Sáng kiến cộng đồng

View Original

Bất ngờ với cô giáo phát minh ra máy khử men cho chè

“Máy khử men cho chè làm giảm vị đắng chát của chè mới” là đề tài nghiên cứu khoa học được cô giáo Chu Thị Mai Ly thực hiện trong 6 tháng, cung cấp giải pháp hữu ích cho các cơ sở sản xuất, chế biến chè xanh khô.

Đồi chè có tên gọi "Đồi chè cây mồ côi" tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

Đối với những người sản xuất, chế biến chè xanh, để khử được vị đắng chát của chè, lấy được hương thơm đặc trưng cho từng loại chè mới là rất khó khăn, phải thực hiện nhiều công việc trước khi chế biến chè xanh khô.

Giống chè mới (Ngọc Thúy, Bát tiên, Ô Long) là một đặc sản của địa phương, là thế mạnh kinh tế của thị trấn Nông Trường, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Để có được mùi hương đặc trưng của từng loại chè mới này, không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật chăm sóc, người sản xuất, chế biến phải thực hiện những công việc như hong héo và ủ hương để lấy được hương vị đặc trưng của từng giống chè.

Tuy nhiên, việc hong héo (phơi chè, đảo chè, đảo chè từ 2 – 3 lần cách nhau khoảng 20 – 30 phút) và ủ hương (ủ 1- 2 lần) gây tốn thời gian và nhân lực. Thậm chí, đôi khi không thể lấy được hương thơm đặc trưng của từng loại chè, không làm giảm được vị đắng chát của chè.

Thấu hiểu nỗi niềm này của chính gia đình mình và các hộ sản xuất, chế biến chè xanh khô ở địa phương, cô giáo trẻ Chu Thị Mai Ly – Giáo viên bộ môn Tin học Trường THCS thị trấn Nông Trường, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đã nhiều đêm trăn trở và đưa ra một giải pháp kỹ thuật, đó là “Máy khử men cho chè làm giảm vị đắng chát của chè mới”.

“Máy khử men cho chè làm giảm vị đắng chát của chè mới” là một đề tài nghiên cứu khoa học nghiêm túc, được tiến hành làm trong 6 tháng, từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019. Đây thực sự là một giải pháp hữu ích cho các hộ gia đình sản xuất, chế biến chè xanh khô ở địa phương, đặc biệt là những cơ sở sản xuất, chế biến lớn.

Máy khử men cho chè là sản phẩm sáng tạo của một giáo viên có gia đình làm nghề trồng và chế biến chè xanh khô.

Nguyên liệu để làm nên chiếc máy này chỉ bao gồm 2 tấm mành được đan bằng tre có kích thước 180cm x 90cm, 180cm x 45cm, 08 thanh sắt mỏng, 04 thanh nẹp nhôm, 02 miếng tôn tròn có đường kính 55cm, 01 thanh sắt hộp dài 200cm và các dụng cụ, thiết bị khác như: máy hàn, que hàn, kìm, mô tơ....

“Việc tạo ra máy chỉ đơn thuần xuất phát từ nhu cầu thực tế của gia đình mà thôi. Tôi cũng đã chia sẻ về sản phẩm này với các gia đình sản xuất chè tại địa phương và các hộ trồng chè tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, và cảm thấy vui vì mình cũng giúp ích cho mọi người.”, cô giáo Chu Thị Mai Ly nói.

Nguyên lý hoạt động của máy là quay chè mới (Ngọc Thúy, Bát Tiên, Ô Long) để khử Tanin (vị chát trong chè), nhóm enzym oxi hoá khử có vai trò quan trọng trong chế biến chè bằng cách cho chè búp tươi vào thùng quay, quay 15 – 20 phút, khi những búp chè tươi được quay trong thùng sẽ va đập với bề mặt nan tre để làm héo và mềm lá chè, làm vỡ các phân tử trong lá chè, để quá trình ủ hương thơm cho chè tại cơ sở sản xuất của gia đình tiết kiệm thời gian hơn.

Bên trong máy khử men cho chè.

So với cách làm hong héo (phơi chè, đảo chè và sử dụng tay vò để làm dập lá chè tươi để khử tanin và enzym có trong lá chè) và ủ hương (gom chè và phơi chè trên chiếc nong và vò chè 2 – 3 lần với thời gian cách nhau từ 20 – 30 phút, chiếc máy khử men cho chè làm giảm vị đắng chát này đã rút ngắn thời gian làm héo, ủ hương cho 50 – 80kg chè trong thời gian khoảng 30 – 45 phút. Chiếc máy rất chắc chắn và an toàn cho người sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là máy sử dụng lâu dài và đạt hiệu quả cao hơn so với cách làm truyền thống là phơi héo và ủ hương.

Dù mỗi lần sử dụng máy có thể khử men, lên hương thơm cho từ 50 – 80kg chè tươi nhưng chiếc máy có thể dùng được trong suốt thời gian sản xuất, chế biến chè mới. Cứ như vậy, chiếc máy này có thể khử men, lấy hương thơm cho chè mới hàng chục tạ, thậm chí cả tấn chè tươi.”, tác giả của chiếc máy này cho biết.

Điều mong muốn của cô giáo Ly là phát kiến của mình có thể được áp dụng và sử dụng rộng rãi ở bất kì cơ sở sản xuất, chế biến chè xanh khô ở các địa phương trong cả nước có vùng trồng chè.

Cô giáo Chu Thị Mai Ly (áo vàng) trong Lễ trao giải cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ III diễn ra tại Hà Nội hôm 26/12/2020.

Chính vì tính ứng dụng cao, dễ dàng nhân rộng, sáng kiến “Máy khử men cho chè làm giảm vị đắng chát của chè mới (Ngọc Thúy, Bát Tiên, Ô Long) vừa được trao giải Khuyến khích tại Lễ trao giải “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ III do Tạp chí Cộng sản, Bộ KH&CN và Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.

Chia sẻ với PV Infonet, cô giáo Chu Thị Mai Ly cho biết: “Rất nhiều người không biết đến chè Lạng Sơn, chính vì vậy tham gia cuộc thi này chỉ với mong muốn chè xanh xứ Lạng được nhiều người biết đến, không nghĩ rằng mình sẽ đạt giải.”

Cô giáo Chu Thị Mai Ly đang chia sẻ về sáng kiến của mình tại Hội thảo.

Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm như chi phí thấp, dễ làm, cấu tạo đơn giản … chiếc máy này có một nhược điểm chưa khắc phục được là cửa thùng quay chè còn chưa gắn được cố định. Đây cũng là động lực để cô giáo Ly tiếp tục nghiên cứu để sớm cho ra chiếc máy phiên bản 2.0.

THEO NGUYỄN TUÂN

(INFONET) 

See this gallery in the original post