Sáng kiến cộng đồng

View Original

Nam sinh chế tạo 'máy' đuổi chó dữ độc đáo

See this content in the original post

Nguyễn Tấn Minh, học sinh lớp 11 chuyên sinh, Trường THPT chuyên khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đã chế tạo thành công thiết bị thông minh phát hiện tiếng sủa và đuổi chó có tên D.S Dog Security.

Nguyễn Tấn Minh bên sản phẩm D.S Dog Security. Nguồn Ảnh: Thiếu Niên Tiền Phong.

 Bảo vệ người dùng khỏi chó dữ

Với màu sắc bắt mắt, thu hút, cùng với sự tiện lợi, thiết bị đuổi chó có tên D.S Dog Security do Nguyễn Tấn Minh sáng chế hoạt động trên cơ chế thu thập âm thanh của tiếng chó sủa, sau đó nhận diện, phân tích. Khi ngưỡng âm thanh vượt mức cho phép, sản phẩm sẽ phát ra sóng siêu âm khiến cho con chó ức chế, khó chịu và bỏ đi.

Nguyễn Tấn Minh chia sẻ trên Thiếu Niên Tiền Phong, mục đích của sản phẩm trên đó là có thể bảo vệ các bạn nhỏ trước các loại chó dữ.

Thiết bị này có hai cơ chế sử dụng, cơ chế thủ công và cơ chế tự động. Cơ chế thủ công là khi bấm nút, thiết bị sẽ phát ra sóng siêu âm xua đuổi chó. Còn cơ chế tự động thì có thêm một chiếc micro để thu nhận âm thanh của chó. Nếu vượt ngưỡng sẽ phát ra sóng siêu âm mạnh để bảo vệ người dùng. Sóng siêu âm thì không gây ồn và ảnh hưởng đối với người sử dụng.

Sản phẩm đã được Nguyễn Tấn Minh đã thử nghiệm trên đàn chó 11 con (gồm cả chó ta và chó ngoại) ở một gia đình tại Bắc Ninh. Kết quả cho thấy, khi phát ra sóng siêu âm, 9 con bỏ đi, 2 con to nhất đàn đứng lại không dám sủa, không tấn công người lạ.

Máy đuổi chó D.S Dog Security có 2 cơ chế thủ công và tự động rất dễ sử dụng cho người dùng là trẻ em. Nguồn ảnh: Thiếu Niên Tiền Phong.

Phát triển sản phẩm từ ám ảnh bị chó cắn khi còn nhỏ

Báo Thanh Niên dẫn lời Minh cho biết, năm học lớp 10, cậu bạn thân cùng lớp với Minh là Nguyễn Nguyên Phú Sỹ thường xuyên phàn nàn về con chó to ở nhà hay sủa và tấn công người lạ mà không có cách nào để “trừng trị”. Nghe Sỹ bày tỏ nguyện vọng có một chiếc máy đuổi chó dữ, Minh hào hứng rủ bạn bắt tay vào nghiên cứu.

Minh cho hay: “Hồi bé, mình 2 lần bị chó cắn, nỗi sợ hãi đó ám ảnh đến tận bây giờ. Thật là trùng hợp, ước mơ của Sỹ giống hệt với ước mơ của mình năm xưa. Dù 2 đứa học chuyên sinh, nhưng lại có chung đam mê khoa học, nên bọn mình quyết định biến ý tưởng thành hiện thực với mong muốn nhiều trẻ em VN không còn sợ hãi trước loài chó”.

Khi tìm hiểu thông tin trên thị trường, 2 bạn phát hiện đã có loại máy đuổi chó bằng sóng siêu âm nhập từ nước ngoài, nhưng giá thành cao, hơn 2 triệu đồng, chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện. Sau khi tham khảo tài liệu trên mạng có nhiều cách để đuổi chó bằng ánh sáng, hóa chất và âm thanh, Minh và Sỹ quyết định chế tạo máy đuổi chó “made in Vietnam” bằng sóng siêu âm, vì cách này an toàn, không gây hại cho người sử dụng, nhất là trẻ nhỏ, giá lại rẻ với tên gọi D.S Dog Security. Giá thành sản phẩm chỉ bằng 1/10 giá nhập ngoại.

Tháng 3.2018, bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm, tháng 8, Sỹ lên đường đi du học ở Mỹ, việc hoàn thiện sản phẩm giao lại cho Minh. “Thiết bị chế tạo không khó tìm, vỏ hộp được làm bằng nhựa kích thước tròn, chỉ bằng quả cam, bên trong chứa linh kiện điện tử. Phần khó khăn nhất mình gặp phải là lập trình, tạo cơ chế thông minh cho thiết bị. Mình mất rất nhiều thời gian, thử nghiệm để tìm tần số sóng siêu âm phù hợp để đuổi chó là 40kHz. Với tần số này, con người không nghe thấy và không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng khiến chó bị ức chế, khó chịu và bỏ đi”, Minh chia sẻ.

Minh cho biết mục tiêu trong năm tới sẽ tập trung vào việc học, thi đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội. Sau đó, cậu sẽ quay trở lại nghiên cứu cải tiến thiết bị máy đuổi chó nhỏ gọn, bắt mắt, có thể nhận biết nhiều tiếng chó sủa khác nhau. Ngoài ra, thiết bị sẽ có thêm các tính năng định vị GPS hỗ trợ người dùng khi gặp nguy hiểm, lắp thêm đèn pin chiếu sáng khi đi trời tối và gắn thêm công nghệ gọi khẩn cấp SOS. Trong các tình huống bình thường, nó có thể sử dụng như một chiếc đèn pin, thiết bị định vị cho các chuyến đi dã ngoại, du lịch…

Mới đây, tháng 3.2019, máy đuổi chó đã được Trường THPT chuyên khoa học tự nhiên chọn dự thi giải Học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT và đã vào vòng chung kết. Dù không đoạt giải cao, nhưng sản phẩm gây được sự chú ý bởi ý tưởng mang tính ứng dụng cao.

 Thảo Hiền (Tổng hợp)

See this content in the original post