Chế tạo sản phẩm mà không bán được thì không có gì hay
Với quan điểm nghiên cứu, chế tạo phải bán được, robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy của kỹ sư Lê Anh Kiệt, Công ty TNHH Chế tạo máy AKB, đã được sản xuất đồng loạt 20 bộ và bán được hơn 12 bộ cho các đơn vị ứng dụng với mức giá chỉ bằng một nửa so với sản phẩm nhập ngoại.
Gặp chúng tôi tại văn phòng làm việc tương đối nhỏ hẹp, được trang bị giản đơn, trong khuôn viên xưởng nghiên cứu và chế tạo rộng khoảng 1000 m2 ở Quận 7, TPHCM của Công ty AKB, kỹ sư Lê Anh Kiệt say sưa nói về quan điểm chế tạo sản phẩm phải để bán. Bởi theo anh Kiệt, kết quả nghiên cứu hay nhất chính là việc người ta mua sản phẩm của mình. Nếu không bán được có nghĩa sản phẩm của mình không có gì hay.
Với triết lý, sản phẩm phải được tối ưu hóa sao cho cấu trúc cơ khí đơn giản, nhưng lại hoạt động thông minh giống như một máy tính, kỹ sư Lê Anh Kiệt đã CNC hóa tất cả máy cơ điện tử (Computer Numerical Control - điều khiển với sự trợ giúp của máy tính). Điều này cho phép, người sử dụng có thể tự cài đặt các thông số và lưu lại trong bộ nhớ của máy, đồng thời có thể điều chỉnh máy tức thời khi đang chạy ngay trên màn hình mà không cần phải điều chỉnh cơ khí.
Theo đó, nhiều sản phẩm (Máy chiết rót tự động; Máy siết nắp tự động; Máy dán nhãn decan 2 mặt; Máy đóng màng co …) do công ty nghiên cứu và chế tạo thành công đã được bán và sử dụng tại các nhà máy thông minh tại Việt Nam, trong đó có nhà máy của Vinamilk.
Song song với việc kinh doanh sản xuất, việc đầu tư nghiên cứu khoa học là vô cùng cần thiết. Robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy, là một trong số những đề tài nghiên cứu khoa học do kỹ sư Kiệt làm chủ nhiệm và được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tài trợ kinh phí.
Bắt tay thực hiện từ năm 2014, trải qua rất nhiều khó khăn vì phải tìm kiếm các linh kiện phụ trợ phù hợp, đến năm 2016, sản phẩm đã được nghiệm thu. Điều đặc biệt là, sản phẩm này được nội địa hóa lên tới 90%. Dù chip phải nhập ngoại, nhưng là chip trống, toàn bộ phần điều khiển đều do kỹ sư Kiệt cùng cộng sự lập trình.
Tự tin với kết quả nghiên cứu, công ty AKB đã quyết định sản xuất đồng loạt sản phẩm thương mại mang tên VNR-T1. Đây là robot khớp xoay dạng đứng, có trọng lượng 25kg, có thể làm việc trong bán kính tối đa là 610m, tốc độ lớn nhất 600mm/giây, trọng tải tối đa là 1kg và có độ chính xác lặp lại trong khoảng 0,8mm... Robot này có điểm đặc biệt là Bộ điều khiển tích hợp 5 driver cho 5 trục được tích hợp trên 1 board mạch duy nhất nhỏ gọn và được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động hoặc máy tính bảng.
Theo kỹ sư Kiệt, so với sản phẩm nhập ngoại, giá bán của robot này rẻ bằng ½ (chỉ 200 triệu đồng/bộ) nhưng có kèm theo đầy đủ Bộ tài liệu thực hành về robotics.
Hiện VNR-T1 đã bán được hơn 12 bộ, cho các cơ sở đào tạo trên cả nước. Đặc biệt, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, một trong những cơ sở đào tạo về công nghệ hàng đầu tại Việt Nam cũng đã chọn mua 3 bộ, Đại học Việt Đức mua 2 bộ. Với robot này, các trường và các cơ sở đào tạo có thể thay đổi lập trình ở nhiều lớp để chủ động trong việc giảng dạy, điều này thường không có ở các sản phẩm ngoại nhập vì mỗi yêu cầu thay đổi với robot giảng dạy sẽ bị tính phí.
