MS 001: Những chuyện khó tin của đồng sáng lập “Nhà hàng bóng tối” tại trung tâm Sài Gòn
Trong căn biệt thự Pháp ở Quận 1, phố Hồ Chí Minh có một nhà hàng bóng tối đặc biệt. Tại đây, thực khách phải đặt mình vào vị trí của người khiếm thị và những nhân viên khiếm thị lại trở thành người hướng dẫn thực khách cách thưởng thức món ăn.
Lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ mô hình này khá mạo hiểm!
Phòng tối và người khiếm thị hướng dẫn người mắt sáng thưởng thức đồ ăn. Anh có suy tính gì trước khi đưa ra quyết định thành lập một nhà hàng như hiện nay?
Tôi và Germ Doornbos (đồng sáng lập người Hà Lan) học tập chuyên ngành nhà hàng – khách sạn và cũng có nhiều năm làm việc tại rất nhiều nhà hàng, khách sạn. Nhà hàng Noir là dự án riêng chúng tôi cùng làm. Lúc đầu, mình chỉ nghĩ thuần túy về công việc, mình muốn có một mô hình lạ, độc đáo ở đây.
Tuy nhiên, chúng tôi không ngờ nhà hàng lại tạo ra tác động xã hội lớn. Một số người nói với chúng tôi là mô hình Noir rất hay: Thứ nhất, tạo việc làm cho các bạn khuyết tật; Thứ hai, hiếm có mô hình nào có thể đưa thực khách vào vị trí của người khuyết tật; Thứ ba, hiếm có mô hình nào mà người khuyết tật trực tiếp tương tác với khách hàng thay vì làm những công việc hậu trường.
Cũng vì những lý do đó mà công ty lọt Top 100 doanh nghiệp xã hội sáng tạo ở Singapore. Chúng tôi cũng lọt vào Top 4 cuộc thi “We make the city” và rồi cuối cùng đạt giải nhất.
90-94 % các bạn khiếm thị ở Việt Nam không có việc làm. Số còn lại làm những công việc phổ thông như bán vé số dạo, làm đồ mỹ nghệ. Họ có nhiều năng lực và nếu được đặt vào môi trường tốt thì sự phát triển sẽ nhanh hơn. Noir là không gian có thể biến những điểm yếu của người khiếm thị trở thành lợi thế. Mình là người sáng mắt, nhưng khi vào không gian tối, mình lại thành người khiếm thị. Trong không gian của người khiếm thị, họ sẽ hướng dẫn mình.
Thực sự, lúc đầu, chúng tôi cũng nghĩ mô hình này là khá mạo hiểm. Nhưng mạo hiểm hay không còn phụ thuộc vào mức độ hài lòng của khách hàng. Khách hàng là nguồn động viên rất lớn. Các bạn nhân viên cũng là nguồn động viên rất lớn cho mình.
Mỗi một người khách bước vô đây, người ta mỉm cười và trân trọng những giá trị đang có là nguồn động viên lớn nhất. Nhiều lúc, giá trị thu về không phải là lợi nhuận, mà còn là những giá trị về con người, về cuộc sống. Nó rất vô cùng và không thể nào đong đếm được.
Thực tế thì yếu tố độc đáo của Noir nằm ở những điểm gì?
Nhà hàng Noir nằm trong một biệt thự Pháp. “Noir” trong tiếng Pháp có nghĩa là “màu đen”. Các bạn nhân viên phục vụ là những người khiếm thị hoặc mù hoàn toàn. Không ai nhìn thấy khách hàng và thực khách cũng không thể nhìn thấy gì trong phòng tối. Khi ăn trong một không gian như vậy, thực khách sẽ cảm nhận món ăn nhiều hơn bằng vị giác và khứu giác. Người ta cũng nói chuyện với nhau nhiều hơn vì những thiết bị thông minh đã được yêu cầu để bên ngoài phòng ăn.
Chuyện thực khách không chịu nổi và bỏ ra ngoài là có, nhưng không nhiều. Tình trạng “sốc” chỉ diễn ra với dưới 10% số khách. Các bạn đến đây hẳn đã mong đợi một điều gì đó rồi, nhưng mới đầu có thể còn sợ hoặc ngại ngần. Sau khi thưởng thức đồ ăn họ sẽ thay đổi nhiều quan điểm sống hiện tại, bớt đi những định kiến.
