Cho con chơi smartphone là sự vô trách nhiệm của cha mẹ
Như thường lệ, cuối tuần gia đình tôi và một vài gia đình bạn bè khác lại rủ nhau làm chút cà phê, hàn huyên tâm sự. Vì là chủ nhật nên đứa nào đứa nấy đều rồng rắn theo cả một biệt đội nhí.
Để tranh thủ thời gian ‘bên nhau’ nói chuyện trên trời dưới biển, mấy nhà hay ném cho con mỗi đứa một cái smartphone. Các con ngồi ngoan ngoãn, cắm cúi chơi, chẳng cần người lớn trông nom, bố mẹ thì ‘rảnh tay’ tha hồ ‘chém gió’.
Không chỉ lúc ra ngoài đường, rất nhiều bố mẹ ở nhà còn chủ động đưa cho con những chiếc điện thoại để con ngồi im ngoan ngoãn, không ‘dở chứng’, không quấy rầy mình. Họ không biết rằng việc “nuôi con bằng công nghệ” ấy đang cướp đi cơ hội để bé được trải nghiệm, khám phá thế giới và tự do bay lượn với đôi cánh tưởng tượng của chính mình.
“Ta kỳ vọng con sẽ dành thời gian để ngửi mọi bông hoa trong vườn, đặt mọi chiếc lá vào chiếc túi bé nhỏ của mình. Ta kỳ vọng con sẽ đọc cuốn sách yêu thích của mình càng nhiều lần càng tốt, để có thể tạo ra những câu chuyện của riêng mình. Cha mong con sẽ chạy thật nhiều vòng quanh phòng khách và vườn nhà mình. Và cha cũng mong con sẽ ngủ trưa thật nhiều.”
Những lời trong lá thư gửi đến cô con gái yêu thứ hai này của Mark Zukerberg – cha đẻ của mạng xã hội lớn nhất hiện nay – Facebook - đặt ra trong đầu mỗi chúng ta một câu hỏi: Vì sao một tỷ phú công nghệ như Mark lại khuyên con mình dành nhiều thời gian ra ngoài chơi, tìm hiểu những điều mới lạ của thế giới xung quanh thay vì cắm mặt vào chiếc màn hình điện thoại hay online Facebook?
Đó là vì ông là người tạo ra công nghệ, ông hiểu rõ về công nghệ, và ông biết được những ảnh hưởng của công nghệ đối với con mình nghiêm trọng như thế nào?
Thời gian trung bình trẻ dành cho Internet vào các ngày trong tuần là 2 tiếng 54 phút và thời gian này sẽ tiếp tục tăng theo độ tuổi của trẻ.
Đây chính là những con số biết nói, cho ta cái nhìn về thực trạng sử dụng điện thoại của trẻ hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian bên cạnh những chiếc điện thoại thông minh. Giờ đây thật khó để tìm thấy hình ảnh những đứa trẻ “chạy quanh phòng khách và vườn nhà mình” mà tay không cầm chiếc điện thoại, hay những đứa trẻ miệng chào mà mắt không dán vào màn hình smartphone.
Quả thực, những chiếc smartphone kia đang thâu tóm thế giới to lớn của trẻ trên chiếc màn hình nhỏ bé ấy. Và chẳng ai có thể đỗ lỗi cho những chiếc điện thông minh, đáng trách phải những người làm cha, làm mẹ, những người thờ ơ, vô trách nhiệm với chính con cái của mình.
Smartphone là chiêu bài lợi hại để ‘dụ’ các con nghe lời. Cho con chơi điện thoại, cha mẹ đỡ phải trông nom, con cả ngày không có tiếng khóc, ngoan ngoãn ăn hết bát cơm.
Khi cha mẹ càng để con gắn chặt với chiếc điện thoại thì con lại càng ít vận động hơn. Những chiếc smartphone ấy đang hạn chế khả năng vận động của con, rồi chúng sẽ dần thay thế hẳn các hoạt động chân tay – những hoạt động rất cần thiết cho việc phát triển kĩ năng quan sát và khả năng học hỏi.
Smartphone làm trẻ lười biếng dần, chúng lấp đầy mọi không gian trống bằng những video trên Youtube hay những trò chơi điện tử. Thời gian đó đáng lẽ phải dành cho những ý tưởng, cho sự sáng tạo. Nhiều phụ huynh còn nghĩ những chiếc điện thoại thông minh này “mở ra một thế giới mới” cho con nhưng thực tế chúng lại đang khép dần cánh cửa sáng tạo của con.
Bố mẹ sợ con buồn chán, đưa điện thoại cho con vui chơi. Thế nhưng để trẻ buồn chán không phải lúc nào cũng xấu. Trái lại, sự buồn chán còn là chìa khóa đưa trẻ tới những ý tưởng mới.
Thậm chí một số nơi trên thế giới còn cố tình tạo ra sự buồn chán cho trẻ em để kích thích sự sáng tạo. Nhiều nhà trẻ ở Đức đã lấy đi tất cả đồ chơi của trẻ em. Những đứa trẻ ban đầu rất chán, nhưng rất nhanh các em đã tìm ra cách để ‘mua vui’ bằng cách tự thiết kế các trò chơi dựa trên những gì có trong phòng.
Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện về chiếc điện thoại thông minh. Khi trẻ được cung cấp đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, bộ não của chúng sẽ ngại nghĩ, chây ì, không thể tìm tòi và đưa ra được điều gì mới mẻ.
Smartphone đã đánh cắp đôi cánh tưởng tượng của trẻ, lấy đi thời gian vui chơi, và người tiếp tay cho việc đó lại chính là bố mẹ của chúng.
Cha mẹ đưa cho con một chiếc máy tính bảng hay một chiếc điện thoại di động cũng đồng nghĩa với việc đưa cho con một chai rượu hay một loại game chứa cocain.
Làm sao có thể không nghiện được khi chính những người lớn như cha mẹ của chúng còn bị smartphone qua mặt. Khi phụ huynh còn ‘tự nguyện’ dấn thân vào cơn bão công nghệ ấy, còn vui với những status nhiều like, còn chăm đọc những dòng comment sáo rỗng thì thử hỏi những đứa trẻ chưa có sức đề kháng với công nghệ làm sao có thể cưỡng nổi những hình ảnh gây tò mò hay những trò chơi online hấp dẫn kèm âm thanh sống động ấy được?
Trong độ tuổi đẹp nhất, hồn nhiên nhất của cuộc đời, trẻ em có quyền được khám phá thế giới, được hỏi tại sao và được thỏa sức sáng tạo. Những bậc làm cha, làm mẹ hãy đồng hành cùng con trên những cung đường khám phá ấy chứ đừng thu nhỏ thế giới của con chỉ bằng một cái màn hình điện thoại, hãy cùng con chơi đùa, “chạy quanh vườn, đọc sách và tạo ra những câu chuyện của riêng mình”.
Thế nhưng, để làm được điều đó, trước hết cha mẹ phải đặt chiếc điện thoại xuống đã bởi tuổi thơ con không được nuôi dưỡng bởi những cái lướt smartphone.
Pham Thu Ha