Sáng kiến cộng đồng

View Original

Người mang điện gió về nông thôn

See this content in the original post

Chỉ học hết lớp 12 nhưng ông Lê Hữu Bá lại tìm tòi sáng chế điện gió để tạo ra nguồn năng lượng xanh, giúp cho ông cũng như người dân địa phương giải tỏa "cơn khát điện" phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình.

Hơn nửa tháng qua, sáng nào ông Lê Hữu Bá (ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cũng vui vẻ bật môtơ bơm nước để tưới cây sau vườn mà không cần lo chi phí tiền điện. Bởi vì mỗi ngày cây quạt điện gió do ông tự sáng chế cứ đều đặn đón gió trời, tạo điện miễn phí với công suất 1kW/h.

Người sáng chế tài ba

Nằm cạnh quốc lộ 61C (nối Cần Thơ - Vị Thanh) nhưng nhà cấp 4 mới xây của ông Bá lọt thỏm giữa một khu đất bốn bề là ruộng lúa và vườn cây ăn trái xanh mướt bạt ngàn. Để có điện sinh hoạt, hầu hết bà con chòm xóm ở đây đều sử dụng điện nhà nước kéo hoặc "câu đuôi" của hộ khác. Duy nhất ông Bá sử dụng điện gió do mình sáng chế.

Ông Bá kể sau giải phóng năm 1975, ông học hết lớp 12 và có cơ duyên đến với nghề cơ khí thông qua bạn bè của mình giới thiệu. Hồi ấy, ông Bá chỉ là một người thợ sửa máy tay ngang. Dù vậy, ông rất chăm chỉ làm việc và học hỏi những người thợ đi trước. Dần dần ông Bá nức tiếng thạo nghề với biệt tài sáng chế ra nhiều loại máy móc thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu của người sử dụng.

"Thời đó cuộc sống khó khăn, ban ngày tôi sửa chữa máy hư, ban đêm tôi tận dụng thời gian tìm tòi nghiên cứu và đọc thêm sách. Nghề dạy nghề riết nên tôi cũng giỏi tay nghề, bà con mang đến máy móc hư nào tôi cũng biết bệnh của chúng để trị" - ông Bá cho biết.

Đầu những năm 1990, đất nước đổi mới, mở cửa cũng là lúc ông bắt đầu mở tiệm cơ khí và mạnh dạn đầu tư thêm ít vốn để thử nghiệm sáng chế ra nhiều dòng máy móc khác nhau. Ông sáng chế ra máy tiện sắt, máy ép gạch... rồi đến máy dầu chạy tàu thuyền có độ bền cao như các dòng máy dầu của Ấn Độ.

Đến nay, dù đã về hưu nhưng nói về nghề cơ khí ông Bá lại nhớ rất rõ ràng đặc điểm riêng của từng chiếc máy mà ông đã sáng chế, phụ tùng nào không có thì ông lên tận TP.HCM đặt hàng rồi về lắp ráp lại bán cho bà con sử dụng.

Sản phẩm để đời

Năm nay, ông Bá ngoài 60 tuổi. Ở tuổi này, ông thích một cuộc sống an nhàn và thoải mái để tận hưởng tuổi già. Vì thế, ông Bá đã dùng tiền tích lũy mua gần 3.000m2 đất để trồng một số loại cây ăn trái.

Hiện cây trồng đã lớn nhưng ông gặp khó trong việc chăm sóc chúng, đặc biệt không có điện để bơm nước tưới cây. Sau nhiều đêm trăn trở, ông bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống điện gió và đã phát điện cách đây đúng một tháng.

"Ban đầu tôi định làm điện mặt trời nhưng chi phí cao nên tôi lục lọi trên mạng và thấy người ta làm điện gió. Tôi bắt tay làm thử và thất bại. Sau đó, tôi tiếp tục mày mò nghiên cứu, cuối cùng cũng thành công, đó là một sản phẩm để đời mà riêng bản thân tôi rất đỗi tự hào" - ông Bá hào hứng chia sẻ.

