Sáng kiến cộng đồng

View Original

Sinh viên chế máy in 3D, biến đất sét thành đồ gốm tinh xảo

See this content in the original post

Máy in gốm 3D do nhóm sinh viên Nguyễn Thành Đô, Nguyễn Văn Dũng, Đoàn Công Trung (Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) chế tạo được trao giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Đà Nẵng.

Nhóm sinh viên bên máy in gốm 3D. Ảnh: NVCC.

Máy in gốm có kích thước lớn (cao khoảng 1,6m) có thể in được các sản phẩm bình, lọ gốm cỡ lớn, có chiều cao tối đa 0,8m. Thiết bị in được sản phẩm gốm không chỉ tròn xoay như gốm truyền thống mà nhiều hình dạng phức tạp khác.

Hiện nay, thiết bị đã có thể in được khá nhiều sản phẩm với hình thù phức tạp, máy làm việc khá ổn định.

Máy in gốm chế tạo ra sử dụng cơ cấu robot delta kiểu ba khớp trượt với ưu điểm in được các vật dụng bằng gốm không đối xứng tròn xoay, có hình dáng và hoa văn phức tạp (khác với cách làm gốm truyền thống là chỉ tạo hình được các vật dụng bằng gốm đối xứng tròn xoay nhờ vào một bàn quay). Nhờ vào ưu điểm của robot delta, thời gian tạo hình vật liệu sẽ được rút ngắn.

Các sản phẩm gốm được in từ máy 3D. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Thanh Đô cho biết, các sản phẩm được tạo ra từ máy in gốm 3D hướng đến dùng cho mảng trang trí mỹ nghệ, nội thất và nghệ thuật. Máy in sẽ không cạnh tranh trực tiếp với gốm sứ truyền thống mà hỗ trợ để cùng nhau phát triển.

“Chiếc máy này có thể dùng trong du lịch, quảng bá hình ảnh cũng như truyền cảm hứng công nghệ cho mọi người”, Đô chia sẻ.

Đánh giá về chiếc máy in này, TS Lê Hoài Nam, Phó khoa Cơ khí trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, người trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên cho biết: Máy in gốm của nhóm hoạt động tốt và in được các sản phẩm đẹp. Bên cạnh đó, chiếc máy cũng có thể dùng cho việc dạy học, làm mô hình kiến trúc...

Sản phẩm được trao giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Đà Nẵng.

Sản phẩm được đánh giá cao về tính ứng dụng, thân thiện với môi trường và được trao giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học, do Sở Khoa học - Công nghệ TP.Đà Nẵng tổ chức.

Sắp tới, nhóm dự kiến tự động hóa quá trình xử lý đất sét trước khi in, lên kế hoạch cho máy nung tự động và đa dạng hóa sản phẩm.

Nhật Tuấn

See this content in the original post