Khi công nghệ được ứng dụng để vận chuyển máu tới bệnh nhân
Một buổi chiều ở Lagos, Nigeria, một thành phố có 24 triệu người sinh sống, đường phố đang trong giờ cao điểm. Không ai có thể đi đâu được.
Nhưng Joseph Kalu thì khác.
Không phải là một tài xế vận chuyển bằng xe máy thông thường, anh làm việc cho LifeBank, một công ty công nghệ do Temie Giwa-Tuboson sáng lập, để kết nối các nhà cung ứng máu với bệnh nhân. Nhiệm vụ của Joseph là vận chuyển máu cứu sinh trong hộp giữ đông trong vòng chưa đầy 45 phút.
Anh rút điện thoại ra để kiểm tra LifeBank, ứng dụng sử dụng Nền tảng Google Maps để cho thấy tuyến đường giữa các ngân hàng máu, bác sĩ và tài xế trên khắp thành phố rộng lớn này. Ngay lập tức, Joseph nhìn thấy vị trí của ngân hàng máu và bệnh viện đang chờ máu chuyển đến.
“Ngay cả khi tôi biết đường, tôi vẫn sử dụng Google Maps. Ứng dụng chỉ cho tôi đường ngắn nhất, đặc biệt khi xảy ra tắc đường”, Kalu chia sẻ.
Phải hết sức khẩn trương!
Một người mất 40% lượng máu có thể chết vì suy nội tạng. Ngày qua ngày, LifeBank liên tục phải chạy đua với thời gian và đường đua chính là Lagos.
“Mỗi lần có đơn hàng, đội chăm sóc khách hàng của LifeBank liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi có thông báo qua ứng dụng ghi sẵn địa chỉ nơi chúng tôi lấy máu và chuyển máu tới. Google Maps cũng hiện tuyến đường dẫn tới địa chỉ nhận”, Kalu giải thích.
Đối với Temie Giwa-Tubuson, việc có thể tiếp cận thông tin liên quan đến việc lập bản đồ là một phần quan trọng, trong hành trình giải quyết vấn đề khủng hoảng nguồn máu ở quê hương Nigeria. Sắp xếp thông tin và giúp mọi người dễ dàng tiếp cận được thông tin, là sứ mệnh cốt lõi của Google. Bằng cách thiết kế một hệ thống kết nối các ngân hàng máu với bệnh viện thông qua nền tảng Google Maps, LifeBank đã có thể giảm thời gian vận chuyển từ 24 giờ xuống còn chưa đến 45 phút.
Temie Giwa-Tubuson, người sáng lập công ty công nghệ LifeBank, cho biết: “Thông thường khi người ta bị chảy máu, họ chỉ có từ 20 phút đến 2 giờ để chờ nhận máu. Thế nên đây không phải là vấn đề mà bạn có thể thong thả giải quyết”.
Tháng 1/2016, Temie, vốn là một nhà tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Nigeria, chính thức ra mắt LifeBank. Mục tiêu của cô, là tìm ra cách nhanh nhất để bệnh nhân nhận được lượng máu cần thiết. Ý tưởng này bắt nguồn năm 2014, khi Temie đang mang thai con trai cô. Vào thời điểm đó, Temie sống ở Lagos, nhưng bố mẹ cô đã chuyển đến sống ở Mỹ. Với mong muốn mẹ mình có mặt vào giây phút sinh nở, Temie đã đến Mỹ để gặp bà.
Khi mang thai được 30 tuần, Temie được đưa đến bệnh viện để sinh mổ cấp cứu. May mắn thay, các bác sĩ đã giúp cô sinh ra cậu bé Enafie an toàn vào đúng ngày Lễ Tình nhân.
“Nếu tôi sinh con ở Lagos, tôi có thể đã chết vì xuất huyết sau sinh”, Temie chia sẻ.
Nigeria có tỷ lệ tử vong ở người mẹ cao thứ tư trên thế giới, chiếm 19% tổng số ca tử vong ở người mẹ trên toàn cầu. Xuất huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu gây ra những ca tử vong này. Vấn đề này càng trầm trọng hơn, khi Nigeria thiếu thốn cơ sở hạ tầng để có được các nguồn cấp phát máu quan trọng.
Temie cho biết thêm: “Tôi nhận ra sau khi sinh con, nguyên nhân gây tử vong mẹ cao nhất là băng huyết sau sinh. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm khi người mẹ bị xuất huyết, là truyền lượng máu mà cô ấy đã mất trong quá trình sinh”.
Temie quay trở lại Lagos và quyết tâm tìm ra giải pháp.
