Những sáng chế “made by” học sinh, sinh viên
Với niềm đam mê sáng tạo cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) tạo nên những sản phẩm, đề tài đoạt giải cao trong các cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Long An. Nhiều mô hình, sản phẩm dự thi sáng tạo, hữu ích, có khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống, sản xuất và mang lại hiệu quả cao.
Mô hình sấy thực phẩm sử dụng bơm nhiệt
Bằng đam mê, sự nỗ lực, Lê Minh Trường cùng 2 người bạn là Nguyễn Hồng Lĩnh và Nguyễn Thanh Nhã (SV lớp Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Trường Cao đẳng Nghề Long An) chế tạo thành công mô hình Sấy thực phẩm sử dụng bơm nhiệt. Đây là mô hình giúp các em đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh năm 2018.
Minh Trường chia sẻ: “Sau thời gian học tập tại trường, chúng em được trang bị những kiến thức về nhiệt, vấn đề môi trường và năng lượng. Đến khi học mô-đun “Hệ thống máy lạnh cục bộ”, chúng em hiểu được nguyên lý làm việc của máy lạnh. Trong một lần tình cờ xem tivi thấy nông dân phơi chuối và cá lóc bằng ánh nắng mặt trời mất nhiều thời gian, không bảo đảm an toàn thực phẩm, chúng em nảy ra ý tưởng tận dụng nhiệt thải của dàn nóng máy lạnh để sấy các sản phẩm nhằm giảm thời gian và nâng chất lượng sản phẩm so với phơi nắng”.
Tính mới của mô hình này là áp dụng công nghệ lạnh dùng bơm nhiệt gắn vào buồng sấy. Mô hình sử dụng hệ thống bơm nhiệt kết hợp bộ cấp nhiệt phụ để có thể điều chỉnh chính xác nhiệt độ sấy cần cung cấp cho buồng sấy. Thanh Nhã cho biết thêm: “Việc sử dụng hệ thống bơm nhiệt nhằm mục đích làm khô không khí sấy trước khi đưa trở lại buồng sấy và tận dụng nguồn nhiệt từ bơm nhiệt tạo ra để làm nóng khí sấy. Chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn so với các máy sấy đốt than hiện có. Năng lượng tiêu thụ cũng giảm so với các máy sấy dùng điện trực tiếp hiện nay”.
“Điều quan trọng nhất của hệ thống là phương pháp tách ẩm làm khô hoàn toàn không khí trước khi đưa trở lại buồng sấy, yếu tố này giúp cho sản phẩm khô nhanh hơn dù sấy ở nhiệt độ thấp hay cao. Sấy bơm nhiệt có ưu điểm giữ màu sắc sản phẩm đẹp hơn, giữ chất dinh dưỡng tốt hơn; sấy nhanh khô ở nhiệt độ thấp hơn so với các dòng máy sấy thông thường” - Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
Ổ cắm thông minh bảo vệ người dùng
Võ Quốc Việt (HS lớp 12A3, Trường THPT Tân An) có 2 năm kinh nghiệm tham gia cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh. Lần đầu Quốc Việt tham gia cuộc thi cách đây 2 năm với mô hình Đèn đường thông minh SCL (đoạt giải nhất). Với những kiến thức đã học cùng sự hướng dẫn tận tình của thầy, cô giáo, năm 2018, Quốc Việt đoạt giải khuyến khích cuộc thi với mô hình Ổ cắm thông minh bảo vệ người dùng khỏi tai nạn điện sinh hoạt.
Quốc Việt chia sẻ: “Từ thực tiễn cuộc sống có nhiều trường hợp tai nạn điện thương tâm xảy ra đã thôi thúc em tạo ra sản phẩm bảo vệ người dùng khỏi tai nạn điện sinh hoạt và có khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống. Em mất gần 1 tuần để lên ý tưởng và hơn 2 tháng để hoàn thiện sản phẩm này”.
Sau thời gian thử nghiệm, từ những thất bại, Quốc Việt rút ra nhiều kinh nghiệm và chế tạo thành công. Với ổ cắm thông minh này, người dùng được bảo vệ, tránh được những tai nạn điện sinh hoạt đáng tiếc xảy ra, nhất là trẻ em bởi ổ cắm có khả năng tự động ngắt điện khi cần thiết thông qua bộ cảm biến. Khi thiết bị được mở ngoài ý muốn do trẻ em hoặc người lạ thì ổ cắm tự động ngắt điện, từ đó, mang lại an toàn cho người dùng và tiết kiệm được điện năng.
Tắt, mở đèn bằng âm thanh
Niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp Ngô Hoài Nhựt (HS lớp 12A3, Trường THPT Tân Trụ) thể hiện được bản lĩnh và năng lực của mình tại cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh năm 2018. Theo chia sẻ của Hoài Nhựt, sản phẩm này xuất phát từ niềm đam mê khoa học - công nghệ và thực tiễn cuộc sống. Đó chính là việc người dùng phải chủ động bật các bóng đèn chiếu sáng khi trời tối và tắt đi khi trời sáng hay đơn giản là vừa lên giường đi ngủ và chợt nhận ra chưa tắt đèn. Việc người dùng phải lần mò tìm công tắc để bật đèn lúc trời tối rất khó khăn. Từ đó, Hoài Nhựt bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm.
Sau hơn 2 tháng kể từ lúc lên ý tưởng, Hoài Nhựt chế tạo thành công thiết bị tắt, mở đèn bằng tiếng vỗ tay. Nguyên tắc hoạt động của thiết bị này là khi người dùng vỗ tay thì âm thanh được chuyển đến micro. Micro cảm nhận âm thanh và chuyển đến bộ cảm biến để xử lý (tắt hoặc mở đèn). Sáng chế này có khả năng áp dụng vào thực tiễn cao bởi nguyên liệu đơn giản, chi phí sản xuất không cao. Người dùng có thể vỗ tay bật, tắt đèn một cách tự động nhờ cảm biến âm thanh. Với thiết bị này, sẽ giúp giải quyết được tình trạng quên tắt đèn, người dùng cũng tiết kiệm được lượng điện năng tiêu thụ đáng kể.
Mỗi sản phẩm sáng chế của các em HSSV thể hiện sự sáng tạo, đầu tư công phu để cho ra đời một sản phẩm độc đáo “made by” HSSV. Với những tính năng độc đáo, hữu ích, nhiều mô hình, sản phẩm có khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống, sản xuất và mang lại hiệu quả cao.
Theo Huỳnh Hương (Báo Long An)