Sáng kiến cộng đồng

View Original

Máy bẫy chuột liên hoàn: Câu chuyện về nhà sáng chế ngồi xe lăn

Dành hai thập kỷ để tìm hiểu về loài chuột và những tập tính của nó, ông Lê Đức Hiền ở Đồng Nai đã có sáng chế ‘máy bẫy chuột liên hoàn’, một trong những giải pháp hữu hiệu để có thể gạt bỏ mối lo về chuột. Muốn bắt chuột phải hiểu chuột.

Ở Việt Nam, không thiếu người nông dân có những sáng kiến tự phát tìm ra những cách hay lạ để diệt chuột, nhưng với ông Lê Đức Hiền – tác giả của sáng chế Bẫy chuột liên hoàn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0020425 được công bố ngày 25/02/2019, lại là một trường hợp khác biệt. Dường như, ông không chỉ là nhà sáng chế đơn thuần mà còn là… nhà “nghiên cứu chuyên sâu về chuột”. Qua cách ông trao đổi, người ta có thể cảm nhận là ông đã phải bỏ nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu để có kiến thức khá sâu về từng đặc tính của loài chuột, từ tập tính sinh sống của chúng, đến những cách chúng thông tin báo hiệu cho nhau như: tiếng chuột gọi bầy, khác tiếng chuột gọi tình (đực cái), tiếng báo nơi có thức ăn, khác tiếng báo động có nguy hiểm, hoặc tiếng chúng đe dọa đối thủ, khác tiếng cảnh báo vùng lãnh địa v.v… Tất cả những hiểu biết ấy, ông Đức Hiền có được là nhờ tra cứu tài liệu và thực tế quan sát, nghiên cứu tập tính của loài chuột, cùng những suy luận được chứng minh khi tìm giải pháp để giải quyết những khó khăn trong lúc chế tạo, khảo nghiệm và cải tiến nhiều loại bẫy chuột… Ông lấy đó làm cơ sở để chế tạo ra sản phẩm ‘máy bẫy chuột liên hoàn’ với tám phiên bản khác nhau như kiểu BC.1 đạt giải khuyến khích Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai, kiểu BC.3 được trao Cúp vàng Techmart 2005 và kiểu BC.5 được cấp Bằng sáng chế độc quyền, đến nay là kiểu BC.8 cải tiến.

Ông Hiền bên chiếc máy bẫy chuột BC5.

Ông Lê Đức Hiền cho biết, từ những năm 1990, ông và gia đình đã thành lập Doanh nghiệp điện máy Đức Hiền (nay là Công ty của Người khuyết tật Đức Hiền) và có một cửa hàng sửa chữa, kinh doanh đồ điện tử ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Khi ấy, trong nhà ông có nhiều sách và cửa hàng có nhiều hàng hóa máy móc thường bị chuột cắn phá, làm ổ, gây nhiều thiệt hại và rất khó chịu… Lại nghe những thông tin về vấn nạn chuột phá hoại mùa màng, kho xưởng và gây dịch bệnh ở nhiều nơi, ông cảm thấy bức xúc về loại gặm nhấm tai hại này.

Ông Hiền nói: “Để diệt chuột từ xưa đến nay người ta đã làm rất nhiều cách: ngoài thì xông khói, đào hang, săn bắt, đánh bẫy, bỏ bã thuốc độc… còn trong nhà thì nuôi mèo, đặt các loại bẫy, keo dính, máy tần số đuổi chuột… Đa số kém hiệu quả, tốn công đi thăm và đặt bẫy, khó sử dụng và bảo trì, thậm chí thuốc bả độc còn gây nguy hiểm cho người và vật nuôi, làm ô nhiễm môi trường do chuột chết hôi thối trong các góc kẹt... Do vậy, ông Hiền mới quyết tâm nghiên cứu tìm ra một cách khác biệt để diệt chuột rất hiệu quả, độc đáo và an toàn.

Máy bẫy chuột liên hoàn - BC.5 nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, đặc biệt người dân sống tại vùng nông thôn. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN.

Thời chưa có internet phổ biến, ông đọc nhiều sách và xem các video nghiên cứu tài liệu về chuột từ nhiều nguồn, đồng thời làm nhiều khảo nghiệm để chứng minh các suy luận về tập tính và thói quen sinh hoạt của chúng. Ông Hiền nói “muốn bắt chuột phải hiểu rõ về chúng”. Nhận thấy, loài chuột rất tinh quái, đa nghi, nhưng lại ưa tò mò, cắn phá và rất tham ăn, nên ông nghĩ cách tạo ra chiếc bẫy, vừa có thể kích thích tính tò mò, vừa khiến chúng bị hấp dẫn bởi đồ ăn nhưng vẫn cảm thấy không nghi ngờ để tìm đến và chui vào bẫy. Sau thời gian nghiên cứu, chiếc máy bẫy liên hoàn ra đời, dẫn dụ chuột tìm đến bẫy bằng âm thanh từ tiếng chuột gọi mồi, với cơ chế rải mồi tự động, cùng cấu trúc các lớp lồng và cửa bẫy độc đáo đã ra đời.