Dĩ nhiên, Noir vẫn là một nhà hàng và thực khách kỳ vọng đồ ăn ngon, chất lượng dịch vụ tốt. 90% khách hàng thừa nhận thích món ăn mà họ đã từng chưa dám thử khi chỉ mới nhìn thấy chúng. Chuyện nhà hàng có nhân viên khuyết tật hay không chỉ là vấn đề thứ hai. Chúng tôi đo lường được rằng 95-97% khách hàng hài lòng với dịch vụ của nhà hàng. Trong 4 năm hoạt động, mức độ đó vẫn được duy trì.
Anh có thể chia sẻ về tỷ lệ khách quay trở lại nhà hàng và tình hình kinh doanh hiện nay không?
Noir không phải là mô hình ăn hai lần mỗi tháng hay vài tháng ăn được ba lần. Nó là trải nghiệm và mọi người đến đây trong những dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm ngày thành lập hay đón bạn bè từ nước ngoài.
Cũng có những người không mấy khi đi ăn ở nhà hàng nhưng họ lại sẵn sàng đến đây trải nghiệm mô hình vì Noir là duy nhất ở Việt Nam. Có những người không trở lại những vẫn tiếp tục giới thiệu nhà hàng đến với bạn bè. Gói gọn lại thì thị trường bị coi là hẹp nhưng cũng không hẳn vậy.
Về lợi nhuận, tất nhiên là có. Nếu không tạo ra lợi nhuận thì không thể duy trì mô hình này. Nguồn vốn xây dựng mô hình là tự thân chứ không quy động từ quỹ hay kêu gọi đơn vị khác cùng đầu tư. Luật quy định là doanh nghiệp có từ trên 30% nhân viên là người khuyết tật sẽ được Chính phủ miễn thuế, thuê mặt bằng với giá thấp, vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi,… Nhưng chúng tôi cũng không vay vốn theo diện doanh nghiệp xã hội. Không bao giờ chúng tôi nghĩ mình đang làm doanh nghiệp xã hội.
Ở đây, Noir có 54 chỗ nhưng có tới 60-70 khách muốn trải nghiệm mỗi ngày. Công suất không đủ đáp ứng nhu cầu và đa số khách hàng đều phải đặt bàn trước. Không có điều gì mà chúng tôi không hài lòng. Mình có giá trị về tài chính, giá trị tinh thần, con người và mang lại giá trị cho khách hàng của mình nữa.
Hành trình tìm lại tự tin cho người khuyết tật
Vì sao anh cho rằng Noir là một môi trường để người khuyết tật phát huy được năng lực của mình?
Ngày tôi tuyển dụng, các bạn đều chưa có công việc ổn định trước đó. Có nhiều bạn từng nộp đơn xin việc ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. Một số bạn từng bán vé số dạo và gặp những khó khăn khác. 11 em với mỗi hoàn cảnh khác nhau.
Làm việc tại Noir là cơ hội rất tốt để các bạn có sự trải nghiệm đầu tiên về công việc và tiếp xúc với khách hàng. Các bạn cần rất nhiều kiến thức (về đồ ăn, đồ uống), kỹ năng (phục vụ, giao tiếp). Những điều này vô hình chung giúp tăng sự tự tin trong các bạn. Trước đó, các bạn khuyết tật thường co cụm với nhau và ít khi chơi với người không khuyết tật. Trong nhà hàng, họ được làm chủ không gian và được trao quyền, họ lấy được được sự tự tin.
Khi lấy lại sự tự tin, họ có nhiều cơ hội việc làm khác. Có những bạn từng làm ở đây nay đã trở thành giáo viên mầm non. Một số bạn giành được học bổng nước ngoài. Có bạn đã chuyển sang làm IT cho doanh nghiệp Singapore hay thực hiện dự án chăm sóc gia cầm ở nông thôn. Các anh ở đây luôn sẵn sàng hỗ trợ để các bạn thực hiện ước mơ của mình. Những vị trí mà các bạn để lại, chúng tôi sẽ đào tạo người mới để thay thế.
Việc tìm kiếm người khuyết tật phù hợp mới môi trường nhà hàng có khó khăn không và công tác đào tạo thường kéo dài trong bao lâu?
Nhà hàng được nhiều người biết đến nên chúng tôi vẫn thường nhận được hồ sơ trình bày mong muốn được làm việc ngay khi có vị trí trống. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm người ở trung tâm xúc tiến việc làm cho người khuyết tật và thông qua các mỗi quan hệ cá nhân.