AKB cũng là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thiết kế chế tạo thành công Robot xếp hàng lên Pallet (Palletizing Robot), đã được thương mại hóa, giúp các nhà máy sản xuất giải quyết được bài toán về nhân lực và hiệu quả lao động.
Sẵn sàng chuyển giao chất xám
Theo kỹ sư Kiệt, các sản phẩm của AKB được tích hợp bo mạch điều khiển duy nhất cho phép thay thế, nâng cấp dễ dàng. Chính vì làm chủ được công nghệ, nên ABK đã tự tin áp dụng “chế độ bảo hành 24h” cho các khách hàng mua sản phẩm do công ty nghiên cứu, chế tạo.
Nhiều loại máy do công ty nghiên cứu và chế tạo đã được xuất khẩu qua Australia, qua Campuchia, Angola, Myanmar với giá trị xuất khẩu từ 100 - 200.000 USD/năm. Tuy nhiên, theo chị Võ Thị Ngự Bình, giám đốc Công ty AKB, hoạt động xuất khẩu chưa phát triển đúng tầm mong muốn, do AKB vẫn là một công ty nhỏ. Mặc dù, có một số nước như Australia có chương trình hỗ trợ nếu doanh nghiệp qua đó hoạt động, sẽ cấp vốn để xây nhà xưởng với trị giá 150.000 USD ban đầu, nhưng kèm theo một số điều kiện đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn đối ứng mà AKB chưa đủ tiềm lực.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng sản xuất thông minh tại các nhà máy là tất yếu, nhiều khâu sản xuất sẽ phải sử dụng robot thay thế cho con người. Tuy nhiên, dù có năng lực nghiên cứu và chế tạo, đại diện công ty thừa nhận vẫn yếu ở khâu kết nối, bán hàng.
Chị Võ Thị Ngự Bình cho biết, Công ty rất cần sự liên kết hỗ trợ giữa các nhà nghiên cứu - doanh nghiệp để có thể thương mại hóa hiệu quả các sản phẩm mà kỹ sư Kiệt đã nghiên cứu và chế tạo thành công.
Ngoài ra, Công ty rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác để đưa việc giảng dạy kiến thức về lắp ráp và chế tạo robot vào trong trường phổ thông, như một hợp phần của bộ môn dạy nghề, nhằm khuyến khích học sinh có tư duy nghiên cứu và sáng tạo ngay từ nhỏ.
“Điều quan trọng là trẻ sẽ tự tin khi thấy người Việt đã nghiên cứu và chế tạo được các sản phẩm công nghệ cao không thua gì sản phẩm của nước ngoài, từ đó lan tỏa tinh thần nghiên cứu và phát triển ở lĩnh vực này ngay từ nhỏ cho trẻ, bởi tương lai nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào chính lớp trẻ này", chị Bình cho biết thêm.
Trong khi đó, kỹ sư Kiệt cũng chia sẻ, thời gian đầu bản thân anh còn phải vật lộn với việc vừa “kiếm cơm” vừa làm khoa học, nhưng nay, khi kinh tế đã ổn định, kiến thức và kinh nghiệm mà anh tích lũy được trong việc nghiên cứu và phát triển robot nói chung và các sản phẩm cơ khí thông minh nói riêng cũng tương đối “dày dặn”. Vì vậy, anh rất muốn được chia sẻ “chất xám” này.
“Nếu có người nào sẵn sàng và biết khai thác chất xám này thì tôi sẵn sàng chuyển giao”, kỹ sư Kiệt nói.
Hiện, AKB cũng đang nghiên cứu và phát triển một loại robot công nghiệp 6 bậc tự do mới phục vụ trong việc sản xuất công nghiệp. Sản phẩm này cũng nhận được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về tài chính. Nhờ nguồn hỗ trợ này mà nhóm nghiên cứu do kỹ sư Kiệt thực hiện có kinh phí để thuê các nhà khoa học có chuyên môn cao, giúp giải quyết các vấn đề khó khi thực hiện đề tài.
Theo kỹ sư Kiệt, khi hoàn thiện ra mắt, robot này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong lắp ráp, gia công kim loại, hàn...
Vân Ly