Quán cà phê thay đổi số phận người khuyết tật
Một cửa hàng cà phê tại thủ đô Beirut, Lebanon, đã thuê những người khuyết tật làm việc, với mong muốn giúp thay đổi cái nhìn của xã hội về cộng đồng thiệt thòi này.
Một cửa tiệm cà phê mới mở tại thủ đô Beirut đang trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Không phải là bởi những thức uống được phục vụ, mà là bởi những nhân viên làm việc tại đây.
Tất cả đều là người khuyết tật.
Ông chủ quán Wassim el Hage, hiện còn làm việc với vai trò là một bác sĩ trị liệu.
Wassim El Hage, Chủ quán cà phê Agonist, với toàn bộ nhân viên là người khuyết tật, chia sẻ với phóng viên TRT World: “Ý tưởng đến với tôi khá tình cờ. Tôi quen biết khá nhiều người có vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng họ không có nhiều cơ hội được đóng góp cho xã hội. Người khuyết tật cần được cộng đồng trao cơ hội, họ cần được tham gia lao động và đóng góp nhiều hơn. Chính vì thế, tôi nghĩ, tại sao mình không làm gì đó, để giúp đỡ họ”.
Lúc mới triển khai ý tưởng, Wassim cho biết, rất nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của quán cà phê đặc biệt này.
Nhưng khi nó bắt đầu đi vào hoạt động, mọi hồ nghi đều đã tan biến.
Anh hài lòng với những gì mình đạt được.
“Nó hoạt động hiệu quả hơn tôi tưởng tượng. Khách hàng đến với quán cà phê, vì họ biết có ai làm việc ở đây, và mục tiêu của chúng tôi đối với quán cà phê này là gì” – anh Wassim cho biết thêm.
Một nghiên cứu cho thấy, 80% người khuyết tật tại Lebanon không có việc làm, trong khi đó, cộng đồng người khuyết tật chiếm tới 10% dân số quốc gia.
Một công việc đơn giản như tại Agonist là ước mơ của rất nhiều người.
Dolor Shadid, Nhân viên quán cà phê Agonist cho hay:“Tôi vẫn rủ bạn bè và người thân tới đây thưởng thức cà phê, chúng tôi rất vui khi được phục vụ các khách hàng và coi họ như những người anh chị em của mình vậy”.
Từ khi đi vào hoạt động tới nay, quán cà phê Agonist đã luôn là một địa chỉ lui tới thường xuyên của nhiều khách hàng tại Beirut.
Nadim Daher là một trong số các khách hàng thường xuyên tới quán. Với anh, đây là một cách hay để ủng hộ người khuyết tật, bởi họ, vốn dĩ, đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Anh Nadim chia sẻ: “Thú thực, lần đầu tiên tôi đến đây và có được trải nghiệm độc đáo này, tôi thấy nó thực sự tuyệt vời. Dần dần, tôi bị thu hút bởi tất cả nhân viên làm việc ở đây”
Nhiều thành viên của Agonist đều coi nơi này không chỉ đơn thuần là một quán cà phê nơi họ có thể làm việc và được trả lương, mà trên hết đó là một nơi họ có thể chứng minh cho thế giới thấy người khuyết tật có thể tạo ra những sự khác biệt.
Thương Huyền (Theo TRT World)