Di sản văn hóa từ những bức ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam
Ông Réhahn là một nhiếp ảnh gia người Pháp. 7 năm nay, ông rong ruổi khắp Việt Nam để chụp lại những bức ảnh mang đậm văn hóa các dân tộc thiểu số trên dải đất hình chữ S.
Từ những bức ảnh đó, ông thành lập Bảo tàng Precious Heritage tại Hội An năm 2017, giới thiệu và gìn giữ những hình ảnh văn hóa đang có nguy cơ mai một của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Precious Heritage không chỉ là một loạt ảnh nghệ thuật - những bộ trang phục truyền thống, những mẫu vật tưởng như vô tri, và những câu chuyện trong mỗi chuyến hành trình của Réhahn đều góp phần tạo nên kho tàng văn hóa vô giá.
Hãy cùng nghe câu chuyện của Réhahn qua bài phỏng vấn với tờ My Modern Met dưới đây.
Điều gì đã thúc đẩy ông thành lập Bảo tàng Precious Heritage?
Mặc dù không phải là nhà dân tộc học, tôi vốn luôn bị mê hoặc bởi các dân tộc ở Việt Nam và văn hóa của họ. Nơi đầu tiên tôi ghé thăm khi đến Việt Nam là Sapa - khi đó thay vì chụp phong cảnh, tôi chuyển máy sang những người dân địa phương ở đó, như người Dao Đỏ hay người H’Mông.
Thế là tôi bắt tay làm bộ ảnh chân dung và dần sưu tập trang phục và đồ vật truyền thống; vài năm sau thì ý tưởng về Bảo tàng Precious Heritage mới nảy ra trong đầu tôi.
Điều đặc biệt nhất về các dân tộc mà ông khám phá được trong chuyến đi là gì?
Người M’Nông ở tỉnh Dak Lak có một nghi lễ làm tôi rất ngạc nhiên và hứng thú: họ có một mối liên hệ rất đặc biệt với loài voi - đến mức họ chào đón những con voi như thành viên trong gia đình.
Tôi đã có dịp chứng kiến nghi lễ “đón voi” vốn chỉ được thực hiện một lần trong năm: các thành viên bộ lạc sẽ cùng nhau tắm cho con voi, đồng thời tưới lên mình nó những thứ như máu lợn, lòng đỏ trứng và rượu gạo nhằm mục đích ban phước lành. Con voi sau đó sẽ đứng trước ngôi nhà sàn truyền thống của người M’Nông và “thưởng thức” tiếng cồng chiêng chào đón và chúc sức khỏe.
Từ khi nào ông có ý định sưu tầm những đồ vật của dân tộc thiểu số, và những thứ ông sưu tầm được có ảnh hưởng như thế nào đến công tác nghệ thuật của mình?
Tôi mua bộ trang phục đầu tiên vào năm 2012 - đó là một bộ trang phục của người Dao Đỏ; người Dao Đỏ đã nổi tiếng thế giới về trang phục truyền thống của họ, và dù đó tôi chưa có bảo tàng, tôi đã tưởng tượng rằng bộ trang phục sẽ chiếm vị trí “mặt tiền” nếu được trưng bày. Sau đó, tôi gặp người Cơ Tu, và họ tặng tôi trang phục truyền thống của họ.
Kể từ đó, ý tưởng về một bảo tàng trưng bày hình ảnh, trang phục truyền thống, và đồ tạo tác của 54 dân tộc ở Việt Nam nảy ra trong đầu tôi.
Những bộ trang phục và đồ tạo tác là rất quan trọng trong mục tiêu trưng bày của tôi: những đồ vật thật do chính tay người dân tộc thiểu số làm ra chính là minh chứng sống động để giới thiệu họ đến với thế giới và tôn vinh những nét đặc trưng của họ.
Tôi biết rằng dự án này sẽ cần rất nhiều thời gian để hoàn thành, và tôi còn không chắc tôi có thể hoàn thành nó - vì thế tôi tự mình tìm kiếm và thực hiện. Giờ đây, thực tế là tôi đang trong chuyến gặp gỡ 3 dân tộc còn thiếu trong bộ sưu tập.
Ông có thể chia sẻ một chút về dân tộc thiểu số mà ông thích nhất?
Tôi cảm thấy mình có mối liên hệ khá mật thiết với dân tộc Cơ Tu. Tôi sống ở Hội An, khá gần người Cơ Tu, nên tôi đến thăm họ khá thường. Họ vẫn còn đậm nét văn hóa và đang cố gắng tìm cách để duy trì nét đặc trưng.
