Sáng kiến cộng đồng

View Original

“Không ai phải chết trong cô đơn” - Sự tử tế của những người xa lạ

Trong ca trực của cô y tá Sandra Clarke hôm đó có một bệnh nhân bệnh nặng nằm một mình, không người thân nào bên cạnh. Người bệnh nhân đề nghị Sandra ở lại bên mình thêm một chút nữa, nhưng cô không thể vì còn trách nhiệm với những bệnh nhân khác. Khi Sandra quay lại, người bệnh nhân đó đã qua đời, một mình.

Với những kiến thức chuyên môn, cô biết rằng mình không phải là nguyên nhân gây nên cái chết cho bệnh nhân kia. Thậm chí dù cô có quay lại sớm hơn cũng chẳng thể khiến mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng trong thâm tâm, cái chết ấy vẫn khiến cô đau đáu và cảm thấy có lỗi.

5 năm sau, chương trình “Không ai phải chết trong cô đơn” của Sandra đã ra đời từ chính trung tâm y tế Sacred Heart, nơi cô làm việc. Những hoạt động chủ yếu của chương trình này là để các tình nguyện viên ngồi bên cạnh những bệnh nhân sắp ra đi, xoa dịu và ở bên họ trong những giờ phút cuối cùng. Một người ra đi là lẽ thường tình, nhưng một người ra đi trong sự cô đơn thì không phải là chuyện thường tình tí nào.

Sau hơn 15 năm hoạt động, đến nay chương trình này đã phủ sóng khắp nước Mỹ, từ Alaska đến New York, thậm chí cả Nhật Bản và Singapore, và giờ đã phát triển thành Tổ chức “Không ai phải chết trong cô đơn”.

Với tư cách là người sáng lập tổ chức này, Sandra đã soạn một bản hành động và phân phối đến hơn 400 bệnh viện, trung tâm y tế và các trung tâm hỗ trợ AIDS trên khắp thế giới. Chương trình từ thiện này của cô hoạt động mà không dựa trên bất kỳ nguồn quỹ nào, ngoài một khoản chi phí nhỏ dành để in ấn cuốn sổ tay nói trên.

Tuy nhiên hiện nay “Không ai phải chết trong cô đơn” cũng tổ chức gây quỹ để giúp đỡ các gia đình không có điều kiện ở bên cạnh người thân sắp mất của mình (vì khoảng cách địa lý). Nguồn quỹ này còn giúp tổ chức tuyển dụng được nhiều nhân viên chăm sóc cho các bệnh nhân hơn.

Với phương châm “mỗi hơi thở là một niềm hy vọng, mỗi niềm hy vọng là một giấc mơ, mỗi một giấc mơ là một tiếng cười”, tổ chức này tin tưởng rằng những hành động nhỏ nhặt nhất cũng sẽ đem lại sức ảnh hưởng nhất định đến những người bệnh và người thân của họ.

Cuộc sống của bất kỳ ai cũng đáng được vinh danh, cho dù là khi bắt đầu, hay là những giây phút cuối cùng. Thông điệp nhân văn sâu sắc này là bệ phóng giúp tổ chức có được sức ảnh hưởng trên toàn cầu như hiện nay.

Những tình nguyện viên tham gia tổ chức đến từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, từ thợ bảo trì cho đến nhân viên bệnh viện. Thông thường, họ sẽ ngồi cạnh người bệnh, đọc một vài câu chuyện trong Quà tặng tâm hồn, hoặc nghe một số bài nhạc.

Một số khác lại cùng bệnh nhân thực hiện sở thích của họ, ví dụ như câu cá. Dù cho tham gia bất cứ hoạt động nào, các tình nguyện viên chắc chắn đều cho đi sự bình yên và nhận về những trải nghiệm sâu sắc.

Jim Clarke là thợ bảo trì ở trung tâm y tế. Ông biết đến tổ chức này qua lời một đồng nghiệp, không lâu sau cái của bố ông ấy. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến ông ghi tên mình vào danh sách tình nguyện viên.

Trong một lần “đồng hành” cùng một nữ bệnh nhân, ông đã khuyên nhủ bà hãy bình thản ra đi, vì thế giới bên kia vẫn có bạn bè và người thân chào đón họ. Clarke nói rằng giây phút ấy thực sự có ý nghĩa với ông, bởi từ sau cái chết của bố, ông không bao giờ muốn thấy ai phải ra đi trong cô đơn một lần nữa.

Hoặc như câu chuyện của Vicki Wiederhold - một nữ lễ tân 50 tuổi. Bà kể rằng sau khi thiếp đi một lúc, người bệnh nhân mở mắt và nói “Cảm ơn, Vicki”, rồi qua đời ngay sau ấy. Đó là khoảnh khắc Vicki cảm nhận được chuyện mình đang làm thực sự đem đến một điều gì đó quý giá .

Giờ đây khi nhìn lại quá trình của mình, Sandra Clarke không thể biết được vì sao kế hoạch khiêm tốn ấy lại có thể được lan rộng đến như vậy. Thế nhưng có lẽ tất cả đều có được câu trả lời của mình. Đó là sự tử tế, sự cảm thông của lòng người đã nâng tầm vóc và đưa giá trị của tổ chức này ra toàn thế giới.

Hải Vy

See this gallery in the original post