Lần đầu tiên thử nghiệm, chiếc bẫy liên hoàn của ông bắt được một lúc 7 con chuột trong một lần đặt bẫy. Từ chiếc bẫy đầu tiên mà ông đặt tên là ‘bẫy chuột liên hòa BC.1’ để đi tham dự cuộc thi Sáng tạo KHKT của tỉnh Đồng Nai và được trao giải khuyến khích năm 1990. Ông có thêm cơ sở và động lực để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thêm về loại chuột kỹ càng hơn. Ông Hiền nói: “Khi chưa có camera, tôi dùng bột rải trên nền nhà để xem dấu chân chuột và đường chạy của chúng, đặt nhiều loại mồi khác nhau để tìm ra loại chúng ưu thích, những loại chúng nghi ngờ. Sau này lắp camera, tôi thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu các thói quen và đặc tính tha trữ, ăn mồi và cắn phá của chúng, cũng như quan sát và nghiên cứu chứng minh những khảo nghiệm về các kiểu loại âm thanh tiếng chuột, về những tập tính sinh hoạt bầy đàn, làm ổ, sinh sản v.v… của chúng".

Bắt chuột cả đàn

Nhờ sự hiểu biết về loài chuột, chiếc bẫy của ông Lê Đức Hiền có thể bắt liên tiếp một lúc cả đàn chuột, nên ông đặt tên là ‘máy bẫy chuột liên hoàn’. Ông khẳng định, nếu đặt bẫy trong nhà, chỉ đêm thứ nhất là có thể bắt hơn 80% bầy chuột, đến đêm thứ hai là bắt hết những con còn sót lại (do đêm trước nó sợ các con chuột lớn trong bầy hoặc không tìm đến bẫy). Ông đã thử nghiệm nhiều lần cách để xem loài chuột có biết và sợ bị bẫy hay không, bằng cách chặt đuôi để đánh dấu rồi thả ra, và theo dõi từ 3 đến 5 ngày kế tiếp sau đó. Ông thấy những con chuột bị cắt mất đuôi hôm trước vẫn vào lại bẫy như thường. Điều ấy khiến ông khẳng định niềm tin rằng “cơ cấu đặc biệt của bẫy chuột liên hoàn khiến chuột không nghi ngờ bị bắt là do vào bẫy, nên chúng vẫn không sợ mà tiếp tục tìm vào”.

Máy bẫy chuột liên hoàn được thiết kế gồm có ba lồng chính là lồng bẫy, lồng chờ, lồng nhốt và thêm một lồng phụ là lồng chứa, khi cần bẫy nhiều chuột ở ngoài đồng. Khi chuột nghe thấy tiếng bầy đàn gọi mồi phát ra từ chiếc máy và thấy mồi (do bộ phận trữ và rải mồi đã tự động rải mồi sẵn) sẽ tìm vào lồng bẫy kiếm ăn và bị hệ thống cảm biến của bộ điều khiển máy bẫy sập cửa nhốt lại. Do chuột còn sống nên tìm đường chạy, nhưng không thể chui ngược lại được vì cửa bẫy là loại cửa bản lề một chiều. Vì vậy buộc chuột phải chui theo chiều thuận của cửa để qua các khoang lồng chờ, lồng nhốt rồi đến nơi cuối cùng là bị giam trong lồng chứa mà chuột vẫn còn sống và không bị thương tích máu me.

Đồng thời với lúc chuột tìm đường chạy và khi đã chui qua lồng nhốt, thì chuột cũng kích hoạt lại hệ thống cảm biến của bộ điều khiển máy bẫy làm mở lại cửa bẫy, đồng thời cũng kích hoạt lại bộ phận trữ và rải mồi cùng bộ phận tiếng chuột mồi tiếp tục hoạt động. Cứ như vậy máy bẫy chuột liên hoàn tự động cài đặt, rải mồi, gọi chuột và bẫy liên tục cho đến khi hết chuột ở nơi đấy.