Hiện tại, điện gió không còn xa lạ với người dân Hậu Giang. Tuy nhiên, để có một cây quạt điện gió sừng sững ở quê tải nguồn năng lượng xanh thì chỉ có ông Bá làm. Ông Bá cho rằng để thiết kế cây quạt điện gió, ông chuẩn bị rất nhiều thứ và mất nhiều thời gian để hàn tiện, lắp ghép hoàn chỉnh một số bộ phận như: tuabin phát điện, bộ tăng tốc, bánh lái điều chỉnh hướng gió, cánh quạt đón gió dài 1,2m (8 cánh)... Gió lên, cánh quạt xoay là tạo ra dòng điện.

"Ở quê, vận tốc gió thổi lúc mạnh lúc yếu. Cái khó là tôi phải thiết kế và chỉnh bộ tăng tốc thích hợp để đảm bảo cánh quạt xoay nhẹ mà vẫn tạo ra điện năng. Để hạn chế rủi ro, tôi đã lắp đặt thêm bộ phận phanh tuabin ngắt điện phòng khi trời có dông bão và bình ăcquy để tích trữ nguồn điện sử dụng" - ông Bá diễn giải thêm.

Sau khi lắp đặt xong, tính hết chi phí, ông Bá chỉ mất khoảng 25 triệu đồng/cây quạt điện gió có công suất 1kW. Với công suất này, không chỉ phục vụ tốt cho sinh hoạt mà còn có thể sử dụng trong việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Minh chứng, bây giờ ông Bá thỏa lòng sử dụng điện sinh hoạt như: bật đèn chiếu sáng, nấu cơm điện, bơm nước tưới cây thoải mái. Hơn cả thế, ông có thể tiết kiệm khoảng 3.600kWh điện/năm.

Hiệu ứng lan tỏa

Ở cùng xã Tân Hòa với ông Bá, anh Huy cho biết hiện anh đã mua 7 công đất và có dự định làm trang trại trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, vườn của anh chưa có điện, anh đã đặt hàng ông Bá làm cây quạt điện gió cung cấp điện cho hệ thống môtơ bơm nước 3 mã lực phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt tại trang trại.

Anh Huy tâm sự: "Làm trang trại mà sử dụng điện nhà nước sẽ tốn nhiều chi phí, trong khi đó chưa kể kéo dây khó khăn, nguy hiểm. Ở đồng trống, tôi lựa chọn lắp đặt điện gió vì khi lắp đặt xong tôi sẽ đầu tư thêm hệ thống phun nước tự động phục vụ sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận".

"Hiện không chỉ có anh Huy đặt tôi làm mà còn có nhiều hộ đến tham quan và đặt hàng. Được bà con ủng hộ tôi rất vui mừng. Tuy bước đầu thành công nhưng tôi dự định làm xong cho anh Huy rồi tiếp tục bỏ thêm thời gian để nghiên cứu chế tạo quạt điện gió cánh đứng, tạo ra điện năng lớn hơn, phục vụ nhu cầu của người dân ở vùng sâu vùng xa khi mà điện của Nhà nước chưa kịp kéo đến" - ông Bá kỳ vọng.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa Nguyễn Văn Phúc chia sẻ thêm: "Ông Bá là người đầu tiên ở Hậu Giang chế ra quạt điện gió thông minh góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng điện của người dân địa phương và những hộ sản xuất nông nghiệp có diện tích lớn. Để tiết kiệm điện năng và chi phí sản xuất, chúng tôi sẽ tuyên truyền và khuyến khích người dân sử dụng quạt điện gió của ông Bá".

Sau khi lắp đặt xong, tính hết chi phí ông Bá chỉ mất khoảng 25 triệu đồng/cây quạt điện gió có công suất 1kW. Đó là công suất điện không chỉ phục vụ tốt cho sinh hoạt mà còn có thể sử dụng trong việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp.

Chí Công - Báo Tuổi trẻ

Bài gốc

See this content in the original post