, Nguyễn Thanh Thúy Vy. Ứng dụng này giúp tìm kiếm các tiện ích xung quanh cơ sở thuê trọ như: cây xăng, trụ ATM, trạm xe buýt, trường học, chợ, bệnh viện... Đặc biệt, người thuê trọ có thể vẽ tay trên bản đồ số nơi cần tìm chỗ trọ...

-          “Học sinh phổ thông năng khiếu TP. HCM nghiên cứu thành công Phần mềm giúp người học quan sát được các bộ phận cơ thể” của nhóm Lâm Đào Quế Anh và Nguyễn Gia Huy - học sinh lớp 12 Trường PT Năng khiếu Đại học Quốc Gia TP.HCM; Phần mềm có tên là Virtual Anatomy giúp người học quan sát được các bộ phận cơ thể một cách trực quan, sinh động, gồm 8 hệ cơ quan lớn trong cơ thể con người: hệ bài tiết, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh dục, hệ bạch huyết, hệ hô hấp và hệ hoocmôn, với hệ thống hơn 700 xương và hơn 400 cơ. 

-          “Nữ chủ tịch phường và chiếc móc khóa "khẩn cấp"” tác giả sáng kiến là Bà Trần Thị Hồng Cúc - Chủ tịch Phường Tân Thành, Quận Tân Phú. Hàng ngàn chiếc móc khóa có ghi số điện thoại của bí thư, chủ tịch, trưởng công an phường đã được phát cho người dân phường Tân Thành (quận Tân Phú, TP.HCM). Giải pháp này giúp người dân tiếp cận với lãnh đạo nhanh nhất trong việc trao đổi thông tin.

-          “Học sinh cấp 2 sáng tạo nhạc cụ làm bằng… phế liệu” - Từ những phế liệu tưởng chừng vứt đi, dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô cộng với niềm đam mê, các bạn nhỏ đã tạo ra được một dàn nhạc độc đáo của nhóm tác giả Nguyễn Trúc Minh Uyên ; Lê Thị Ngọc Nga; Đỗ Ánh Tuyết; Đỗ Thị Thanh Trúc,, Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ.

-          “Nữ học sinh TP. HCM làm giấy từ đài sen” - Ngày nào cũng tiếp xúc với giấy vở, hai nữ sinh Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã tìm ra nguyên liệu làm giấy từ đài sen thay thế cây thân gỗ để giữ được nguồn tài nguyên rừng. Sáng kiến là sản phẩm của nhóm học sinh: Bùi Trần Vân Trang và Bùi Minh Nguyệt.

-          “Xe đạp quẹt thẻ từ, tự bật đèn của học sinh lớp 9 ở Sài Gòn”: Mở khóa bằng thẻ từ, đèn pha tự bật khi trời tối, sạc bằng năng lượng mặt trời... là những tính năng nổi bật của chiếc xe đạp do Mai Quốc Huy, học sinh trường Trung học cơ sở Bàn Cờ, Quận 3, TP.HCM chế tạo.

-          “Ô tô điện năng lượng mặt trời” - Xe sử dụng điện từ tấm pin mặt trời, có thể hoạt động thời gian dài không cần sạc do nhóm sinh viên trường Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM thiết kế gồm ( Nguyễn Hồng Thanh, lớp 151451B Ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô; Võ Văn Công, Lâm Quốc Quang lớp 151451C, Nguyễn Tấn Đạt, lớp 151451D  ngành công nghệ Kỹ thuật Ô tô; Khoa Cơ khí động lực với sự hướng dẫn của Thầy Đoàn Tất Linh, giảng viên Khoa điện tử chất lượng cao, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 01 Giải cho tác phẩm báo chí ấn tượng nhất, do cộng đồng bình chọn, cho tác phẩm “Cậu học trò chuyên Anh thiết kế sách lịch sử cấp 3” của tác giả Thảo Thương (báo Tuổi Trẻ). Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng tri ân các Báo có nhiều tác phẩm viết về Sáng kiến cộng đồng như: Báo Thanh Niên; Báo điện tử Vnexpress; Báo Khoa học Phổ thông; Báo Pháp Luật TP.HCM.

Thảo Hiền

See this content in the original post