Sáng kiến cộng đồng

View Original

Hải Phòng: Từ tháng 8/2019, Cát Bà sẽ nói không với túi nilon

See this content in the original post

Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, chính quyền huyện đảo đã vận động các chủ cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng không sử dụng túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và sẽ triển khai vào đầu tháng 8/2019.

“Biến rác thành tiền” là chủ đề của cuộc Triển lãm ngoài trời diễn ra trong hai ngày 25 và 26/7/2019 tại Quảng trường trung tâm thị trấn Cát Bà, huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng.

Triển lãm là một trong chuỗi các sự kiện diễn ra bên lề Hội thảo “Phát huy vai trò của Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết 36 NQ/TW (2018) về Chiến lược Phát triền bền vững kinh tế biển” do Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) và Tổng cục biển và Hải đảo, Bộ TN&MT chủ trì.

Triển lãm diễn ra từ ngày 25 – 27/7/2019 tại Cát Bà, TP Hải Phòng với sự phối hợp của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế ( IUCN), Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh  (GreenHub), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và UBND huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng tổ chức thực hiện.

Những sản phẩm xinh xắn được làm từ vỏ dừa.

Gian hàng của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hà Trung, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Triển lãm thu hút đông đảo khách thăm quan gồm du khách và người dân địa phương, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải thông qua những bức tranh về ô nhiễm rác thải nhựa, những hoạt động làm sạch môi trường do IUCN đã tổ chức…

Đặc biệt, Triển lãm “Biến rác thành tiền” với các “sạp hàng” của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thấy, những ý tưởng khởi nghiệp vì cộng đồng sẽ tạo ra những sản phẩm gia dụng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày của mỗi người.

Đó là những sản phẩm tái chế, hoặc những sản phẩm thay thế nguyên liệu nhựa dùng một lần.

TSKH Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch VUSTA - thăm quan Triển lãm.

Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch VUSTA, phát triển bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để phát triển ngành du lịch, khâu bảo vệ môi trường là vấn đề quyết định chất lượng và hiệu quả của ngành du lịch.

“Bảo vệ biển không chỉ là bảo vệ chủ quyền biển đảo, mà phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện phát triển bền vững và bảo vệ an ninh của đất nước. Một mặt chúng ta hạn chế rác thải nhựa dùng một lần, mặt khác chúng ta phải coi trọng việc tái chế rác thải, tiến tới hình thành văn hóa tiêu dùng bảo vệ môi trường. Đây là mục tiêu lâu dài chứ không phải chỉ một sớm một chiều,” ông Nghiêm Vũ Khải nói.

Bức ảnh chụp một bãi rác, trong đó phần lớn là rác thải vô cơ.

Một trong những thông điệp của Triển lãm.

Trong nền kinh tế tuần hoàn, những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang đi đầu trong việc đẩy mạnh chương trình phát triển bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà vì chính sự sống còn của doanh nghiệp. 

Hoạt động dọn rác trên Vịnh Hạ Long do IUCN tổ chức năm 2018.

Cần hàng trăm năm để có thể phân hủy những rác thải nilon này.

Rác thải đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Thực tế, với khoa học và công nghệ hiện nay, rác thải cũng có thể được coi là tài nguyên, được sử dụng để tạo ra các sản phẩm phục vụ lại con người. Điều quan trọng là phải phân loại rác ngay từ đầu.

Công ty du thuyền Bhaya - đơn vị tiên phong trong số các doanh nghiệp trong ngành du lịch có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường như: Giảm thiểu việc sử dụng túi đựng bao bì bằng nilon; gắn lưới thu gom rác vào đuôi tàu; dùng hộp đựng thức ăn cho du khách bằng nguyên liệu giấy, thay vì hộp nhựa phổ thông; sử dụng các loại nước tẩy rửa thân thiện với môi trường; thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy; lắp đặt hệ thống thu gom dầu nhớt trên mỗi tàu du lịch;…

Sản phẩm tái chế từ những tấm pano, áp phích.

Sản phẩm làm từ giấy và xơ mướp tại triển lãm.

Người dân có thể mang rác đến Triển lãm để được đổi lấy một sản phẩm bất kỳ. Phía sau là những túi rác được các em nhỏ mang đến.

Theo bà Vân Anh, phụ trách truyền thông Công ty du thuyền Bhaya, tới đây công ty sẽ triển khai chương trình “Refill my bottle” với các trạm cung cấp nước miễn phí phục vụ du khách và người dân, nhằm hạn chế sử dụng chai nước nhựa. Công ty cũng yêu cầu các nhà cung cấp thực phẩm không sử dụng túi nilon khi giao hàng cho các tàu của Bhaya.

Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, chính quyền huyện đảo đã vận động các chủ cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng không sử dụng túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Kế hoạch này đã được các chủ cơ sở kinh doanh đồng thuận và sẽ triển khai vào đầu tháng 8/2019.

Huyện đảo Cát Hải phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa dùng một lần trên địa bàn huyện, bao gồm các cơ sở kinh doanh và các hộ dân. Trước mắt, các du thuyền hoạt động trên vịnh Lan Hạ sẽ thực hiện không dùng rác thải nhựa dùng một lần trong quý 4 năm nay.


Theo Infonet

See this content in the original post