Sáng kiến cộng đồng

View Original

Học sinh cấp 2 chế tạo thiết bị thông minh cứu người bị đuối nước 

Thiết bị thông minh này do Võ Triều Dâng và Nguyễn Lê Bảo Ngọc, học sinh trường THCS Đặng Văn Ngữ, TP. Huế, Thừa Thiên Huế) chế tạo thành công dưới sự hướng dẫn của cô Trịnh Thị Chơn. Thiết bị thông mình này vừa giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018. 

Võ Triều Dâng và Nguyễn Lê Bảo Ngọcđang lắp ráp, kiểm tra và cân chỉnh mạch điện tử. Ảnh: NVCC.

Chế tạo thiết bị thông minh từ mong muốn cứu người

Chia sẻ về ý tưởng, Dâng cho biết, hiện nay ở các thành phố, hồ nước công viên, hồ điều hòa được xây dựng rất nhiều nhằm phục vụ nhu cầu con người và điều hòa không khí cho thành phố. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động của hồ nước công viên, hồ điều hòa vẫn chưa được quan tâm nên vẫn xảy ra các hiện tượng đuối nước thương tâm.
 

Thiết bị được cấp điện liên tục bởi năng lượng mặt trời. Ảnh: Nhật Tuấn.

“Từ những vấn đề thực tế đó, chúng em đã nghiên cứu và thực hiện đề tài với mong muốn chế tạo ra một sản phẩm ứng dụng thực tế hữu ích nhằm đưa ra cảnh báo để mọi người đến cứu và ứng cứu tự động kịp thời khi có người bị đuối nước”, Dâng cho biết thêm.

Để thực hiện đề tài, nhóm đã tiến hành khảo sát và tìm mua các linh kiện điện tử, vật liệu, lắp ráp, nối dây các linh kiện mạch điện tử theo sơ đồ nguyên lý, kiểm tra dây đấu nối, cấp nguồn và kiểm tra hoạt động… Được thiết kế để lắp ráp ở các hồ nước và sử dụng trong khoảng thời gian dài, nên nhóm đã chế tạo thiết bị có khả năng hoạt động trong môi trường nước lâu dài.  

Hệ thống cảnh báo và tích hợp tính năng tự ứng cứu

“Sản phẩm có trọng lượng khoảng 1,5kg, hệ thống mạch điện hoạt động ở điện áp 5V một chiều nên rất an toàn về điện cho người sử dụng. Với điện áp sử dụng thấp và dòng tiêu thụ nhỏ, sử dụng năng lượng mặt trời nên thiết bị có thể hoạt động lâu dài”, Ngọc cho hay.

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện đề tài, với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo và nhận nhiều sự góp ý các bạn, nhóm đã hoàn thành đề tài, thiết bị chạy thử nghiệm ổn định, chính xác, đảm bảo an toàn.

Khi một người vô ý hay cố ý ngã xuống nước, theo bản năng sinh tồn sẽ hoạt động (đập mạnh tay, chân) dưới nước để cơ thể nổi lên mặt nước, điều đó tạo ra sóng nước với biên độ lớn trong một khoảng thời gian. Thiết bị được đặt nổi trên mặt nước sẽ thu nhận biên độ dao động đó khi đạt mức cho phép trong một khoảng thời gian nhất định và từ đó đưa ra thông báo, cảnh báo bằng loa và phát tín hiệu RF đến trung tâm quản lý hồ nước để có sự ứng cứu kịp thời.


Ngoài ra, hệ thống còn có thêm chức năng ứng cứu tại chỗ. Đó là hệ thống tự động bung phao cứu sinh để người bị nạn có thể bắt được phao cứu sinh tự cứu sống bản thân.

Mô hình của thiết bị cứu người đuối nước. Ảnh: Nhật Tuấn.

Ngọc cho biết thêm: “Thiết bị có các điểm nổi bật như xác định người bị nạn rơi xuống nước trong bán kính 5 - 10m, đưa ra cảnh báo bằng loa để mọi người xung quanh biết để tới ứng cứu, phóng phao cứu sinh tự động cho người gặp nạn, phát sóng RF (Phạm vi phát sóng nhỏ hơn 1000m) thông báo cho trung tâm quản lý”.

Ngoài ra, giá thành của 1 bộ cảnh báo khoảng 600.000 đồng, sử dụng các vật liệu và linh kiện điện tử dễ mua, dễ tìm kiếm. Thiết kế đơn giản với các chi tiết và dễ lắp ráp dành cho mọi người. Nguyên tắc hoạt động đơn giản nên người dùng thiết bị dễ nắm bắt cách sử dụng trong thời gian ngắn.

Cô Trịnh Thị Chơn – Giáo viên hướng dẫn hai em, cho biết: “Hai em Dâng và Ngọc là các học sinh đam mê nghiên cứu khoa học. Thiết bị có chức năng định vị phát hiện có người hoạt động dưới nước và chức năng ứng cứu kịp thời để cứu người đuối nước”.

Nhật Tuấn

See this gallery in the original post