Sáng kiến cộng đồng

View Original

Sáng kiến thiết bị thoát hiểm đa năng

See this content in the original post

Sau vụ cháy chung cư Carina tại TP.Hồ Chí Minh (vào tháng 3-2018), một thầy giáo và 2 học sinh ở TP.Biên Hòa đã cùng chế tạo thiết bị thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng. Sáng kiến này đã đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh xem, góp ý cho 3 thầy trò về sáng kiến Thiết bị thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng. Ảnh: Đ.Tùng

Chia sẻ lý do chế tạo ra thiết bị thoát hiểm đa năng này, thầy Hồ Sỹ Chương, giảng viên Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên, Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Qua các phương tiện truyền thông, thấy đa số người thiệt mạng trong vụ cháy chung cư Carina là do ngạt khói và không có phương tiện để thoát hiểm nên bản thân tôi nghĩ cần làm một thiết bị gì đó để giúp những người sinh sống trong các nhà cao tầng thoát hiểm khi có hỏa hoạn”.

* Khát khao sáng tạo

Do đó, khi biết 2 học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh là Nguyễn Gia Khánh (lớp 11 chuyên Anh) và Nguyễn Khánh Như (học sinh lớp 12 chuyên Lý) cũng có ý tưởng như trên, thầy Chương đã đồng ý cùng với các em nghiên cứu, hiện thực hóa ý tưởng chế tạo Thiết bị thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng.

Thầy Hồ Sỹ Chương và các học sinh: Nguyễn Khánh Như và Nguyễn Gia Khánh (từ phải qua trái) đang nghiên cứu cải tiến Thiết bị thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng. Ảnh: Đ.Tùng

Để thực hiện sáng kiến này, cả 3 thầy trò cùng ngồi lại tìm hiểu, phân tích các ưu, nhược điểm của một số phương tiện thoát hiểm cá nhân đang bán trên thị trường rồi nghiên cứu phương thức tốt nhất để tạo ra một thiết bị riêng. Sau 6 tháng nghiên cứu, cuối năm 2018, thiết bị thoát hiểm đa năng ra đời tương đối hoàn chỉnh là một cỗ máy khoảng 12kg, khi sử dụng một người sẽ đeo trước ngực bằng dây an toàn, dây cáp được cuộn trong máy, một đầu dây cáp được cố định từ tầng cao.

Sáng kiến Thiết bị thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng của thầy Hồ Sỹ Chương và 2 học sinh: Nguyễn Khánh Như và Nguyễn Gia Khánh đã đoạt các giải thưởng: giải ba cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT năm học 2018-2019 khu vực phía Nam (do Bộ GD-ĐT tổ chức); giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2019 (do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức); giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2018-2019 (do Sở GD-ĐT tỉnh tổ chức).

Máy được cấu thành từ các linh kiện xe máy như: dây xích, má thắng, nồi thắng, motor giảm tốc, IC điều khiển động cơ... Do đó quá trình vận hành rất êm, người thoát hiểm cũng dễ dàng điều khiển bằng 2 tay lái như của xe máy.

Thầy Hồ Sỹ Chương chia sẻ, điểm đặc biệt của sáng kiến này là khi di chuyển xuống, người thoát hiểm sẽ điều chỉnh tốc độ tùy chọn bằng 2 cần phanh và 4 cần tăng, giảm tốc độ khác nhau. Trong quá trình di chuyển xuống, hoạt động từ trục quay bên trong máy sẽ tích một phần năng lượng vào pin để khi xuống đất, chỉ cần nhấn nút thì cả hệ thống sẽ được kéo lên, tiếp tục cho người khác trên cao thoát hiểm. Mỗi lần đi xuống có thể đưa 2 người thoát hiểm do tổng trọng tải lên đến 200kg.

Để hoàn thiện dần, 3 thầy trò đã thực nghiệm thành công ở các độ cao khác nhau tại Trường đại học Đồng Nai và Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh để đánh giá các chế độ hoạt động trong thiết bị.

* Không ngừng cải tiến

Năm 2019, sáng kiến Thiết bị thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng của thầy trò Hồ Sỹ Chương và Nguyễn Khánh Như, Nguyễn Gia Khánh đã tham gia và đoạt giải cao tại nhiều cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia. Hiện nay, với mong muốn đưa sáng kiến này ra thị trường, đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý, cả 3 thầy trò vẫn tiếp tục tham khảo ý kiến những người có chuyên môn để không ngừng cải tiến, hoàn thiện các tính năng của thiết bị.

Sáng kiến Thiết bị thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng được thử nghiệm, kiểm tra hoạt động. Ảnh: Đ.Tùng

Không chỉ vậy, để sáng kiến thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế, mới đây, 3 thầy trò còn nhờ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đánh giá, góp ý để thiết bị hoàn thiện hơn.

“Chúng tôi mong muốn có một cơ quan, doanh nghiệp nào đó cùng chúng tôi phát triển sáng kiến này thành sản phẩm cung ứng ra thị trường, đáp ứng được nhu cầu thoát hiểm ở các chung cư cao tầng. Theo tính toán, giá thành thiết bị này có thể vào khoảng 5-6 triệu đồng/máy” - thầy Hồ Sỹ Chương bày tỏ.

Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu khắc phục một số nhược điểm của thiết bị thoát hiểm đa năng là thiết bị còn khá nặng (12kg), dây cáp mới giới hạn ở 20m... Do đó, trong tương lai, khi có điều kiện, 3 thầy trò sẽ tiếp tục cải tiến thiết bị để nâng cao độ ổn định, độ tin cậy của thiết bị, giảm trọng lượng thiết bị còn khoảng 8kg; đồng thời có thể nâng cao sự tiện dụng và độ an toàn cho thiết bị bằng cách dùng thêm các cảm biến nhiệt độ, cảm biến khoảng cách để có những cảnh báo, phát tín hiệu thiết bị khi vận hành và tiếp đất.

Nguyễn Khánh Như cho biết, em sẽ cố gắng cùng với thầy và bạn nghiên cứu hoàn thiện thiết bị để có thể đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tế, giúp được nhiều người sống ở chung cư thoát hiểm dễ dàng và an toàn nếu không may xảy ra hỏa hoạn. Sáng kiến này của nhóm hướng đến việc chỉ cần 1 người biết sử dụng thì chỉ với một thiết bị đa năng hoạt động cũng có thể cứu được nhiều người, kể cả người mất khả năng di chuyển... mà không phải tốn công nạp lại pin hay dùng sức lực của bản thân. Quá trình mày mò, sáng tạo còn giúp Như có cơ hội áp dụng kiến thức sách vở vào thực tế, biết thêm nhiều kiến thức bổ ích khiến em ngày càng đam mê nghiên cứu khoa học hơn.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh nhận xét, sáng kiến Thiết bị thoát hiểm đa năng khi xảy ra hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng có tính ứng dụng cao, giá tốt. Tuy nhiên, để có thể hoàn chỉnh sản phẩm đưa ra thị trường thì nhóm cần nghiên cứu, hoàn thiện hơn một số chi tiết để phù hợp với điều kiện thực tế khi xảy ra sự cố cháy ở nhà cao tầng.

Đăng Tùng

See this content in the original post