Đà Nẵng: 1 nông dân bỏ 1 tỷ đồng tự chế máy trồng rau sạch tự động
Với vốn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của một kỹ sư chế tạo, anh Huỳnh Kim Toàn (56 tuổi), nông dân tổ 23, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) đã bỏ ra 1 tỷ đồng tự chế tạo hệ thống máy tự động trồng rau hữu cơ. Nhờ trồng rau hữu cơ, chăm rau hữu cơ bằng máy mà anh có có thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày, bình quân doanh thu trên 300 triệu/năm.
Trò chuyện với phóng viên, anh Huỳnh Kim Toàn cho biết, bản thân vốn là dân kỹ thuật, bao nhiêu năm làm kỹ sư chế tạo máy công tác tại nhà máy thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai nên việc nghiên cứu, lắp ráp, chế tạo ra hệ thống máy chăm rau tự động không mấy khó khăn.
Anh Toàn nhớ hồi còn ở nhà máy thủy điện Trị An, anh công nhân chuyên chế tạo ra các loại máy thủy điện đa mục tiêu, công trình còn đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ cho nông dân…
“Bây giờ về sinh sống tại địa phương, đất đai thì eo hẹp nhưng thấy nông dân mình sản xuất còn thủ công quá. Được Hội Nông dân phường Khuê Mỹ đề nghị chính quyền địa phương cho mượn hơn 3.200m2 đất khu dự án treo mình bắt tay vào dọn dẹp và sản xuất rau theo hướng hữu cơ…”, anh Toàn chia sẻ.
Theo anh Toàn, để trồng các loại rau theo hướng hữu cơ, anh không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hóa học mà sử dụng bằng phân hữu cơ như bánh dầu, phân vi sinh. Nhằm giảm bớt sức lao động chân tay, tiết kiệm thời gian, nhân lực, anh Toàn đã mày mò nghiên cứu, thiết kế và chế tạo ra dây chuyền chăm sóc rau tự động đa chức năng, bao gồm: tưới nước tự động, xới đất tự động, gieo hạt tự động, bón phân tự động, và vận chuyển rau khi thu hoạch...
“Với kiến thức đã được học tại nhà trường, kinh nghiệm bao năm làm kỹ sư, tôi đã mày mò mua các loại thanh sắt, kể cả sắt vụn rồi tận dụng các vật dụng bỏ đi, thùng đựng nưc...để thiết kế, chế tạo nên hệ thống máy, dây chuyền chăm sóc rau tự động. Tổng chi phí đầu tư xây dựng mô hình từ dây chuyền sản xuất và đầu tư vật tư gieo trồng các loại rau hữu cơ này hết gần 1 tỷ đồng…”, anh Toàn cho biết.
Nhìn những luống rau cải cay, xà lách, tần ô, rau húng… xanh mướt được trồng thẳng tắp, anh Toàn đang thu hoạch để vợ mang ra chợ bán, anh phấn khởi chia sẻ. “Thời tiết khu vực miền Trung mình nắng nóng rất khắc nghiệt, việc trồng rau thì khâu chăm sóc, tưới nước là quan trọng nhất. Vì thế, để đỡ tốn kém thời gian công sức, trong dây chuyền máy mình tạo ra lập trình hẹn giờ, tự động, điều chỉnh qua điện thoại di động. Dây chuyền sẽ thao tác và thực hiện các chức năng mà mình mong muốn…”.
Được biết, mô hình trồng rau hướng hữu cơ của anh Toàn chủ yếu sử dụng bánh dầu ủ vi sinh để giảm bớt độ hôi thối và phân hữu cơ vi sinh; lao động không cần phải nhiều, mình anh có thể tự điều khiển cho dây chuyền xới đất, gieo hạt, tưới nước, bón phân…Điều đặc biệt, dây chuyền này vẫn chăm sóc được rau tự động ở các khu vực trồng rau khác nhau và xuống giống đúng thời gian hợp lý để thuận tiện chăm sóc, tưới nước, bón phân và thu hoạch…
Hiện nay, cứ một ngày gia đình anh Toàn thu hoạch và bán các loại rau trồng theo hướng hữu cơ thu được gần 1 triệu đồng và bình quân mỗi tháng gần 30 triệu đồng, mỗi năm doanh thu hơn 300 triệu đồng. Nhờ trồng rau theo hướng hữu cơ công nghệ cao mà gia đình anh Toàn có của ăn, của để.
Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Hội Nông dân phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nhận xét, anh Huỳnh Kim Toàn là một nông dân hết sức năng động, sáng tạo và có tầm nhìn về xây dựng mô hình sản xuất rau sạch hữu cơ theo hướng công nghệ cao.
"Đây là mô hình mới ở địa phương, sắp đến chúng tôi sẽ vận động một số nông dân trong phường đến học tập, tham gia sản xuất. Đặc biệt, Hội sẽ hướng dẫn, tạo điều kiện để cho anh Toàn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời đề nghị chứng nhận rau đạt tiêu chuẩn VietGAP...", ông Nguyễn Văn Bình.
Đăng Bình - Đại Nghĩa/Theo Dân Việt