Những phát minh gây ngạc nhiên của sinh viên Việt Nam
Sinh viên Việt Nam ngày nay không chỉ năng động, hội nhập mà còn vô cùng thông minh, sáng tạo. Rất nhiều những sáng chế, phát minh độc đáo đã được các bạn xây dựng và tạo lập nên ở độ tuổi còn rất trẻ.
Sinh viên Việt thời đại 4.0 không chỉ có lợi thế về sức khỏe và tri thức mà còn sở hữu niềm đam mê nghiên cứu cùng sức sáng tạo vô biên. Tự tin và bản lĩnh, những bạn sinh viên năng động này chính là những minh chứng tiêu biểu cho vai trò người chủ tương lai của đất nước. Những sáng kiến, công trình khoa học mang tính ứng dụng cao là những đóng góp vô cùng quan trọng mà thế hệ trẻ đã phát minh ra nhằm thúc đẩy sự phát triển cho đất nước và mang lại lợi ích không nhỏ cho cộng đồng.
Sinh viên tạo ra thực phẩm chức năng từ rau đắng
Nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Thảo, Trương Trọng Nguyên, Phùng Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Hương Lan - cùng là sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã giành giải Nhất lĩnh vực công nghệ thực phẩm, Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2018 nhờ phát minh ý nghĩa về sản phẩm bột rau đắng. Vốn là một loại thực phẩm rất phổ biến trong bữa ăn của nhiều người nhưng ít ai biết rau đắng có nhiều công dụng rất bổ ích, đặc biệt tốt cho sức khỏe.
Nhờ khả năng quan sát và sự chăm chỉ mày mò nghiên cứu, nhóm bạn trẻ đã phát hiện ra hợp chất triterpen saponin trong rau đắng bao gồm bacoside A (1.54-2%) và Bacoside B (0.65-1%). Hợp chất này có nhiều tác dụng dược lý quan trọng như: cải thiện chức năng của não, tăng cường trí nhớ, chống oxi hóa.
Dùng những kiến thức chuyên môn đã học, nhóm bạn tạo ra một quy trình sản xuất bột rau đắng chứa hợp chất triterpen saponi. Sau khi được trích ly với điều kiện tối ưu hóa, sản phẩm được cô đặc lại để tạo thành bột rau đắng có lợi ích cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời cũng góp phần giải quyết đầu ra cho những người nông dân.
Sáng tạo máy bay không người lái
Đây là phát minh vô cùng độc đáo đến từ nhóm bạn Dương Văn Thiện, Phạm Văn Sáng, Phan Văn Nghiêm và Kiều Thanh Sơn, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tổng số tiền đầu tư cho mô hình máy bay khoảng 30 triệu đồng và gặp thất bại vô số lần, nhóm bạn vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Nỗ lực suốt hai năm, nhóm nghiên cứu cuối cùng đã thành công khi chiếc UAV bay lượn trên bầu trời ở độ cao 500 m, bay xa khoảng 1 km và thu các tín hiệu về máy tính.
Nhờ sáng tạo đặc biệt này, nhóm bạn đã rinh về rất nhiều những giải thưởng danh giá như giải nhất cuộc thi Robocon teachshow 2014 do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, giải ba cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014, giải nhất báo cáo nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường, giải nhất triển lãm khoa học của giảng viên và sinh viên do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức năm 2014.
Sinh viên dùng điện thoại quản lý chung cư
Cùng chung niềm đam mê về công nghệ thông tin, ba chàng trai Lê Xuân Tùng, Trần Hoàng Linh, Ðào Hoàng Tiến đến từ Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã tự mày mò, nghiên cứu, tạo ra một công cụ đắc lực hỗ trợ việc quản lý chung cư được hệ thống, hiệu quả.
Chăm chỉ trau dồi kiến thức thực tế qua những người làm trong ngành quản lý bất động sản để chuyển hướng sang xây dựng, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các vấn đề thực tế của ban quản lý tòa nhà và người dân chung cư, cuối cùng những nỗ lực của các anh chàng cũng được đền đáp. Ứng dụng này đã trở thành công cụ thông minh đầu tiên hỗ trợ quản lý chung cư tích hợp nhiều loại dịch vụ giá trị gia tăng.
Ứng dụng này thực hiện việc phân tích các dữ liệu để cải thiện dịch vụ tòa chung cư, xây dựng hệ sinh thái chung cư thông minh với tiêu chuẩn đồng bộ, văn minh. Trên nền tảng điện toán đám mây, ứng dụng có thể quản lý căn hộ, cư dân, dịch vụ… đồng thời hỗ trợ người dân ở chung cư mua sắm, thanh toán tài chính, đăng ký các dịch vụ, liên lạc với những mọi người xung quanh chỉ qua chiếc điện thoại di động.
Theo Saostar