Mới đây tôi vừa hoàn thành một bảo tàng dành riêng cho người Cơ Tu - một nơi giúp họ có thể lưu giữ đồ vật, trang phục, âm nhạc, hình ảnh. Bảo tàng sẽ chính thức khai trương vào năm 2019, vừa mở cửa tham quan tự do và vừa là trung tâm cộng đồng để tổ chức những sự kiện truyền thống của người Cơ Tu.
Những thách thức mà các dân tộc thiểu số đang đối mặt là gì?
Hầu hết họ đều gặp phải những trở ngại khi thế giới hiện đại ngày càng gần với họ hơn (một trong số những tác nhân đó là đường sá ngày càng được xây dựng gần nơi họ sinh sống. Vấn đề lớn nhất của họ là tìm được sự cân bằng giữa công nghệ mới (như điện thoại thông minh và internet) và truyền thống văn hóa - thực tế là một số nét văn hóa của họ đang dần mai một.
Mọi thứ đều có hai mặt. Du lịch có thể giúp tăng thu nhập cho các dân tộc thiểu số, nhưng nó cũng biến đổii, thậm chí xóa sổ văn hóa. Tôi không phải là chuyên gia về nhân chủng và xã hội học, nên tôi chỉ nhận định dựa trên quan sát của mình.
Các dân tộc thiểu số chào đón ông như thế nào khi ông đến với họ?
Họ rất vui, và cũng rất tò mò. Một vài nhóm người còn có hơi ngần ngại, nhưng họ cũng cởi mở hơn khi tôi tiết lộ sứ mệnh của mình và sẵn sàng giải đáp thắc mắc cũng như để tôi tác nghiệp.
Họ rất muốn trình bày về văn hóa của mình, đặc biệt là với những người nước ngoài sẵn lòng lắng nghe họ. Khi họ thưởng thức những bức chân dung của chính họ, đôi lúc họ cười, nhưng đôi lúc họ trở nên xúc động - đó luôn là một trải nghiệm khó tả.
Ông hi vọng ghi lại được gì từ những bức ảnh dân tộc thiểu số?
Tôi muốn tôn vinh vẻ đẹp, sức mạnh, sự khác biệt, và lòng kiêu hãnh của họ. Qua những chuyến đi của mình, tôi biết rằng Việt Nam đang trong quá trình thay đổi và phát triển rất nhanh, và tôi tin rằng ghi lại những hình ảnh của đất nước này là một công việc quan trọng - hiếm có một quốc gia nào đã mở cửa với thế giới nhưng vẫn còn chứa đựng một sự đa dạng và bí ẩn đáng kinh ngạc trong lịch sử như vậy.
Thành lập một bảo tàng không hề dễ dàng. Theo ông thì phần khó nhất của dự án Precious Heritage là gì?
Chắc hẳn đó là đi thăm thú và chụp ảnh tất cả những dân tộc thiểu số. Tôi đã mất 8 năm để đạt đến bước đường này, và dù tôi sắp đến đích, tôi vẫn chưa biết hành trình rong ruổi của tôi sẽ thực sự kết thúc vào lúc nào.
Một khó khăn nữa là làm cho công chúng nhìn nhận dự án như là một bảo tàng (chứ không phải là một cửa hàng hay một phòng trưng bày đơn thuần).
Tôi rất tự hào về bảo tàng - một công trình văn hóa có diện tích 500 met vuông ở phố cổ Hội An, trưng bày rất nhiều hiện vật biểu trưng cho văn hóa của các dân tộc; mỗi bộ trang phục đều kèm theo ảnh chân dung và một bài viết ngắn về trải nghiệm của tôi khi gặp gỡ các dân tộc.
Ông mong đợi công chúng cảm nhận được gì từ dự án này?
Bảo tàng Precious Heritage mở cửa tự do là rất quan trọng đối với tôi. Tôi muốn mọi người biết đến những dân tộc thiểu số càng nhiều càng tốt, vì qua đó họ có thể hiểu được sự đa dạng văn hóa mà các dân tộc thể hiện.
Ngoài ra, tôi cũng thấy được rằng từ trước đến nay ít có người quan tâm đến câu chuyện của những người dân tộc thiểu số - nếu họ nhìn thấy khách tham quan hứng thú và ghi chép về phong tục tập của họ, có thể điều đó sẽ khiến họ cố gắng gìn giữ hơn nữa.
Quốc Huy (Theo Mymodernmet)