Sáng kiến cộng đồng

View Original

Máy xúc lúa "Tư Sáng"

Một trong những tấm gương điển hình được chú ý tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII lại là nhà khoa học-nông dân. Sau gần một năm mày mò, nghiên cứu, thương hiệu máy xúc lúa "Tư Sáng" đã ra đời.

Chủ nhân của sáng kiến khoa học có tính ứng dụng cao này chính là ông Nguyễn Văn Sáng, 60 tuổi, trú tại khu vực 4, phường 1, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Từ nỗi khổ nghề nông

'Xuất thân từ nông dân, hơn ai hết tôi thấu hiểu nỗi cực khổ của người làm ruộng. Không riêng gì ở thị xã Vị Thanh mà hầu hết các tỉnh, thành của Ðồng bằng sông Cửu Long khi vào vụ sản xuất hè-thu, thu-đông thì công việc phơi lúa gặp nhiều khó khăn, do thời tiết thất thường, mưa gió bất ngờ.

Vất vả nhất là khi tới mùa thu hoạch, tranh thủ lúc trời quang mây tạnh, lúa vừa được đem ra phơi trước sân, nhiều khi chưa kịp cào lúa ra, trời chuyển mưa, người nông dân lại phải 'chạy đua' xúc lúa vào bao.

Làm không kịp, lúa bị ướt, lên mộng trắng xóa, đành phải đem cho vịt, gà ăn... coi như trắng tay'. Ðây là đoạn mở đầu câu chuyện giữa chúng tôi với ông Nguyễn Văn Sáng.

Thời gian qua, sự ra đời của lò sấy lúa đã giúp nông dân khắc phục được nhược điểm phơi lúa nhờ trời. Tuy nhiên, ở các lò sấy lúa, người ta phải cào lúa thành đống, xúc vô bao, công việc rất vất vả, mất nhiều thời gian.

Nhiều lần chở lúa đi sấy, nhiều cô, bác 'thở không ra hơi' nhưng vẫn không sao kịp xúc lúa vô bao và phải thuê mướn thêm nhân công, tốn kém tiền bạc. Thấu hiểu nỗi khổ này, ông Sáng ao ước: 'Phải chi có máy xúc, cào lúa vô bao, người dân chỉ việc buộc miệng bao lúa thì tiện biết mấy'. Và ý tưởng chế tạo ra chiếc máy xúc lúa hình thành từ đó.

Ðem ý nghĩ này tâm sự với mấy người bạn lão nông trong xóm, ông được họ nhiệt tình ủng hộ. Có người hàng xóm cạnh nhà còn nói với ông rằng: 'Nhà ông có sẵn cơ sở làm cửa sắt, thuận tiện cho việc chế tạo máy, ông hãy cố gắng làm ra máy xúc lúa để giúp nông dân tụi mình đỡ cực'. Sự động viên của những người hàng xóm càng thôi thúc ông Sáng quyết tâm làm ra máy xúc lúa cho bằng được.

Ông Sáng kể: Công việc đầu tiên của tôi là tìm đến những chiếc máy gặt liên hợp, máy tuốt lúa để tìm hiểu nguyên lý hoạt động, nhất là công đoạn lấy và đưa lúa xuống bao. Ðể tìm hiểu, tôi mất nhiều thời gian đi từ Hậu Giang đến các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Ðồng Tháp để thụ giáo nhiều người và học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất máy gặt liên hợp, máy tuốt lúa.

Có công mài sắt...

Rong ruổi mấy tháng trời, cuối cùng những bộ phận chính và hình thù chiếc máy xúc lúa cũng được hình dung ra. Bắt đầu tự làm để tiện một đoạn kim loại lớn có hình dáng giống như mũi khoan, nhưng có các rãnh sâu hơn (bộ phận này có chức năng đưa lúa qua ống); hàn các tấm kim loại làm thành thùng đựng lúa, ống đưa lúa ra ngoài, rồi ráp lại với nhau tạo thành máy xúc lúa. Qua chạy thử bằng tay, kết quả khả quan.

