Sinh viên đưa giải pháp giảm tai nạn đường sắt
Nhóm sinh viên thuộc Khoa Điện - Điện tử viễn thông, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đưa ra một số giải pháp giám sát và cảnh báo tự động tại các nút giao nhau giữa đường sắt và đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Nhóm nghiên cứu gồm: Nguyễn Duy Quốc Thái, Đỗ Tấn Phước, Nguyễn Phúc Thịnh. Nói về ý tưởng để thực hiện nghiên cứu này, trưởng nhóm Quốc Thái chia sẻ:
“Trong những năm gần đây, ngành đường sắt VN được dư luận đặc biệt quan tâm do có nhiều vụ tai nạn, dẫn đến những cái chết thương tâm, làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, gián đoạn hoạt động của ngành đường sắt và gây tổn thất lớn về tài sản của nhà nước. Phần lớn các vụ tai nạn đường sắt thường xảy ra ở những nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ, những nơi có tuyến đường dân sinh cắt ngang.
Nguyên nhân các vụ tai nạn thường là do ý thức của người dân tham gia giao thông còn quá thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị cảnh báo, tín hiệu tại các vị trí giao cắt đường sắt quá lạc hậu, cũ kỹ.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều điểm giao cắt giữa đường tàu và đường bộ chưa có lực lượng canh gác. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, nhóm nghiên cứu một số giải pháp giám sát và cảnh báo tự động”.
Theo Quốc Thái, giải pháp này gồm có 5 hệ thống chính, gồm cảnh báo đường sắt, giám sát bằng camera, đèn đường thông minh, ghi lại thời gian của tàu khi qua các trạm, phát hiện vật cản trên đường ray. “5 hệ thống này hoạt động rất mạnh mẽ nhờ sử dụng các cảm biến và vi điều khiển, được kết nối nhuần nhuyễn tạo nên một hệ thống an toàn và đạt hiệu quả rất cao”, Thái nói.
Để đề phòng những tai nạn đáng tiếc khi có người cố ý vượt qua rào chắn tàu hoặc có vật cản trên rào chắn, Đỗ Tấn Phước, thành viên của nhóm, cho biết:
“Còn có thêm hệ thống phát hiện vật cản sẽ quét xung quanh nút giao thông. Chỉ cần có vật cản xuất hiện gần đó có thể ảnh hưởng đến tàu thì hệ thống này sẽ phát tín hiệu cho người lái tàu và người gác trạm để họ có thể xử lý kịp thời.
Ngoài ra để tăng tính an toàn, sản phẩm còn có thêm hệ thống giám sát qua camera để có thể quan sát được toàn bộ hệ thống và quan sát nút giao nhau”.
Chia sẻ về tính ưu việt của hệ thống, Nguyễn Phúc Thịnh, thành viên của nhóm, cho rằng: “Hệ thống hoàn toàn tự động, thay thế con người ở những nơi gác trạm, giúp ngành đường sắt giảm bớt nhân lực; đồng thời nó có tính ứng dụng thực tế rất cao, có thể lắp ở thành phố, nông thôn, đồi núi…”.
Lê Thanh - Báo Thanh niên