Lười kiểu Bàng Thống
Bàng Thống, đệ nhị quân sư thời Tam Quốc nghe danh Lưu Bị hiền đức nên nguyện về dưới trướng. Mặc dù đã nghe câu: “Ngọa Long Gia Cát Lượng và Phụng Sồ Bàng Thống, được một trong hai người này giúp đỡ thì ắt có được thiên hạ”, nhưng Lưu Bị vẫn nghi ngại về tài năng của họ Bàng vì ngoại hình của ông quá xấu xí.
Thay vì đặt Bàng Thống ngang hàng với Khổng Minh, Lưu Bị chỉ cho ông làm một chức quan huyện của một huyện nhỏ. Trong suốt thời gian nhậm chức, Thống không một ngày ra công đường lo việc quan mà chỉ nằm ườn ở nhà rượu chè bê tha.
Lưu Bị giận lắm sai Trương Phi bắt Bàng Thống về trị tội. Trước thái độ hung hăng của Trương Phi, Bàng Thống vẫn cười khà khà bảo những chuyện ở cái huyện này chỉ là chuyện nhỏ, ta chỉ cần một ngày là giải quyết xong, rồi nổi trống thăng đường.
Trên công đường, Thống tai nghe lời khiếu kiện của dân, miệng xử án, hai tay mỗi tay một cây bút vừa phê vừa duyệt đống hồ sơ chất cao như núi. Chỉ trong vòng chưa tới nửa ngày mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa khiến Trương Phi vô cùng khâm phục.
Câu chuyện về Bàng Thống mặc dù hơi phóng đại một chút để ca ngợi tài năng của vị quân sư dị tướng dị tài này, nhưng không phải là không có cái lý của nó.
Phần lớn chúng ta đều thường hay đánh đồng khái niệm “siêng năng chăm chỉ” và “năng suất lao động”. Những người suốt ngày quần quật làm việc thường được khen ngợi còn những người có vẻ lúc nào cũng nhởn nhơ nhàn rỗi thì bị xem là lười biếng.
Tuy nhiên nếu chịu khó quan sát một chút thì đôi khi cái nhìn của chúng ta sẽ khác. Bạn có chắc rằng người đang làm việc chăm chỉ lại có năng lực làm việc và hiệu quả công việc cao hơn anh chàng đang có vẻ nhàn rỗi kia không?
Có thể anh chàng làm việc chăm chỉ kia đang mất rất nhiều thời gian để giải quyết một vấn đề hết sức đơn giản và cũng mất từng ấy thời gian để khắc phục những sự cố phát sinh trong quá trình làm việc. Còn anh chàng nhởn nhơ kia có thể trong đầu đang sắp xếp mọi thứ để đến khi bắt tay vào việc thì chỉ cần một lúc là mọi thứ đều được giải quyết đâu vào đấy.
Nếu có người nói với bạn rằng khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển và chất lượng cuộc sống ngày nâng cao là do công lao của những kẻ “lười biếng”, đừng vội phản bác.
Nói một cách chính xác, họ là những người “lười” lao động tay chân nhưng không hề “lười” vận động đầu óc. Những người này hiểu rõ ràng cho dù sử dụng sức mạnh của cơ bắp tối đa cũng không thể giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản.
Một vận động viên chạy nhanh nhất cũng không thể chạy thắng được một chú ngựa hạng xoàng. Một lực sĩ khỏe nhất cũng không thể cày bừa hiệu quả bằng một con trâu.
Họ hiểu được sức mạnh vô biên của con người nằm ở bộ óc chứ không phải nằm ở cơ bắp. Để cơ bắp được nghỉ ngơi, đầu óc phải vận động nhiều hơn. Khổ nỗi, sự vận động của cơ bắp thì dễ thấy còn sự vận động của đầu óc thì chẳng ai thấy được. Và vì thế những người này thường bị hiểu lầm là những kẻ lười biếng.
Đã có một thời kỳ những người trí thức hoặc làm chủ bị xem là những kẻ bóc lột và ăn bám xã hội vì họ không trực tiếp ra đồng cày cấy hoặc vào nhà máy để lao động tạo ra sản phẩm. Họ bị những người “lao động chân chính” tức là dùng sức lao động của tay chân để làm việc hiểu lầm, căm ghét và coi thường. Rất may là suy nghĩ ấu trĩ tai hại này cũng đã chấm dứt khi cuối cùng người ta cũng hiểu đúng về tầm quan trọng của hoạt động trí óc.
Thật ra điều này cũng không quá khó hiểu. Chỉ cần bỏ một ngày vừa cuốc bộ độ chục cây số để đi làm hoặc đi học rồi lại cuốc bộ về nhà chẻ củi gánh nước về giặt đồ nấu cơm thì sau một ngày mệt rã rời mà vẫn chưa xong đâu vào đâu, bạn sẽ phải cảm ơn những kẻ “lười biếng” đã nghĩ đến việc tạo ra chiếc xe máy, nồi cơm điện… và tất cả những tiện nghi mà bạn chỉ cần tốn sức của một cái nhấn nút là có thể hoàn thành tất tần tật ngay.
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của bạn ngày nay quá tiện lợi và nhàn hạ, hãy cảm ơn những kẻ “lười biếng” đã nghĩ cách để giảm thiểu những gánh nặng công việc tay chân cho bạn.
Tuy nhiên, bạn cũng nên hiểu rằng, để cơ thể được “lười biếng” tư duy của bạn phải hoạt động siêng năng và sáng tạo. Lười biếng trong suy nghĩ và học hỏi, bạn sẽ phải trả giá bằng việc lao động cực khổ suốt đời nhưng lại đạt được rất ít thành tựu.
Huỳnh Chí Viễn