Mặt khác, nhờ theo dõi những clip được quay, ông Đức Hiền nhận ra, loài chuột tuy sống theo bầy đàn nhưng mỗi gia đình chuột có lãnh địa riêng. Trong đa số lần, con cái luôn xông xáo đi tìm mồi và bị dính bẫy trước, thường là trong 10 con vào bẫy thì có đến 7 con cái vào bẫy trước con đực. Vì vậy ông lập luận, có lẽ tập tính của sinh vật giống cái là luôn siêng năng kiếm mồi vì phải chửa đẻ nuôi con, còn giống đực thì ham chơi và lười kiếm ăn hơn? Đến khi hai hoặc ba con chuột đã vào bẫy và cắn nhau phát ra tiếng kêu, bẫy sẽ hoạt động sập liên tục do những con khác bên ngoài bị kích thích tiếp tục tìm đến và chui vào bẫy. Ông Hiền lý giải: ‘Có lẽ khi chuột nghe tiếng đồng loại cắn nhau, theo tập tính động vật mỗi khi cắn nhau thường là do tranh ăn, tranh tình hoặc dành chỗ. Bởi loài chuột dẫu tinh ranh, đa nghi, nhưng lại có tính tò mò, nên khi nghe tiếng cắn nhau là bị kích thích và tìm đến nơi để thám thính, thấy mồi bày sẵn mà không thấy con chuột nào bị dính trong bẫy (do đang bị nhốt trong lồng chứa), chỉ nghe tiếng đồng loại dành nhau, và theo tập tính kinh nghiệm, chúng bị kích thích chui tiếp vào xem cái gì nữa vậy?” Nhờ những nghiên cứu kỳ công như vậy, những mẫu ‘máy bẫy chuột liên hoàn’ về sau của ông ngày càng hoàn thiện và tăng thêm hiệu quả bắt chuột.

Tiềm năng thương mại hóa cao

Hai thập kỷ nghiền ngẫm về giải pháp đối phó với lũ chuột, ông Đức Hiền không chỉ có được tới tám phiên bản ‘máy bẫy chuột liên hoàn’. Đến nay sản phẩm vẫn chưa ra thị trường được bởi nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan.

Lý giải về điều này, ông Đức Hiền giải thích: “Mặc dù đã có khá nhiều khách muốn đặt hàng để sử dụng và cả những đề nghị muốn làm đại lý phân phối sản phẩm ở nhiều nơi, nhưng khi ấy do chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên tôi sợ bị làm nhái. Hiện tôi muốn đầu tư để sản xuất qui mô công nghiệp, cho ra sản phẩm tốt đồng đều chất lượng, với giá bán dự kiến một chiếc máy bẫy chuột liên hoàn sẽ bằng khoảng 30-40 giá của miếng keo dính chuột trên thị trường".

Vì vậy, ông Hiền muốn tìm kiếm một đối tác có năng lực để cùng hợp tác sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường cả trong nước và quốc tế. Thậm chí nếu giá hợp lý, ông cũng có thế bán bản quyến sáng chế cho đơn vị có năng lực, để máy bẫy chuột liên hoàn sớm được ra thị trường, trổ tài bắt chuột giúp cộng đồng.

Chiến lược kinh doanh cho sản phẩm sau khi tìm được đối tác sản xuất cũng được ông Hiền tính sẵn: “Tôi sẽ lập các đội nhóm đi đánh bắt chuột thử nghiệm và miễn phí ở một vài công viên, bệnh viện hoặc nhà hàng để chứng minh hiệu quả. Tôi tin với cách quảng bá thực tế như vậy, cùng những bằng khen cúp vàng đã được trao thì sản phẩm máy bẫy chuột liên hoàn sẽ ‘hữu xạ tự nhiên hương’ mà lan tỏa.

Ông dự kiến sẽ chia sẻ hướng dẫn bản thiết kế các kiểu lồng bẫy trên internet, để ai cũng có thể tự chế, còn phía ông sẽ tập trung vào nghiên cứu và bán bộ điều khiển có phần chip dẫn dụ và bắt buột. Ông tin rằng điều đó sẽ giúp doanh nghiệp – nơi mà chỉ có người khuyết tật làm việc - giảm bớt gánh nặng liên quan đến sản xuất phần cứng và tập trung sản xuất những phần nhỏ gọn và hiệu quả hơn.

Chiếc bẫy của ông Lê Đức Hiền có thể bắt liên tiếp một lúc cả đàn chuột, nên ông đặt tên là ‘máy bẫy chuột liên hoàn’. Nếu đặt bẫy trong nhà, chỉ đêm thứ nhất là có thể bắt hơn 80% bầy chuột, đến đêm thứ hai là bắt hết những con còn sót lại (do đêm trước nó sợ các con chuột lớn trong bầy hoặc không tìm đến bẫy).

Thông tin chi tiết xin liên hệ: Ông Lê Đức Hiền, số điện thoại 0918214264 hoặc email ctduchien@gmail.com.

THEO BÍCH NGỌC

(Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)

See this gallery in the original post