Nhưng nếu vận hành thủ công thì công suất và hiệu quả hoạt động không cao, do đó ông Sáng tiếp tục nghiên cứu gắn thêm mô-tơ điện để làm động cơ hoạt động. Vậy là chiếc máy xúc lúa thế hệ đầu tiên của nhà khoa học-nông dân đã ra đời ngày 26-4-2007, mang nhãn hiệu 'Tư Sáng'.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Sáng cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình chế tạo, lắp đặt và có nhiều khi tôi có ý định dừng lại nhưng nhờ có được sự động viên hỗ trợ và giúp đỡ của gia đình, bạn bè và bà con nông dân nên mới cho ra đời được chiếc máy đó. Ðúng là 'có công mài sắt, có ngày nên kim'.

Chiếc máy xúc lúa thương hiệu Tư Sáng bao gồm các bộ phận như thùng đựng lúa, giàn cào lúa, trục khoan lúa, hệ thống quạt gió, hệ thống điều chỉnh độ cao thấp của thùng đựng lúa, máy vận hành bằng mô-tơ điện và bốn bánh xe cho tiện lợi khi di chuyển...

Khi vận hành chỉ cần một người điều khiển, máy tự động cào lúa vô thùng bằng hệ thống giàn cào lúa, rồi đưa lúa ra đồng, đổ vào bao bằng trục khoan lúa.

Và chiếc máy này hoạt động thích hợp trong điều kiện lúa đống, lúa phơi đệm. Công suất hoạt động của máy từ 10 đến 12 tấn/giờ, trọng lượng khoảng 80 kg, hoạt động 24/24 giờ. Giá một chiếc máy xúc lúa khoảng sáu triệu đồng.

Trong quá trình vận hành, sử dụng, máy xúc lúa thương hiệu 'Tư Sáng' thế hệ đầu tiên đã bộc lộ một số nhược điểm, như không có tính năng tự đưa lúa vào thùng và chưa xử lý được việc đưa bụi lúa ra xả... Thất bại này không khiến nhà nông Tư Sáng nản chí.

Ông tiếp tục nghiên cứu, mày mò học hỏi để từng bước cải tiến, chỉnh sửa. Sau một thời gian, chiếc máy xúc lúa đã hoàn thiện và vận hành có hiệu quả hơn cả mong đợi.

Ðến thời điểm này, nhà khoa học-nông dân Tư Sáng đã sản xuất và bán được hơn 80 chiếc máy xúc lúa. Không chỉ bán máy với giá thành phải chăng và bảo đảm chất lượng sản phẩm, ông Sáng còn bảo trì máy miễn phí cho những người sử dụng sản phẩm của mình.

Qua ba năm hoạt động, công trình máy xúc lúa thế hệ đầu tiên do Tư Sáng chế tạo ra đã giúp cho người nông dân giảm bớt phần nào sức lao động, cũng như đẩy nhanh năng suất, nhất là trong điều kiện kinh tế phát triển, lực lượng lao động thủ công rất khó thuê mướn, giá thuê nhân công tăng cao... 

Trước khi chia tay, nhà khoa học-nông dân Nguyễn Văn Sáng chia sẻ: Tôi mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều sáng kiến để đóng góp bổ sung cho chiếc máy cào và xúc lúa của tôi được hoàn chỉnh hơn để phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Từ thành công của chiếc máy xúc lúa, tôi quyết tâm thi đua lao động, học tập, sáng tạo để hết năm nay sẽ tiếp tục cho ra đời hai sản phẩm mới rất có ích cho người nông dân như máy xúc lúa trên sân, máy cắt lúa xếp dãy và sản xuất ra thêm chiếc máy phun thuốc trừ sâu để giúp nông dân giảm bớt cực nhọc trong sản xuất.

Theo TTXVN

See this gallery in the original post