Sau 3 tháng đào tạo về chuyên môn, giao tiếp và ngoại ngữ, các bạn có thể đảm nhiệm công việc tại Noir. Đa số các bạn khiếm thị có khả năng học ngoại ngữ rất nhanh. Cơ hội thực tập ngôn ngữ với người bản xứ khi làm việc còn giúp họ nói nhanh và thuần thục ngoại ngữ hơn.
Đến bây giờ, trong 11 em thì chỉ có 2 em không nói được ngoại ngữ, 1 em nói sơ sơ và 9 em nói thuần thục. Một số em còn nói được ngoại ngữ thứ hai nữa vì tiếp xúc nhiều với khách Hoa, Nhật.
Không chỉ đào tạo kỹ năng công việc mà chúng tôi còn phải giáo dục kỹ năng mềm nữa. Đi làm đúng giờ, tác phong chỉn chu, làm việc nhóm,… là những điều cần có khi làm việc. Trong khi đó, đa số các bạn khuyết tật từ nhỏ thường được gia đình bao bọc, cách suy nghĩ và làm việc chưa phù hợp.
Thời gian đầu, các em vẫn thường nói với tôi: “Anh ơi, hôm qua đông khách quá, em đến trễ nhé”; “Ơi anh ơi, hôm qua nhà em có đám giỗ, em đang nhậu xỉn nên không về làm được”. Người bình thường sẽ không nói những câu như thế.
Nhưng phải hiểu rằng, trước đây chưa ai chỉ bảo cho các em phải hành động như thế nào ở môi trường kinh doanh. Mình sẽ phải đào tạo những nội dung này từ từ, lúc cứng rắn, lúc mềm dẻo để có thể đào tạo các em.
Tất nhiên, nhà bếp, nơi tiếp xúc với lửa, dao kéo, mặt sàn trơn sẽ không phải là môi trường thân thiện với người khuyết tật nên chỉ những người bình thường làm việc ở đây.
Có khi nào anh thấy thất vọng với các bạn và cảm giác mình đã sai?
Tại nhà hàng có 2 nhóm: các bạn khiếm thị và các bạn câm điếc. Nếu để 2 nhóm này làm việc với nhau thì làm sao có thể giao tiếp trực tiếp khi một bạn thì không nhìn thấy, một bạn thì không nghe thấy. Như vậy, cần có những người trung gian giúp các bạn giao tiếp, thực hiện công việc.
Nhà hàng nhỏ như thế này, nhưng tập thể nhân viên là 53 bạn. Quỹ lương rất lớn. Xét về hiệu quả thì sẽ không bằng so với việc thuê người người không khuyết tật. Đấy là điều mình phải thừa nhận.
Tuy nhiên, nếu bây giờ được quay trở lại, chúng tôi vẫn quyết định chọn con đường mình đã đi. Đúng là tôi và Germ Doornbos (đồng sáng lập) chưa có kinh nghiệm làm việc với các bạn khuyết tật bao giờ. Nhưng mình cứ lăn xả vào, vừa học vừa làm, học từ các bạn, từ các trung tâm, tổ chức và học từ các bạn nhân viên ở đây. Để đào tạo các bạn, không thể không đặt mình vào vị trí của chính các bạn để đưa ra phương pháp.
Tôi nghĩ là bất cứ một con người nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu nhất định và mình phải xác định đào tạo họ như thế nào để đặt họ vào vị trí phù hợp. Trong một nhà hàng bình thường, nhân viên sẽ dẫn khách vào, ghi yêu cầu, phục vụ, thanh toán, hỗ trợ thực khách,…
Nhưng ở đây, mình không thể kỳ vọng các bạn làm được mọi công việc. Họ chỉ có thể làm tốt được những việc trong khả năng của họ. Với những điểm yếu của họ, sẽ có các bạn bình thường khác hỗ trợ, hoàn thiện quy trình làm việc.
Những nhân viên ở đây đều trẻ và như anh nói, họ đã chuyển sang những nghề khác sau một số năm làm việc. Phải chăng người lớn tuổi không chọn làm việc tại Noir?
Sắp tới sẽ có một anh khiếm thị bằng tuổi tôi (42 tuổi) làm nhân viên phục vụ. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ rằng ít người sẽ chịu làm phục vụ ở độ tuổi đó và quan ngại với tuổi tác của anh. Nhưng khi nói chuyện với anh đó, tôi thấy được niềm vui và phấn khích của anh.
