Sáng kiến cộng đồng

View Original

Lan tỏa tình yêu thương

Sáng kiến “Giao lưu lòng yêu thương - thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy" cho học sinh khối 1, 2, 3 tại các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với mong muốn giúp các em có kỹ năng chăm sóc và bảo vệ bản thân, thói quen tốt về lòng nhân ái, góp phần lan tỏa tình yêu thương đến mọi người...

Sáng kiến này được đánh giá cao tại cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng" năm 2020 do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm Trương Thị Kim Hoa (thứ hai từ trái sang), Chủ nhiệm sáng kiến “Giao lưu lòng yêu thương - thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” nhận giải Khuyến khích trong cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” năm 2020.

Thực hành tình yêu thương

Trong những năm qua, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã hào hứng thực hiện sáng kiến “Giao lưu lòng yêu thương - thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” cho học sinh khối 1, 2, 3. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm Trương Thị Kim Hoa - chủ nhiệm sáng kiến, đây là một sáng kiến xuất phát từ thực tế tại địa phương.

 "Cách đây 7 năm, khi một học sinh lớp 5, do thiếu kỹ năng sống, suýt nữa bị xâm hại, lạm dụng đến cơ thể. Hơn nữa, qua chương trình sàng lọc phát hiện bệnh dậy thì sớm dành cho học sinh lớp 4, 5, chúng tôi nhận thấy trẻ chưa có thói quen tốt về vệ sinh cơ thể, những nếp sinh hoạt chưa khoa học của trẻ đã dẫn đến những thói quen xấu. Với những vấn đề tâm lý bị xáo trộn, khi chuyển từ tuổi thơ ấu sang giai đoạn đầu của vị thành niên, nhất là sự thay đổi của cơ thể, trẻ rất cần được quan tâm, định hướng và nuôi dưỡng bằng lòng yêu thương của gia đình, nhà trường. Điều này cũng rất phù hợp với 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng", bà Trương Thị Kim Hoa nói.

Sau 4 năm thực hiện, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm chính thức xây dựng sáng kiến “Giao lưu lòng yêu thương - thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” với mục tiêu chính là hướng dẫn học sinh thực hành 5 điều Bác Hồ dạy gắn với lòng yêu thương trong học tập, trong gia đình và trong xã hội; qua đó, định hướng cho các em hình thành văn hóa ứng xử đẹp tại gia đình, nhà trường và nơi công cộng.

Thời gian dành cho mỗi buổi giao lưu không nhiều (60-70 phút) có nội dung chia sẻ câu chuyện của lòng yêu thương với việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Trong mỗi buổi giao lưu cũng đưa ra những câu chuyện gần gũi với các em về chăm sóc, vệ sinh cơ thể đúng cách; chế độ dinh dưỡng, kỹ năng phòng tránh xâm hại, lạm dụng. Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, sau mỗi buổi giao lưu, nhiều học sinh vẫn ngồi lặng yên dưới sân trường. Các em muốn chương trình kéo dài hơn để được lắng nghe, được chia sẻ nhiều hơn. Những câu chuyện bổ ích đã đưa các em đến thế giới an toàn hơn, yêu thương hơn.

Đã có hơn 8.000 lượt học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được tham gia sáng kiến “Giao lưu lòng yêu thương - thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”. Qua những câu chuyện giao lưu, các em biết thực hành 5 điều Bác Hồ dạy trong gia đình, nhà trường và cả ngoài xã hội... Chị Nguyễn Thúy Hạnh có con học lớp 3, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho hay: "Tôi rất mừng là sau quá trình tham gia sáng kiến, con tôi đã nhìn nhận cuộc sống theo hướng nhân văn hơn; biết được cách vệ sinh cơ thể đúng cách, chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh, dành thời gian vận động thể dục...". 

Sáng kiến vì cộng đồng

Sáng kiến “Giao lưu lòng yêu thương - thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” năm 2020. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: “Sáng kiến này có giá trị nhân văn rất lớn. Thông qua những câu chuyện, tiểu phẩm, tình huống, bằng diễn xuất của giáo viên, học sinh, phụ huynh đã chuyển tải những thông điệp thật sự gần gũi, mang lại hứng thú, giúp học sinh có những bài thực hành thiết thực. Chúng tôi sẽ xây dựng chuyên đề, khuyến khích mỗi giáo viên tự sáng tạo, tiếp tục nhân rộng sáng kiến “Giao lưu lòng yêu thương - thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” để cô, trò cùng chia sẻ, sáng tạo và áp dụng vào sinh hoạt ngay tại lớp học, tại nhà và xã hội, giúp các em hình thành thói quen tốt, tích cực”.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm Trương Thị Kim Hoa mong muốn sáng kiến này được nhân rộng ra các địa bàn khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau khi hoạt động của sáng kiến kết thúc, nhiều trường đã có những cách thức khác nhau để tiếp tục đưa nội dung này vào sinh hoạt của lớp học, sinh hoạt dưới cờ; các câu chuyện được các em chia sẻ cho gia đình, bạn bè. Từ đó sẽ lan tỏa giá trị yêu thương đến tất cả mọi người, vì tương lai của trẻ em, gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhận xét về sáng kiến này, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, sáng kiến đã đáp ứng tính thời sự, cấp thiết, có phạm vi ứng dụng trên diện rộng, giúp đem lại những giá trị, hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội. Do vậy, sáng kiến này cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và nhân rộng.

THEO THU HẰNG

(Báo Nhịp sống Hà Nội)

See this gallery in the original post