Sáng kiến cộng đồng

View Original

Ông Trần Đại Nghĩa và sáng chế chiếc máy cấy vèo vèo

See this content in the original post

Thấm thía nỗi cơ cực của đời bà, đời mẹ và đời mình trong công việc nhà nông, ông Trần Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng (huyện Tiền Hải, tỉnhThái Bình) quyết tìm cách giải phóng sức lao động cho người nông dân. Sự ra đời của chiếc máy cấy “made in Trần Đại Nghĩa” đã góp phần giúp nông dân bớt vất vả, tăng thu nhập.

Máy cấy “made in Trần Đại Nghĩa” được đông đảo nông dân tin dùng. Ảnh: Phan Lợi.

Đau đáu một nỗi niềm

Sinh ra ở vùng cửa biển Tiền Hải, tuổi thơ của Trần Đại Nghĩa đã chứng kiến cảnh bà rồi mẹ mình phải còng lưng, sưng mặt, lở chân, loét tay mỗi lần bước vào vụ cấy. Cảnh tượng ấy cứ lặp đi lặp lại, ám ảnh và gieo vào đầu ông câu hỏi: Có cách nào để người nông dân rũ bỏ được cơ cực đó?

Tốt nghiệp cấp 3, Nghĩa quyết định đi học nghề sửa chữa điện tử nhằm mong ly nông mà không ly hương. Song vào thời đó, nghề ông học không có đất dụng võ. 8 năm vật lộn với 5 sào ruộng mà cái nghèo, cái khổ vẫn đeo bám. Ước mơ có máy để cấy thay người càng nung nấu, thôi thúc trong ông.

Năm 2000, Nghĩa xuất ngoại với mơ ước thoát nghèo và tìm tòi, học hỏi văn minh khoa học. Sang Hàn Quốc làm việc, nhờ có kiến thức về điện tử, ông tự sửa chữa được một số máy móc của công ty khi bị hỏng nên được ban lãnh đạo công ty quý trọng, trả mức thu nhập hậu hĩnh 1.700 USD/tháng.

Với người khác có thể sẽ chuyên tâm với vị trí của một công nhân bởi thu nhập cao, nhưng Nghĩa lại khác. Cứ có thời gian rảnh rỗi, ông lại lang thang vào vùng nông thôn Hàn Quốc xem nông dân nơi đây họ sản xuất như nào.

Trong một lần như thế, ông bắt gặp chiếc máy cấy đang làm việc trên đồng. Vỡ òa sung sướng, ông lao xuống ruộng xin bà con cho cấy thử. Không chỉ tận tay sử dụng một sản phẩm của nước có công nghệ hiện đại, ông còn tìm cách quan sát, ghi nhớ chi tiết kết cấu, nguyên lý hoạt động của chiếc máy cấy.

Sau 4 năm 8 tháng ở xứ người, ngoài khoản tiền tiết kiệm được, ông Trần Đại Nghĩa mang về nước mấy thùng caton chứa đầy những mẩu giấy chằng chịt hình vẽ, mà theo ông đó là “bảo vật” để khởi nghiệp.

Khởi nghiệp từ “0.4”...

Thời điểm năm 2005, ông được người dân trong xã gọi là “đại gia” vì đi nước ngoài về mua được xe ôtô hạng sang, thường xuyên xuôi Bắc, ngược Nam. Rồi chẳng bao lâu, người gọi ông là kẻ hâm, người lại đồn đoán ông bị vỡ nợ vì chơi bời nên phải bán ôtô về cuốc ruộng. Giãi bày về câu chuyện này, ông Trần Đại Nghĩa trần tình: “Đúng là mình từng đi ô tô loại đắt tiền rong ruổi khắp nơi nhưng không phải đi chơi mà vừa chạy dịch vụ chở khách vừa đi quan sát, nghiên cứu chất đất, địa hình, quy mô đồng ruộng của bà con. Điều này quyết định đến việc nghiên cứu, chế tạo máy cấy”.

Quá trình chế tạo máy cấy của ông Nghĩa cũng thật công phu. Thị trường không có phụ tùng chuyên dụng, ông phải lần mò đến rất nhiều cửa hàng, tiệm sửa chữa ôtô, xe máy thậm chí đến cả những điểm thu mua phế liệu để tìm mua những thứ mình cần.

