Học sinh trường Lê Quý Đôn "xanh hóa" hầm xe bằng cây khí canh
Sau khi giàn cây khí canh được trồng tại tầng hầm để xe, nồng độ khí CO2 trong không khí giảm nhiều so với trước, môi trường trở nên dễ chịu hơn.
Cải thiện môi trường tại hầm xe nhờ giàn khí canh
Để hầm xe trở nên thông thoáng, giúp bạn bè, thầy cô thoát khỏi nỗi ám ảnh mỗi khi gửi và lấy xe ở trường, một nhóm học sinh lớp 10 THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đã bắt tay nhau thực hiện dự án “Cải tạo chất lượng không khí ở hầm xe” bằng giàn cây khí canh trụ đứng.
Nhóm học sinh này từng có thời gian tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm từ chuyến đi thực tế mô hình trồng cây bằng đất, thủy canh, khí canh tại Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi (TP.HCM).
Không để “lãng phí” những kiến thức có được, nhóm quyết định ứng dụng ngay bằng việc thực hiện một mô hình trồng cây khí canh tại… hầm để xe với 4 loại cây: bạc hà, húng lủi, hương thảo và xà lách xoong.
Lý do khiến các bạn chọn hầm đề xe vì đây chủ yếu là không gian kín, nằm sâu dưới lòng đất nên rất nóng và ngột ngạt. Nếu không có hệ thống thông gió, hút khí tốt, đây sẽ trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm không khí do các loại xe thải ra.
Em Bùi Thanh Trâm, học sinh lớp 10A4 cho biết, các khí độc hại thường xuất hiện tại hầm xe như: chì (Pb), cacbon oxit (CO), hydrocacbon (HC), sunfua dioxit (SO2), cacbon dioxit (CO2)…, trong đó hàm lượng khí CO2 chiếm tỉ lệ cao nhất và là nguyên nhân khiến một số người cảm thấy khó thở, thậm chí ngất xỉu mỗi khi xuống hầm xe.
Nghĩ là làm, nhóm đã thử nghiệm ngay với tầng hầm của trường mình với việc trồng 6 giàn cây, mỗi giàn 20 trụ trồng trên ống nhựa PVC có đường kính 9cm, mỗi trụ được vùi 42 lỗ để trồng cây.
Các ống trụ được nối với nhau tạo thành khung chân nâng đỡ toàn bộ hệ thống và là nơi chứa chất dinh dưỡng cho cây. Sau khi tạo khung, nhóm bắt đầu giâm cây, cho vào chậu rồi đưa lên các các lỗ trên trụ.
Chất dinh dưỡng nằm ở chân hệ thống sẽ được máy bơm bơm qua bộ lọc truyền qua đường dẫn nước lên trên cao đến các đầu trụ khí canh, đi qua các đầu bít (đã được đục lỗ sẵn) và đến với rễ cây dưới dạng những giọt nước. Quá trình trên được lặp lại một cách tuần hoàn và dinh dưỡng được lưu hoàn nhiều lần trong ngày một cách tự động nhờ vào bộ điều khiển.
“Mỗi lần bơm, nước và chất dinh dưỡng sẽ được lọc sạch thông qua bộ lọc trước khi được bơm lên đầu trụ. Nhờ vậy mà hệ thống khí canh giúp giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm”- Trâm chia sẻ.
Vì trong không gian hầm để xe ít anh sáng nên nhóm sử dụng đèn led có cường độ ánh sáng và quang phổ màu thích hợp để thay thế cho ánh sáng mặt trời, giúp cây xanh quang hợp.
Hiệu quả bất ngờ
Bạn Đỗ Ngọc Đằng Giao lớp 10A3, chia sẻ sở dĩ nhóm chọn hình thức khí canh vì đây là một phương thức canh tác mới trong nông nghiệp, trồng cây không sử dụng đất (địa canh), nước (thủy canh). Khí canh là một hình thức trồng trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng và phát triển để cải tạo chất lượng không khí tại hầm xe của trường mình.
“So với các phương pháp canh tác khác, khí canh giúp tiết kiệm 95% phân bón, giảm tiêu thụ nước 98%, không cần thuốc bảo vệ thực vật, chiếm ít không gian canh tác, có thể tăng mùa vụ quanh năm và cho năng suất cây trồng tăng lên 45% - 75%”- Giao nói.
Nói về các loại cây được lựa chọn để thực hiện dự án, em Bùi Thanh Trâm (lớp 10A4) cho hay, cây bạc hà, húng lủi, hương thảo và xà lách xoong dễ chăm sóc, chi phí thấp, thời gian phát triển ngắn, có thể tiếp tục sử dụng cho đợt thu hoạch khác. Ngoài ra những cây này còn có mùi hương dễ chịu, làm giảm stress, đặc biệt là làm giảm hàm lượng khí độc giúp không khí dưới hầm thông thoáng hơn nên rất thích hợp đối với dự án của nhóm.
Trải qua gần 2 tháng thực hiện, nhóm đã hoàn thành dự án và đưa vào áp dụng tại hầm xe trong trường. Sau khi giàn cây được chuyển xuống tầng hầm, nhóm thực hiện khảo sát và nhận thấy nồng độ khí CO2 trong không khí giảm nhiều so với trước đây.
Cụ thể khi chưa có giàn cây, nồng độ khí CO2 lúc nhiều xe đạt ngưỡng 2.422 (ppm- part per million), nhiệt độ là 30,4 độ C. Tuy nhiên sau khi có dàn cây khí canh, nồng độ này giảm còn 400 (ppm), nhiệt độ 30,3 độ C.
Đánh giá về dự án, thầy Lợi Minh Trang, giáo viên môn hóa học, trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, mô hình của nhóm không chỉ có nghĩa thực tiễn, có thể áp dụng tại nhiều hầm xe mà thông qua đó còn giúp các em học sinh có thể khởi nghiệp đối với các loại cây được trồng.
“Những cây được chọn để thực hiện dự án rất quen thuộc trong đời của chúng ta. Chẳng hạn húng lủi và xà lách xoong có giá trị về mặt ẩm thực, còn hương thảo và bạc hà có giá trị về mặt hương liệu. Vì vậy, sau thời gian các loại cây phát triển, các em có thể cắt ngọn đem bán, chế tạo ra sản phẩm hoặc dùng làm giống nhân ra nhiều cây mới”- thầy Trang nói.
Hà Thế An