Sáng kiến dọn rác thải nhựa hiệu quả
Tại Hà Lan, một hệ thống hàng rào bong bóng được thiết lập, giúp giảm rác thải nhựa trôi ra biển tại các cửa sông.
Amsterdam - thủ đô của Hà Lan, nổi tiếng với những con kênh có bề dày lịch sử, trong đó có nhiều con kênh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO xếp hạng là di sản của thế giới. Mỗi năm, hàng tấn rác thải nhựa cần phải được thu dọn tại đây.
Tuy nhiên, thời gian tới đây, nhiệm vụ này sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhờ vào một sáng kiến rất thú vị mới được đưa vào áp dụng tại thành phố này.
Philip Ehrhorn, đồng sáng lập của sáng kiến “Hàng rào bong bóng”, cho biết: “Hơn 2/3 lượng rác thải nhựa trên đại dương đến từ những con sông và kênh đào. Vì thế nếu chúng ta muốn giải quyết tình trạng rác thải nhựa trên biển, thì phải bắt đầu từ chính các con sông”.
Ehrhorn, người Đức, vốn là một kỹ sư chuyên về kênh đào và đại dương. Anh nảy ra ý tưởng “Hàng rào bong bóng” sau khi tham dự một khóa nghiên cứu về xử lý nước tại Australia năm 2015.
Great Bubble - “Hàng rào bong bóng” là một thiết bị hình chữ nhật không có gì đặc biệt, song mỗi ngày lại hoạt động rất hiệu quả trong việc thu rác thải nhựa tại Amsterdam. “Hàng rào bong bóng” được tạo ra bằng cách bơm khí qua một đường ống có lỗ đặt trên đáy sông. Bong bóng khí tạo ra dạng lưới chéo, ngăn rác thải nhựa có kích thước từ 5mm - 1m vượt qua hàng rào.
Hệ thống hàng rào bong bóng khí này không ảnh hưởng đến đường di chuyển của cá.
Philip Ehrhorn giải thích: “Ưu điểm lớn của hàng rào bong bóng là chúng tôi không cần tới hàng phải lập một hàng rào vật lý để thu rác thải nhựa. Theo đó, tàu bè và cá có thể đi qua dễ dàng, trong khi rác thải nhựa vẫn được thu gom”.
Một khi rác thải nhựa được chặn lại, một chiếc tàu sẽ tới để gom lại. Hà Lan đã thử nghiệm hệ thống hàng rào dài 200m này trên sông IJssel và dự kiến lắp đặt tại các cửa sông lớn khác của nước này trong thời gian tới.
Tại một quốc gia mà tới 50% lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, thì việc các kênh rạch tại đây không trở thành một thùng rác lộ thiên, là điều hết sức quan trọng.
Francis Zoet, một đồng sáng lập khác của sáng kiến “Hàng rào bong bóng” cho biết, họ muốn truyền bá ý tưởng này tới châu Á, bởi đây là khu vực có thể phát huy hiệu quả tốt hơn.
“Các con kênh đào của Amsterdam vô cùng nổi tiếng”, Francis Zoet nói, “Nhưng khi nghĩ về chúng, tại sao chúng ta không nghĩ đến những chai nhựa và túi rác nhựa trong các dòng nước. Hàng rào bong bóng sẽ giúp ngăn rác thải nhựa đổ ra đại dương, và là một bước tiến giúp điều tiết hệ sinh thái, đem đến lợi ích cho con người, động vật và môi trường”.
Mỗi năm, có 42.000 kg rác thải nhựa được thu gom tại các kênh rạch ở Amsterdam và công nghệ mới có lẽ sẽ cho phép gia tăng số lượng này. Những người yêu thích câu cá tại Amsterdam có lẽ sẽ rất vui với thông tin này, bởi họ thường câu được rác nhựa còn nhiều hơn là cá.
Theo bà Bianca Nijhof, Giám đốc Hiệp hội Nước Hà Lan, đồng thời là người tổ chức Hội nghị Tuần lễ Nước Quốc tế Amsterdam hồi đầu tháng 11 vừa qua: “Người Hà Lan sống chung với nước, khi có tới 50% diện tích đất nước nằm dưới mực nước biển, rất dễ bị lũ lụt và năm 2018 thì bị hạn hán nghiêm trọng. Do vậy, làm thế nào để kết hợp mối quan hệ đặc biệt với nước này với tư duy kinh tế, đóng vai trò quan trọng đốivới chúng tôi. Rào chắn bong bóng là một giải pháp môi trường cho tất cả mọi người”.
Trong khi đó, các nhà khoa học khuyến cáo, đến năm 2050, rác thải nhựa trên biển còn nhiều hơn cá trên đại dương. Tình hình đáng báo động này buộc thế giới hành động.
Thương Huyền (Theo The Guardian)