Điều thứ hai là anh ấy cần một công việc để chu cấp cho cuộc sống gia đình. Tôi đã sẵn sàng hỗ trợ để anh có việc làm với thu nhập tốt hơn hiện tại. Bắt đầu từ ngày 19/11, anh ấy đã đi làm chính thức.
Trong tuyển dụng, ai cũng muốn ứng viên tốt nghiệp đại học, nói được ngoại ngữ, có gương mặt dễ nhìn, cao ráo, đẹp như các em đến đây phỏng vấn chẳng hạn. Nhưng với chúng tôi, đó không phải tiêu chí ưu tiên.
Tiêu chí đầu tiên mà chúng tôi chú ý là con người, khi tiếp xúc, các bạn có thể truyền được năng lượng sang người khác mà bản thân các bạn và người đó vẫn cảm thấy vui vẻ hay không, tinh thần học hỏi để làm việc trong một môi trường có nhiều người khác biệt với mình hay không.
Xét cho cùng, người khuyết tật đã có quá nhiều thiệt thòi và mình không nên đưa ra thêm các rào cản ngăn họ tiếp cận với công việc.
Tương lai nào cho những mô hình trợ giúp người khuyết tật?
Sau Noir, các anh có nghĩ đến những mô hình nào khác?
Chúng tôi đang nghĩ đến mô hình massage & spa người khiếm thị. Như các bạn biết, hình ảnh massage người khiếm thị hiện nay rất tiêu cực. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó với mô hình massage & spa sử dụng các phương pháp chữa bệnh. Người khiếm thị có khả năng cảm nhận huyệt đạo thông qua xúc giác rất tốt. Nếu được đào tạo thêm, họ có thể đảm nhiệm công việc. Chúng tôi đã chuẩn bị và trong 3-5 tháng nữa sẽ cho ra mắt concept.
Ngay tại nhà hàng, các bạn khiếm thị tại Noir được nhắc đến nhiều trên truyền thông trong khi mô hình Blanc với những bạn câm điếc lại chưa được chú ý nhiều. Nếu như có khoảng 30 mô hình tương tự Noir trên toàn thế giới, thì tôi chưa từng thấy ở đâu đưa ra concept nhà hàng với nhân viên phục vụ là người câm điếc.
Blanc là mô hình chúng tôi muốn mở từ rất lâu, nhưng lúc đó không có đủ thời gian để đào tạo các bạn cho 2 concept cùng lúc. Thêm vào đó, việc đào tạo các bạn câm điếc tốn thời gian gấp rưỡi so với các bạn khiếm thị. Anh phải đi học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp và đào tạo các bạn. Vừa đào tạo vừa chỉ bảo trong công việc nên sau 6 tháng triển khai mới có thể mở cửa vào năm ngoái.
Những mô hình như Noir, Blanc đang cố gắng đặt khách hàng và vị trí của người khuyết tật, làm cho họ trân trọng hơn những gì đang có. Đó không phải chiêu trò mà là trải nghiệm. Mức giá có hơi cao nhưng phù hợp với bài toán chi phí, nhân sự. Các bạn đến các mô hình sử dụng người khuyết tật khác thường sẽ cảm thấy trong lòng có sự thương hại. Đây là điều chúng tôi không bao giờ muốn ở bất cứ mô hình nào do mình tạo ra.
Anh nghĩ sao nếu có thêm nhiều mô hình Noir, Blanc ở Việt Nam?
Tôi hoàn toàn ủng hộ, quan trọng là có thị trường không vì thực sự người khuyết tật cần có công việc ổn định. Mô hình có thành công thì mới đủ tiền để trả lương cho các bạn. Nếu không có khách hàng thì câu chuyện nhân rộng chỉ là ý tưởng.
Nhiều doanh nghiệp xã hội hiện nay có ý tưởng rất tốt đẹp nhưng tình hình tài chính không bền vững, không có dòng tiền để tiếp tục duy trì mô hình.
Những doanh nghiệp xã hội cũng nói tôi rằng họ thích mô hình như Noir, Blanc vì chúng tôi là một doanh nghiệp bình thường nhưng tạo ra tác động xã hội. Doanh nghiệp xã hội có trái tim, ý tưởng, hoài bão rất lớn nhưng nhiều lúc rất không thực tế. Nếu cân bằng được ai yếu tố đó là lý tưởng nhất. Chỉ cần thiên lệch thì sẽ chẳng giúp đỡ được ai.
Vương Diệu Quân - Tường Hân (TTVN)