Chế máy leo cây từ chiếc xe máy cũ
Sau 6 năm nghiên cứu, một người nông dân ở Karnataka, Tây Nam Ấn Độ, đã sáng chế ra một chiếc máy leo cây tiện lợi.
Thay vì phải leo lên ngọn cây cao chót vót một cách đầy nguy hiểm, để hái những buồng cau xuống như trước đây, giờ đây, chỉ trong khoảng nửa phút, người nông dân có thể leo lên đến ngọn cau.
Tất cả là nhờ chiếc máy leo cây rất tiện lợi này.
Chiếc máy này do anh nông dân Ganapati Bhat, ở bang Karnataka, Tây Nam Ấn Độ, sáng chế từ một chiếc xe máy cũ. Đây là thành quả sau 6 năm mày mò nghiên cứu của anh.
Anh Raja Ram, vừa là một nông dân, vừa là 1 nhà đầu tư, chia sẻ với phóng viên của Reuters: “Phát minh của anh Bhat chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nông dân, đặc biệt là đối với những người trồng cau và trồng dừa. So với các thiết bị có sẵn trên thị trường, tôi chắc chắn đây là thiết bị tuyệt vời, hỗ trợ nông dân rất tốt, bởi giờ đây, nông dân không phải đối mặt với những nguy hiểm luôn rình rập mỗi khi trèo lên ngọn cây để thu hoạch quả”.
Chiếc máy leo cây của anh Bhat nặng 28kg, sử dụng động cơ 2 kỳ. Nó được trang bị hộp số, bộ phận giảm xóc, phanh đĩa và khóa an toàn.
Anh Bhat cho biết, đã bỏ ra khoảng 75.000 Rupee, tức khoảng 25 triệu đồng, để chế tạo ra một chiếc máy leo cây. Cỗ máy được đánh giá là rất hữu ích, giúp người dùng có thể trèo lên cây cao, chẳng hạn như cây cau cảnh cao khoảng 30m, một cách dễ dàng, nhanh chóng và an toàn hơn, so với cách thủ công thông thường.
Cô Supriya, con gái của Ganapati Bhat, người sáng chế ra chiếc máy leo cây, cho rằng, cỗ máy này sẽ giúp người nông dân tiết kiệm chi phí mỗi mùa thu hoạch.
“Thông thường để leo lên ngọn cây, những người chuyên trèo cây phải mất hơn 8 phút, nhưng giờ đây, chỉ trong vòng 30 giây, là chúng ta có thể leo đến ngọn cây rồi, nhờ có chiếc máy này. Như vậy là trong vòng 1 giờ, chúng ta có thể leo được 80 – 90 lần” – Supriya cho biết.
Hiện anh Bhat mới cho ra đời 4 cỗ máy như thế này, trong khi nhận được 50 đơn đặt hàng của các nông dân trong vùng. Do cung tạm thời không đủ cầu, nhà sáng chế đang phải nhờ một số kỹ sư giúp anh sản xuất thêm nhiều chiếc máy nữa, để hỗ trợ nông dân trong việc thu hoạch. Điều này cũng sẽ giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đáng kể, trong việc thuê người chuyên leo cây để hái quả.
(Thương Huyền Theo Reuters)