Máu sau khi hiến có hạn sử dụng chỉ trong sáu tuần. Thông thường, máu sẽ hết hạn trước khi đem ra sử dụng, vì các bác sĩ không thể tìm thấy được loại máu mà họ cần.
Temie nhận thấy rằng, đây vốn dĩ là một vấn đề về mặt hậu cần: “Các bác sĩ đang cần máu và các ngân hàng máu đang cấp phát máu phải tìm được cách liên lạc với nhau”.
Temie sử dụng nền tảng Google Maps để tạo ra một giao diện, giúp nối liền khoảng cách giữa các đối tượng này. Temie đã tìm ra giải pháp bằng cách lập bản đồ cho từng địa điểm liên quan đến việc phân phối máu trên khắp Lagos, từ bệnh viện cho đến ngân hàng máu, rồi đến các tài xế vận chuyển.
Trước đây, các bệnh viện, hoặc đôi khi là người thân của bệnh nhân, sẽ gọi đến từng ngân hàng máu để xem họ có nhóm máu cần thiết hay không. Thời gian phản hồi trở thành vấn đề sống còn, trong khi các bác sĩ đang quá tải và thân nhân đang hoang mang lại thường xuyên thiếu những nguồn lực cần thiết, để kịp thời tìm nguồn cung ứng máu.
Temie giải thích: “Chúng tôi đang sử dụng Google Maps để xây dựng một nền tảng chưa từng có: nền tảng giao tiếp giữa các ngân hàng máu, bệnh viện và bệnh nhân”.
Để giải quyết vấn đề này, Temie đã tạo và lập bản đồ hệ thống lưu trữ máu trực tuyến thông qua việc hợp tác với 52 ngân hàng máu trên khắp Lagos. Giờ đây, các bác sĩ có thể yêu cầu nhóm máu và truy cập ngay vào bản đồ theo dõi hành trình vận chuyển. Theo mô hình của LifeBank, sau khi lưu trữ tại ngân hàng, máu thường được sử dụng trong vòng một tuần và tình trạng lãng phí gần như không còn nữa. Cuối cùng, nguồn cung đã có thể đáp ứng nhu cầu.
Trước khi có LifeBank, việc tìm và chuyển máu đến cho bệnh nhân ở Lagos có thể mất vài giờ, đôi khi lên đến vài ngày. LifeBank đã xoay chuyển hoàn toàn tình thế nhờ khả năng vận chuyển máu nhanh kỷ lục (trung bình chỉ 45 phút), từ khi nhận được yêu cầu tới lúc vận chuyển đến điểm nhận máu.
Temie cho rằng: “Nếu không có công nghệ như Google Maps thì chúng tôi sẽ mãi lạc hậu. Từ lâu, tôi đã biết rằng, những người hiến máu luôn có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng. Nếu không có nguồn cung thì bạn sẽ vận chuyển cái gì?”
Giống như nhiều quốc gia khác, công tác huy động hiến máu ở Nigeria không hề đơn giản, nhưng đó lại là một thành phần thiết yếu trong chuỗi cung ứng máu.
Để LifeBank có thể hoạt động, Temie biết rằng cô cần tăng lượng máu hiến tặng tình nguyện. Trên ứng dụng hiến máu của LifeBank, người dân Nigeria có thể đặt lịch hẹn qua bản đồ ngân hàng máu tại địa phương và tìm hiểu thêm các thông tin cần lưu ý trước khi hiến máu.
Oluwaseun Adeolu, một người đã từng tham gia hiến máu cho LifeBank, chia sẻ: “Tôi từng bị ốm nặng và đứng trước bờ vực của cái chết. Tôi hiểu cảm giác của việc phải vào cuộc và hiến máu cho những người đang cần. Bạn đang trao sự sống cho những người sắp mất đi sự sống”.
Bằng cách kết nối những người hiến máu với các nguồn lực tối quan trọng, LifeBank đã đưa hơn 5.800 người vào danh sách đăng ký hiến máu.
Khi được hỏi làm thế nào mà cô có thể huy động nhiều tình nguyện viên đến vậy, Temie trả lời hết sức đơn giản: “Bạn có thể ngạc nhiên với câu trả lời bạn nhận được khi bạn kêu gọi hiến máu. Mọi người thường sẽ không từ chối, đặc biệt là khi bạn giải thích cho họ tầm quan trọng của việc hiến máu”.
Đến nay, LifeBank đã vận chuyển thành công hơn 6.500 lít máu, phục vụ hơn 300 bệnh viện và cứu sống hơn 3.600 người.
Thương Huyền (Theo CNN)