Sáng kiến cộng đồng

View Original

“Trình làng” hệ thống súc rửa tự động bồn chôn ngầm


Hệ thống súc rửa này được ứng dụng đối với bồn chứa công nghiệp, vận hành hoàn toàn tự động, dễ di chuyển và tiết kiệm nhân công và thời gian thực hiện. 

Hệ thống này vừa được Viện Cơ học và Tin học ứng dụng giới thiệu, tại Hội thảo sáng ngày 3/8/2018, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM tổ chức. 
 

Xu hướng sử dụng hệ thống súc rửa tự động

TS Hoàng Xuân Tùng cảnh báo không vệ sinh bồn chứa định kỳ sẽ gây ảnh hường nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng cũng như chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp

Trong sinh hoạt, sản xuất thực phẩm cho tới sản xuất công nghiệp, bồn chứa là thiết bị không thể thiếu. Nhưng đây cũng là thiết bị ít được người sử dụng, sản xuất quan tâm vệ sinh.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS Hoàng Xuân Tùng (Đại học Bách khoa TP.HCM) cảnh báo, điều này có thể gây ra những tác hại không lường tới sức khỏe người dùng cũng như chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, việc kiểm tra, sục rửa bồn chứa thường xuyên có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Nhiều trường hợp xe mới đổ xăng nhưng không hoạt động được là do bồn chứa tại cây xăng có nước, bùn cặn làm cho chất lượng xăng không ổn định.”, TS Tùng lấy ví dụ.

Trên thế giới, các công nghệ súc rửa bồn chứa đã được áp dụng từ lâu với các mức độ từ bán tự động tới tự động. Số liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM cho thấy đến hết năm 2017, đã có 287 sáng chế trong lĩnh vực này được công bố trên thế giới. 

Số lượng sáng chế tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay chứng tỏ đây đang là xu hướng công nghệ đang được quan tâm. Tuy nhiên, ở Việt Nam hầu hết đơn vị vẫn thực hiện công việc này một cách thủ công. 

Theo TS Tùng điều này có rất nhiều hạn chế. Thứ nhất, khi thực hiện xúc rửa thì các hệ thống cảnh báo, cảm biến phải được tháo rời khỏi bồn chứa. Do đó, nguy cơ mất an toàn cho công nhân vệ sinh rất cao.

Anh Trần Văn Thủy từ Công ty CP Chế biến thủy hải sản Liên Thành cho biết: “Trong quá trình vệ sinh, hơi nước mắm khiến cho công nhân mệt mỏi, thậm chí có thể gây ngạt khí dẫn đến xảy ra tai nạn. Quan trọng nhất là việc vệ sinh bồn chứa rất vất vả, tốn sức lao động. Ngoài ra, công ty cũng phải mất thêm người để giám sát chất lượng công việc vệ sinh bồn chứa. ”
Đối với các bồn chứa xăng dầu, thời gian để vệ sinh có thể kéo dài từ 2 đến 3 ngày do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là đợi cho khí đọng trong bồn thoát ra. Thời gian này, cây xăng không thể hoạt động được, ảnh hưởng lớn tới doanh thu của doanh nghiệp.
 

An toàn và tiết kiệm

Mô hình hệ thống súc rửa tự động bồn chôn ngầm của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng

Trong khi đó, hệ thống súc rửa tự động bồn chôn ngầm, lắp đặt trên xe tải do nhóm nghiên cứu của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng vừa “trình làng”, có nhiều ưu điểm: tiết kiệm nhân công và thời gian thực hiện. Toàn bộ hệ thống gồm cụm thiết bị phun súc rửa, cụm thiết bị hút – thu hồi cặn, cụm thiết bị lắng – lọc – tuần có thể lắp gọn trên xe tải, dễ dàng di chuyển và triển khai tại đơn vị cần súc rửa bồn chứa. Việc triển khai và vận hành hệ thống chỉ cần từ 2 đến 3 công nhân.
Theo KS Nguyễn Tuấn Linh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu - hệ thống súc rửa này cho biết, hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động. Công nhân chỉ cần theo dõi theo dõi hệ thống vận hành từ xa qua màn hình, tránh được nguy hiểm nếu xảy ra sự cố.

Khi hoạt động, các đầu phun áp lực cao và các tay máy mang đầu hút cặn sẽ được đưa vào trong bồn chứa để tự động súc rửa bồn. Các đầu phun của hệ thống được gắn cảm biến, để giữ khoảng cách phù hợp với thành bồn, đảm bảo hiệu quả phun xịt cao nhất. Cụm tay máy gắn trên mang đầu hút cặn và dung dịch rửa di chuyển theo đáy bồn để xử lý các chất cáu cặn. Các bộ phận này được làm bằng vật liệu hạn chế tối đa việc sinh ra tia lửa do ma sát, va chạm trong quá trình vệ sinh.

Kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống tự động làm sạch bồn chứa xăng dầu chôn ngầm có dung tích 20 – 25 mét khối trong khoảng hơn từ 1 đến 3h,  tiết kiệm rất nhiều so với thời gian từ 2 đến 3  ngày, nếu làm thủ công. Nhờ đó, hoạt động của các đơn vị không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc vệ sinh bồn chứa. 

KS Nguyễn Trung Thành, thành viên nhóm nghiên cứu nói: “Hệ thống đang được hoàn thiện những bước cuối cùng và sẽ sớm tung ra thị trường. Chi phí mỗi lần súc rửa cũng chỉ tương đương giá dịch vụ tương tự hiện nay.”
Ước tính chi phí súc rửa vào khoảng 7 triệu đồng/lần, với thời gian thực hiện tối đa vào khoảng 3h. 

Là doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu súc rửa bồn chứa, anh Trần Văn Thủy rất quan tâm đến hệ thống này. Anh Thủy cho biết, anh đã liên hệ với nhóm nghiên cứu ngay sau buổi hội thảo để tìm hiểu thêm về cơ hội hợp tác.

“Tôi còn cần suy xét cách này có phù hợp với ngành nước mắm hay, nhất là về độ bền linh kiện điện tử khi tiếp xúc với môi trường nước mắm, có nhiều muối. Tuy nhiên, trước mắt tôi thấy việc tự động vệ sinh bồn chứa là cách làm rất tốt.”, anh Thủy nhận xét.
Hệ thống này đã được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu.
 

Phạm Sơn
 

See this gallery in the original post