Hai học sinh sáng chế "đôi mắt" cho người khiếm thị
Hai học sinh Trường THCS Trọng Điểm đã sáng chế thành công thiết bị có khả năng thu hình ảnh, xử lý và cảnh báo vật thể cho người khiếm thị qua tai nghe. Sáng chế này đã giúp Đoàn Thanh Tùng, Đoàn Duy Tuấn (lớp 8G) giành giải nhì trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ V, năm 2019.
Trò chuyện với chúng tôi, Đoàn Thanh Tùng kể: Ngay từ khi còn rất nhỏ, em đã được chứng kiến cuộc sống đầy khó khăn, tiềm ẩn những rủi ro của người bác bị mù lòa. Nhìn thấy bác phải dò dẫm từng bước đi hay phải dùng đôi tay để cảm nhận mọi vật xung quanh khiến bác không ít lần bị vấp ngã, em đã rất thương bác. Khi đó, em chỉ ước có thiết bị nào đó có thể trợ giúp những người khuyết tật như bác bớt khó khăn hơn trong cuộc sống.
Suy nghĩ ấy cứ thế lớn lên với Tùng theo năm tháng, khiến em luôn ấp ủ và nung nấu ý tưởng sáng tạo mô hình hỗ trợ người khiếm thị. “Sau nhiều lần tìm hiểu, nghiên cứu, chúng em nhận thấy các thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị chưa có nhiều, chưa đa dạng về tính năng mà giá thành lại rất cao. Nếu không phải là người kinh tế khá giả thì khó có điều kiện được sử dụng những thiết bị như vậy. Những người khiếm thị không có được đôi mắt nhưng lại có đôi tai rất tinh tường. Vậy, tại sao không thử làm một loại tai nghe có khả năng thông báo vật cản, hình ảnh phía trước cho người dùng?” - Tùng nói.
Nghĩ là làm, Tùng đã cùng với Đoàn Duy Tuấn bắt tay vào nghiên cứu chiếc tai nghe có khả năng thu hình ảnh, xử lý và nhận biết vật thể trong ảnh, sau đó đọc tên vật thể cho người sử dụng qua tai nghe; đồng thời cảnh báo vật cản trước mặt và có đèn cảnh báo cho người xung quanh vào buổi tối. Thực hiện từ giữa năm 2018, đến đầu năm 2019, Tùng và Tuấn mới hoàn thiện xong sản phẩm.
Thiết bị của hai học sinh Trường THCS Trọng Điểm có 2 phần chính: Phần mạch Raspberry Pi 3, máy ảnh và phần mạch Arduino Nano và cảm biến siêu âm. Khi người dùng nhấn nút trên thiết bị, camera sẽ chụp ảnh, phân tích hình ảnh và phát hiện hình ảnh đó là gì, sau đó phát tín hiệu qua loa hoặc tai nghe người khiếm thị có thể hình dung về hình ảnh đó. Đồng thời, cảm biến siêu âm cũng sẽ phát ra các sóng siêu âm dạng nón để có thể cảnh báo vật cản cách người sử dụng khoảng 30cm.
Để chế tạo thành công “đôi mắt” dành cho người khiếm thị, nhóm cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn, từ việc tìm mua bảng mạch ở nước ngoài, lập trình thông tin cho đến lắp ráp thiết bị. Tùng cho biết, mặc dù đều là những học sinh giỏi cấp tỉnh về Vật lý, nắm khá chắc kiến thức bộ môn này nhưng lúc đi vào chế tạo, lắp ráp lại khá khó khăn, nhất là khâu đấu nối dây điện trong các bảng mạch. Để có thể làm được thao tác này, hai em mất khoảng 3-4 tháng theo học kinh nghiệm từ các tay thợ hàn điện tử lành nghề. Sau rất nhiều bản thử ban đầu bị lỗi, cuối cùng, nhóm mới có thể hoàn chỉnh thiết bị này để mang đi dự thi.
Đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, đề tài của Đoàn Thanh Tùng và Đoàn Duy Tuấn là sáng chế có tính sáng tạo về công nghệ, kết cấu, mang tính kết hợp kỹ thuật của các ngành. Đặc biệt, trên thế giới chưa có thiết bị giúp người mù nhận diện đồ vật. Kính CARA của Microsoft là thiết bị duy nhất có tính năng tránh vật cản nhưng vẫn chưa nhận biết được vật và vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Do đó, khi sáng chế này đi vào sản xuất đại trà có thể giúp người mù tự chủ hơn và sẽ là công cụ đắc lực giúp họ hòa nhập với cộng đồng.
Theo tính toán của Tùng, một thiết bị hỗ trợ người khiếm thị đến tay người tiêu dùng sẽ có giá ước tính khoảng 1,5 triệu đồng; giá thành thấp hơn nhiều so với những sản phẩm hỗ trợ khác. “Tới đây, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải thiện độ tiện ích, chính xác của thiết bị này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng. Chúng em cũng mong muốn sẽ sớm liên kết được với đơn vị sản xuất để từng bước sản xuất, phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng” - Tùng chia sẻ.
Theo Báo Quảng Ninh