Sáng kiến cộng đồng

View Original

Nhà “sáng chế” miệt vườn

Gắn bó với miệt vườn, nhận thấy những khó khăn, vất vả của người nông dân, Ông Lê Phước Lộc, 65 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã mày mò, sáng chế nhiều dụng cụ hữu ích giúp bà con giảm sức lao động trong thu hoạch cây trái...

“Tôi học hành có tới nơi, tới chốn gì đâu, nhưng mỗi khi thấy nhà vườn vất vả khi leo lên cao tỉa nhánh, bẻ trái cây, bọc trái không để sâu rầy cắn phá nên mới nghĩ ra việc sáng chế nhiều dụng cụ giúp bà con đỡ vất vã thế thôi. Dần dà cái máu “sáng chế” cứ thôi thúc tôi sáng tạo ra nhiều loại dụng cụ phục vụ sản xuất cho tới bây giờ”, ông Lộc tâm sự.

Năm 2002, người dân địa phương rất bất ngờ khi thấy ông Lộc đột ngột chuyển nghề thợ kim hoàn sang việc sáng chế kéo cắt tỉa cây rất lạ thường. Trước đây, nhà vườn thường dùng kéo cắt tỉa có lưỡi cắt nằm bên dưới, phải hao phí rất nhiều sức để cắt nhưng kết quả không cao. Từ đó, ông Lộc đã chế tạo kéo “Phước Lộc” với kết cấu hoàn toàn ngược lại: Lưỡi cắt bên trên được gia cố sắc bén kết hợp với các ổ bi trợ lực, nên người sử dụng không phải tốn nhiều lực. Sản phẩm này đã đạt giải Ba tại Hội thi “Sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia”, được nhận Bằng khen và Chứng nhận độc quyền sản phẩm do Bộ Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) chứng nhận.

Tiếng lành đồn xa, hiện nay, mỗi năm cơ sở Phước Lộc đã cung cấp ra thị trường cả nước trên 18.000 cây kéo tỉa với giá bán 80.000 - 100.000 đồng/cây. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là khu vực ĐBSCL, các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sau khi trừ chi phí nhân công, vật tư, vận chuyển… mỗi năm ông Lộc thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Bà Võ Thị Lệ, ngụ huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ nhận xét: “Kéo cắt, tỉa của ông Lộc rất tiện lợi. Nông dân có thể làm sạch vườn rất nhanh chóng, tiện lợi, giá lại rẻ. Người dân ở đây hầu như ai cũng sử dụng kéo tỉa này”.

Phát huy thắng lợi, nhà “sáng chế” miệt vườn Lê Phước Lộc đã chế tạo thành công kéo hái trái nguyên nhánh, chủ yếu là trái nhãn, chôm chôm, xoài… trên độ cao 4 - 5m. Với thiết bị này, người sử dụng dễ dàng thu hoạch từng chùm trái trên cao rất an toàn, không bị trầy xước, bởi chúng được giữ chặt vào thiết bị này và được đưa xuống mặt đất rất nhẹ nhàng. Để thuận lợi hơn trong việc vận chuyển lẫn khi di chuyển vào vườn cây ăn trái, ông Lộc đã chế tạo cán cầm có thể tháo rời và lắp lại rất dễ dàng.

Ông Lê Văn Lắm, ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) vui vẻ kể: “Có dụng cụ này, mình không phải leo lên cây cao rất nguy hiểm. Ngoài ra, có thể hái trái từng chùm theo mong muốn để có sản phẩm đẹp mắt, an toàn, giá bán cao, lại “cơ động” ở khắp mọi nơi”.

Ông Lộc cũng là người đầu tiên ở ĐBSCL sáng chế ra dụng cụ bao trái rất độc đáo, giúp nhà vườn có thể bao trái nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm chi phí thuê nhân công bao trái theo phương pháp truyền thống trước đây. Sản phẩm này hiện trong tình trạng cháy hàng, vì cung không đáp ứng được cầu.

Được biết, ông Lộc đã đạt giải Nhất cuộc thi “Sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia” với dụng cụ “Bấm lỗ tự động trên màn phủ nông nghiệp”. Hiện ông đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sáng chế Việt Nam và được bình chọn danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2013; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ KH&CN.

Theo Báo Dân tộc

See this gallery in the original post