 Đưa chúng tôi vào “đại bản doanh” nơi ngày đầu chế tạo máy cấy, chỉ vào hàng chục chiếc máy cấy chất cao ngang mặt người ông Trần Đại Nghĩa cười: “Chứng tích thất bại của những tháng, năm đầu khởi nghiệp đấy nhà báo ạ!”.

Mỗi lần thất bại, ông Nghĩa lại một mình lang thang trên cánh đồng, chằm chằm nhìn vào những thửa ruộng. Chẳng cứ người ngoài, ngay như vợ, con ông đôi khi cũng thầm nghĩ hay là ông bị thần kinh. Cứ nhìn vào đồng ruộng, hình ảnh khổ cực của người nông dân lại choáng ngợp trong đầu lại càng thôi thúc ông phải nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, khắc phục những sai sót kỹ thuật. Tháng 4/2014 chiếc máy cấy đầu tiên xuất xưởng.

Đến Nghĩa của 4.0

Hiện, ông Trần Đại Nghĩa sản xuất 3 loại máy cấy: Máy cấy giật tay, máy cấy động cơ điện và máy cấy động cơ xăng với hơn 30 mẫu khác nhau. Máy cấy giật tay có tổng trọng lượng từ 24 - 35kg/máy, đạt công suất cấy 500 - 700m2/giờ; máy cấy động cơ có tổng trọng lượng từ 35 - 60kg/máy, đạt công suất cấy từ 1.000 - 1.500m2/giờ.

Thị trường giờ tràn ngập các loại máy cấy nhập khẩu, nhưng máy cấy của Trần Đại Nghĩa vẫn là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều nông dân nhờ có nhiều ưu điểm: Phù hợp với trình độ, sức khỏe, tập quán sản xuất của bà con, địa hình đồng ruộng của các vùng, miền; dễ bảo dưỡng, sửa chữa mà không tốn kém chi phí; máy sử dụng điện không gây ô nhiễm môi trường.

Để giúp nông dân phát huy hiệu quả máy cấy, ông Nghĩa còn làm clip hướng dẫn kỹ thuật sử dụng máy và kỹ thuật gieo mạ cấy máy đăng trên YouTube. Chưa hài lòng với những gì mình đạt được, ông Nghĩa tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, chế tạo ra loại bình nén khí phun thuốc bảo vệ thực vật và tích hợp tính năng bón phân chạy bằng động cơ điện một chiều đạt công suất 5 phút/sào. Nhờ sản phẩm mới này, nông dân đỡ vất vả và năng suất lao động tăng lên gấp 4 lần so với việc phun thuốc và bón phân thủ công.

Khi được hỏi về nỗi lo hàng nhái cạnh tranh và làm mất uy tín, ông Trần Đại Nghĩa thản nhiên trả lời: “Về điều này, tôi tin chắc không một tổ chức, cá nhân nào có thể cạnh tranh được. Ngoài đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho thiết kế, sản phẩm thì cứ 3 - 6 tháng, tôi lại cải tiến cho ra một phiên bản máy cấy mới có tính năng tiện lợi hơn, cấu tạo tiên tiến hơn”.

Bán xe ôtô về làm ruộng, bây giờ ông Trần Đại Nghĩa lại mua được ô tô. Ông Nghĩa mua xe không phải để thể hiện mà nhằm có điều kiện đi đến các vùng, miền lắng nghe phản hồi của nông dân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó trở về tiếp tục cải tiến, nâng cấp cho sản phẩm của mình. Nhờ cái tâm, cái tài của mình mà cột mốc doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm hiện nay đang được ông Nghĩa “xô đổ” để phấn đấu cán đích 50 tỷ đồng/năm trong thời gian tới.

"Ông Nghĩa là một nông dân xuất sắc của tỉnh, có nghị lực vượt khó và có sức sáng tạo không ngừng. Những sản phẩm máy cấy là tâm huyết của cá nhân nhưng đã mang lại lợi ích to lớn cho nhiều nông dân và sự phát triển của ngành nông nghiệp trong thời kỳ mới. Ông Nghĩa thực sự xứng đáng là nhà khoa học của nông dân Việt Nam”.

Ông Lê Mạnh Cường -
Phó Chủ tịch Hội Nông dân
tỉnh Thái Bình

Theo Phan Lợi - Khắc Duẩn (Dân Việt)

See this content in the original post