Sáng kiến cộng đồng

View Original

Cử nhân chọn về quê khởi nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động

Đam mê đặc biệt với nông nghiệp, sau khi ra trường, anh Trần Quang Tiến chọn về quê mở khởi nghiệp trồng nấm, cung cấp phôi nấm, tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Chàng cử nhân quê huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định chọn về quê khởi nghiệp với mô hình trồng nấm, phân phối nấm bào ngư.

Từ lý thuyết đến thực tế khác xa

Vốn mê nông nghiệp từ nhỏ nên ngay từ khi bước vào giảng đường đại học, anh Trần Quang Tiến (24 tuổi, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), cựu sinh viên khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Quy Nhơn, gần như đã gắn với phòng thí nghiệm để nghiên cứu phương pháp trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu, rau an toàn.

Trong 4 năm đại học, anh Tiến còn được biết đến với nhiều ý tưởng sinh viên khởi nghiệp đạt giải thưởng cấp trường, cấp Bộ. Giải Nhì cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2016 do Bộ GD-ĐT tổ chức với dự án "Trồng nấm linh chi trên gỗ khúc" và giải Nhì cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên" năm 2018 của Trường ĐH Quy Nhơn với dự án "Vườn thực nghiệm thu nhỏ phục vụ chương trình phổ thông mới cho học sinh".

Sau khi tốt nghiệp năm 2018, anh Tiến chọn về quê khởi nghiệp với mô hình trồng nấm và phân phối phôi nấm. Anh Tiến thuê 650 m2 đất để trồng nấm, trong đó dành tới 500 m2 để làm nhà xưởng, xây dựng lò hấp tiệt trùng để trồng nấm.

"May mắn khi còn sinh viên tôi tham gia nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu trồng nấm. Nhiều lần thất bại, nhưng tôi xem đó là động lực để tiếp tục bước tiếp. Điều đó đã cho tôi thêm kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công ngay sau khi rời khỏi ghế nhà trường", anh Tiến nói.

Mô hình làm nấm của anh Tiến đang tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn có thu nhập khá ổn định.

Anh Tiến cho rằng, thực tế từ lý thuyết đến khi bắt tay vào công việc thì gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm còn ít, nguồn vốn không có…

"Lúc còn sinh viên, tôi chỉ lo việc học, tiền thiếu có cha mẹ ở quê gửi vào nên không có áp lực gì cả. Song, khi ra trường và bắt tay vào làm, nhất là chọn nông nghiệp để khởi nghiệp thì gặp nhiều khó khăn, nếu không có ý chí vững, kiên trì, rất dễ bỏ cuộc", anh Tiến chia sẻ.

Theo anh Tiến, ngoài nguồn nguyên liệu mùn cưa phải nhập từ các tỉnh ở Tây Nguyên thì cám gạo, cám bắp (ngô) đều sẵn có ở địa phương.

Anh Tiến cũng cho biết, do sử dụng cám gạo, cám ngô trộn với mùn cưa để trồng nấm, không sử dụng phân bón vì thế sản phẩm nấm giữ được mùi thơm đặc trưng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Công nhân đang xếp các bì phôi nấm vào lò hấp trước khi cấy giống để bán ra thị trường.

Hiện, mỗi tháng cơ sở sản xuất ra cả 100.000 bì phôi nấm, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương với mức thu nhập ở quê cũng khá cao từ 5-6 triệu đồng mỗi tháng.

Khởi nghiệp ở quê có thực sự khó?

Không dừng lại ở đó, tháng 9/2020, anh Tiến cùng với một số nông hộ trong xã thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Agribio, chuyên sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp. Anh Tiến là giám đốc HTX. Việc mở HTX liên kết sản xuất nông nghiệp là ước mơ của anh Tiến nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Anh Tiến cùng một số hộ dân hùn vốn thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Agribio, chuyên sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp.

"Tuy nhiên, khi chúng tôi quyết định mở HTX thì không ít người xì xào to nhỏ, bàn ra tán vào. Tôi không hề nao núng, gần một qua tôi vẫn làm công việc này và sống tốt. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, không phải ở quê là không có cơ hội kiếm tiền. Cơ hội là tự mình tạo ra và ý chí của mỗi người", Tiến chia sẻ.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Tiến nói: "Sau khi ổn định mặt hàng nấm ăn, tôi sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm nấm linh chi, nấm hoàng đế. Đồng thời, liên hệ với các công ty dược trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho nấm dược liệu".

UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận OCOP với sản phẩm nấm Hoàng đế đạt hạng sản phẩm 3 sao năm 2021 (Ảnh: Facebook nhân vật).

Anh Tiến chia sẻ thêm, một trong những khó khăn với phát triển HTX hiện nay là chưa tiếp cận nguồn vốn vay chính sách hay ưu đãi để mở rộng cơ sở sản xuất. Ngoài ra, hiện cơ sở sản xuất cũng đang thuê tạm thời, diện tích nhỏ.

"Chúng tôi đã làm đơn xin thuê đất của UBND quản lý để mở rộng cơ sở nhưng vẫn chưa được. Nếu có diện tích đủ lớn chúng tôi sẽ mở rộng cơ sở theo mô hình khép kín, từ làm phôi đến trồng nấm, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời mở rộng cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp", anh Tiến nói.

Anh Tiến đang thử nghiệm trồng nấm mào gà.

Một bì phôi nấm bào ngư thường thu hoạch được khoảng 10 lần trong 3 tháng.

Đặc biệt, mới đây HTX Nông nghiệp hữu cơ Agribio đã được UBND tỉnh Bình Định trao giấy chứng nhận OCOP với sản phẩm nấm Hoàng đế đạt hạng sản phẩm 3 sao năm 2021.

Ngoài ra, HTX còn mở thêm dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn xã Mỹ Đức, mang niềm vui cho nhân dân địa phương. Đồng thời, góp phần rất quan trọng giúp địa phương thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

THEO DOÃN CÔNG

(Báo Dân trí)

See this gallery in the original post