Sáng kiến cộng đồng

View Original

Độc đáo máy đổi “rác” bảo vệ môi trường

See this content in the original post

Máy đổi vỏ chai, vỏ lon đã qua sử dụng là sản phẩm hữu ích hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, do giáo viên trẻ Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chế tạo.

Tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên diễn ra vào cuối năm 2018 ở TP Quy Nhơn, chiếc máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động do kỹ sư Trần Hữu Huy (SN 1987; giảng viên Khoa Ðiện, Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) và cộng sự chế tạo, đã thu hút nhiều người đến xem.

Chiếc máy cao khoảng 1 m, rộng 0,5 m, trông rất đơn giản nhưng lại thực hiện được nhiều công việc bổ ích. Sau khi nhấn nút "bắt đầu" trên màn hình điều khiển, quá trình đổi vỏ lon kim loại, vỏ chai nhựa sẽ được thực hiện.

Tiếp đó, khách hàng bỏ lần lượt từng vỏ lon, vỏ chai vào, máy sẽ phân loại vỏ chai nhựa và vỏ lon kim loại, đồng thời màn hình trên máy sẽ hiển thị số lượng vỏ lon. Cuối quá trình trao đổi, khách hàng bấm vào nút "kết thúc" trên màn hình điều khiển, lúc này máy sẽ hiển thị số lượng vỏ chai, vỏ lon đã bỏ vào và hiển thị số ly nước trà hoặc lon nước ngọt có thể đổi được.

Theo kỹ sư Trần Hữu Huy, máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động được thiết kế, chế tạo và sử dụng những vật tư, vật liệu thân thiện với môi trường, giá thành rẻ (khoảng 35 triệu đồng); chi phí vận hành, bảo trì, sửa chữa thấp.

Thời gian tới, máy sẽ được phát triển thêm nhiều chức năng để nhận diện nhiều loại vật liệu hơn, kích cỡ của vật liệu; đồng thời sử dụng năng lượng mặt trời để ép các vỏ lon, vỏ chai nhằm tiết kiệm thể tích chứa. Ngoài ra, máy có thể trả tiền trực tiếp hoặc in ra phiếu ghi nhận số lượng vỏ lon, vỏ chai cho khách hàng và họ có thể dùng phiếu này đổi lấy tiền ở các cửa hàng gần đó.

"Mong muốn của chúng tôi trong việc chế tạo chiếc máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động là nhằm hướng người dân địa phương và du khách có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Thay vì vứt bừa bãi vỏ chai, vỏ lon đã qua sử dụng gây ảnh hưởng đến môi trường; với chiếc máy này, chúng ta chỉ cần bỏ nó vào rồi thực hiện vài thao tác đơn giản để đổi lấy sản phẩm hữu ích.

Chúng tôi hy vọng rằng, máy này sẽ sớm được đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, nhất là những nơi công cộng, trường học, công sở. Có như vậy chiếc máy mới phát huy tính ưu việt của nó trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh nơi cộng đồng khu dân cư", kỹ sư Huy tâm sự.

Kỹ sư Trần Hữu Huy cho biết thêm, cái khó trong quá trình chế tạo máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động là làm sao để nhận diện từng loại vật liệu để phân loại cho chính xác. Ngoài ra, khi mới bắt đầu thực hiện, ý tưởng chế tạo máy đổi vỏ lon, vỏ chai nhựa của anh cùng cộng sự cũng vấp phải nhiều sự nghi ngờ về kinh phí để "nuôi" máy và lợi nhuận đem lại.

"Chú trọng yếu tố lợi ích môi trường hơn là đặt nặng lợi nhuận. Bởi vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với các tổ chức vì môi trường để các sản phẩm đổi cho khách hàng giá trị hơn và mẫu mã sản phẩm phù hợp với tuyên truyền môi trường", kỹ sư Huy chia sẻ.

Với sáng tạo hữu ích trên, chiếc máy đổi vỏ lon, vỏ chai đã qua sử dụng của kỹ sư Trần Hữu Huy và cộng sự đã đạt giải nhì tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018. Trước đó, chiếc máy này cũng đã đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo xanh tỉnh Bình Định năm 2017.

Theo Đức Anh - Người lao động

Bài gốc

See this content in the original post