Sáng kiến cộng đồng

View Original

Độc đáo sáng chế điện từ gió của người thợ sửa máy

See this content in the original post

Ông Nguyễn Hữu Bá (61 tuổi, ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), người thợ cơ khí đã mày mò sáng chế ra hệ thống điện từ sức gió sử dụng vào việc tưới tiêu.

Theo lời ông Bá, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông có thời gian làm thuê cho các ghe cào trên sông Hậu. “Trong thời gian lênh đênh sông nước, nhiều ghe có máy bị hư, tôi đến xem người ta sửa máy và thấy thích cái nghề này. Từ đó tôi học hỏi và lên bờ mở tiệm chuyên sửa máy”, ông Bá nói.

Cách đây khoảng một năm, ông mua một khu vườn diện tích hơn 2.000m² tại xã Tân Hoà, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Trên đất trồng xoài, cam nhưng do không có điện nên ông không thể sử dụng máy bơm nước để tưới. Thế là ông phải thường xuyên mướn máy bơm, thuê người tốn khoảng 300.000 đồng/lần. Mỗi tháng, ông phải thuê 4 lần tốn khoảng 1,2 triệu đồng.

Lúc này, ông Bá cũng định xin ngành điện để kéo điện vào, nhưng do vị trí đất xa, điện kéo tới cũng hao hụt rất nhiều. Nghĩ vậy nên ông lại thôi. 

“Tôi liền nảy ra ý định làm điện mặt trời nhưng giá cao quá nên quay sang làm điện gió. Tôi đã lên mạng đọc tìm hiểu về cách thức hoạt động của những nhà máy điện gió, cách lắp ráp, sử dụng tuabin như thế nào”, ông Bá nói. Lúc đầu bắt tay vào làm điện gió, người thợ sửa máy gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Bá tự đúc khuôn làm thành cánh quạt nhưng ban đầu làm ra thì nó quay chậm hoặc không quay. Ông phải sửa tới sửa lui nhiều lần, bỏ mấy chục cái, tốn gần 20 triệu đồng mới hoàn chỉnh. Còn tuabin, ông Bá tự mua tuabin riêng và dây điện mang về tự đấu nối.

Toàn bộ thiết bị điện gió của ông Bá gồm 8 cánh quạt kiểu cong, chất liệu nhựa PPC (mỗi cánh dài 1,2m), và trụ làm bằng sắt cao 12m. Tính hết chi phí, bộ sản phẩm này khoảng 25 triệu đồng để cho ra công suất 1kWh, thời gian sử dụng khoảng 10 năm, tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng. 

Quy trình phát ra điện từ hệ thống là lấy sức gió làm cánh quạt quay, tuabin phát ra điện 3 pha, bộ điều khiển sạc chuyển đổi từ điện AC (dòng điện xoay chiều) sang DC (dòng điện một chiều) rồi nạp vào bình ắc quy trữ lại. Sau đó, biến tần đổi từ 12V ra 220V để phù hợp với thiết bị điện gia dụng.

Với công suất 1kWh, có thể bơm nước tưới cây liên tục trong 3 tiếng đồng hồ, còn xài đèn và quạt có thể tới 10 tiếng. Nếu hộ gia đình sử dụng 300kWh/tháng thì việc lắp hệ thống điện gió này tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/tháng. Thấy sáng chế độc đáo mà lại hữu dụng trong thực tiễn, nhiều người tìm đến đặt hàng ông Bá. Người đàn ông tên Huy, có trang trại gần vườn ông Bá ở xã Tân Hoà, cũng đã nhờ sáng chế ra hệ thống điện gió có công suất lên đến 3kWh để bơm nước tưới tiêu. 

“Tôi cũng vừa chế tạo ra hệ thống điện gió có công suất 3kWh, gắn cho trang trại này nhưng vẫn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. Công suất càng lớn càng khó làm. Dự định sắp tới của tôi là thay đổi chất liệu cánh quạt bằng nhựa composite và nâng công suất lên 10kWh để có thể lắp đặt ở gia đình cho đỡ tốn tiền điện”, ông Bá bày tỏ.

Theo ông Võ Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương TP Cần Thơ), sáng chế điện gió của ông Bá tuy công suất nhỏ nhưng lại có tính ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. 

Phòng Quản lý Công nghiệp đã hướng dẫn ông Bá qua Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký bản quyền. Đồng thời, Sở cũng có nhờ Khoa Công nghệ của Trường ĐH Cần Thơ cũng như một số doanh nghiệp cơ khí hỗ trợ về kỹ thuật để làm ra sản phẩm phát huy hiệu quả cao nhất.

Theo Như Anh (CAND)

See this content in the original post