MS-020: Ông cụ nhặt rác và chú vẹt ở Sài Gòn trên chiếc xe cứu thương đáng yêu được chế tạo từ phế liệu
Chiếc xe cứu thương di động do ông Thơm tự chế tạo từ chiếc xe gắn máy của mình và những đồ phế liệu nhặt nhạnh từ bãi rác thấm thoắt cũng đã theo ông gần 10 năm, giúp đỡ không biết bao nhiêu người gặp nạn trên đường.
Dù ngày nắng hay ngày mưa, hễ không ốm đau thì ông Thơm lại cùng chú vẹt nhỏ xíu của mình đồng hành trên những con đường quen thuộc ở quận 5 để đi thu gom rác, đôi khi là hỏi thăm anh em bạn bè đồng nghiệp, kiêm luôn công việc sơ cấp cứu cho người gặp nạn trên đường hay sửa xe cho những ai cần giúp đỡ.
Chiếc xe cứu thương, cứu hỏa phiên bản "mini di động" siêu đáng yêu ở Sài Gòn
Ngót nghét cũng gần 10 năm kể từ ngày ông Tống Văn Thơm (68 tuổi) chế ra chiếc xe cứu thương di động từ chiếc xe gắn máy đi làm hằng ngày của mình, thế nhưng ngày ngày vẫn có rất nhiều người ngạc nhiên lẫn tò mò khi nhìn thấy chiếc xe đặc biệt của ông cùng chú vẹt.
Ông Thơm kể: "Hồi đó tôi bị tai nạn giao thông nhưng không ai đến cứu giúp, tôi phải tự mình ngồi dậy sơ cứu vết thương cho mình. Lúc đó tôi mới nghĩ đến chuyện làm 1 chiếc xe cứu thương để lỡ đi trên đường mà gặp ai đó bị tai nạn thì mình có thể ngay lập tức giúp họ sơ cứu, chủ yếu là giúp cầm máu và đỡ đau rồi đưa tới bệnh viện".
Và thế là ông Thơm tận dụng luôn chiếc xe đi làm hằng ngày của mình để chế tạo thành chiếc xe cứu thương di động. "Xe cứu thương người ta 4 bánh, còn xe của tui 2 bánh, ai nhìn cũng mắc cười, mà tất cả những vật dụng trên xe đều được tôi tận dụng từ đồ phế thải - ông cười hà hà chỉ vào từng món đồ:
- Cái thùng gỗ đựng bông băng thuốc đỏ này là cái hộp bánh trung thu tôi sửa lại nè!
- Cái đèn ò ý e này cũng lấy từ bãi rác rồi tôi nối dây điện lại.
- Mấy cái tượng này tôi cũng đi lượm luôn!
Không những vậy chiếc xe của ông Thơm còn được trang bị thêm đồ nghề sửa xe để sửa cho những ai cần giúp. Hai bên chiếc xe còn trang bị thêm 2 bình cứu hoả để phòng khi gặp đám cháy nhỏ thì ông cũng có thể phụ giúp người dân. "Hai bình cứu hoả này là do bên công an người ta tặng tôi đó" - ông cười giải thích.
Cũng nhờ trước đây từng có thời gian làm việc trong quân y nên ông Thơm có một ít vốn liếng về sơ cứu, tuy nhiên ông vẫn luôn đem theo bên mình một cuốn sổ về các cách sơ cứu cơ bản, để trong trường hợp cần thiết có thể mở ra tra cứu ngay.
Gần 10 năm những trường hợp được ông Thơm giúp đỡ nhiều không kể hết, nhưng ông vẫn nhớ cái lần giúp đỡ 1 người đàn ông trung niên bị té xe trên đường.
"Lúc sơ cứu xong tôi nói với người đàn ông đó là chân cẳng ông như vầy giờ không chạy xe được đâu, giờ ông đi gởi xe rồi tui chở ông đến bệnh viện. Lúc chở tới bệnh viện thì mới biết người đàn ông này chính là bác sĩ của bệnh viện Nguyễn Tri Phương, vị bác sĩ mới nói là sau này anh có cần thuốc men gì thì cứ tới bệnh viện nói tên tôi thì tôi sẽ hỗ trợ" - ông Thơm hào hứng kể về những cái duyên nối sự tử tế với nhau.
Sống như những ngày tuổi trẻ tươi đẹp
Ông Thơm cười bảo : "Lúc mới làm cái xe này bà nhà tôi bả nhằng dữ lắm! Vì công việc đã nhiều rồi còn đi lo chuyện bao đồng. Nhưng tôi nói với vợ tôi là: Giờ bà chọn đi, một là tôi cờ bạc rượu chè, hai là tôi đi làm việc cho cộng đồng, bà chọn cái nào. Rồi cái bả hông thèm nói nữa".
Bén duyên với công việc thu gom rác thải từ sau giải phóng, mấy mươi năm qua ông Thơm từng bước phát triển nghiệp đoàn giúp nhiều anh em có công ăn việc làm ổn định, đồng thời góp phần trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Thế nhưng ông vẫn luôn canh cánh về công việc, vì theo ông chúng ta chỉ mới giải quyết phần ngọn, còn gốc của vấn đề rác thải vẫn chưa được xử lý triệt để.
Dù tuổi đã cao, không còn trực tiếp làm việc như trước nhưng hằng ngày ông Thơm vẫn chạy xe từ nhà ở quận 12 lên quận 5 để trông coi công tác thu dọn rác thải ở trong quận. Thời gian này các con của ông đều đã thành đạt, nên gánh nặng gia đình không còn như trước, ông Thơm có nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống theo cách của mình.
Ở cái tuổi gần 70 nhưng sức khoẻ của ông Thơm gần như chẳng yếu đi chút nào, ông bảo: "Nhờ đi nhiều, gặp nhiều người, cười nói miết nên trẻ lâu, chứ thử ở nhà chừng 2 tuần không làm gì là sức khoẻ xuống ngay". Thật đúng như vậy, những công việc "bao đồng" hằng ngày mà ông Thơm làm không chỉ giúp cho những người xung quanh còn giúp ông có thêm niềm vui và nhiệt huyết như cái thời xuân xanh.
Và không quên kể đến anh bạn vẹt nhỏ nhắn ngày ngày theo chân ông Thơm đi qua những ngã đường Sài Gòn, chú vẹt vừa là người bạn đồng hành vừa đem đến niềm vui cho ông mỗi khi nghỉ chân bên đường. Chẳng biết hành trình đáng yêu này sẽ được duy trì đến khi nào, nhưng chắc chắn là ngày nào ông Thơm còn khoẻ thì người Sài Gòn vẫn sẽ còn nhìn thấy ông già, con vẹt và chiếc xe cứu thương di động.
Toàn Nguyễn - Ảnh: Nguyễn Đạt (TTVN)