Sáng kiến cộng đồng

View Original

Người dân đề xuất sáng kiến nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu

Cuối tháng 8 – đầu tháng 9/2021, Ban Quản lý Dự án VOF tại Sơn La đã hỗ trợ cây giống, vật nuôi cho nông dân bản Thín (Xuân Nha, Vân Hồ) và bản Phé A (Tông Cọ, Thuận Châu) để phát triển mô hình nông nghiệp ứng phó tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại địa phương.

Cụ thể, với gói tài trợ trị giá 60 triệu đồng cho mỗi bản, Dự án đã và sẽ cam kết hỗ trợ 1.750 cây vải giống, tương đương với diện tích canh tác 5 ha cho bản Thín và 30 con dê giống cho bản Phé A.

Bản Thín là bản có nhiều diện tích đất canh tác trên đồi núi trọc và cây nông nghiệp ngắn ngày trồng trên đất dốc không hiệu quả. Tình trạng BĐKH với nắng nóng kéo dài và lượng mưa lớn trong thời gian ngắn khiến cho đất đai tại bản Thín bị xói mòn, rửa trôi, sạt lở khá nhiều trong thời gian qua. Do đó, nhóm Nông dân ứng phó BĐKH tại bản Thín đã đề xuất với Dự án VOF để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững. Cụ thể, các diện tích đồi trọc, canh tác không hiệu quả sẽ chuyển sang trồng vải thiều theo mô hình nông lâm kết hợp định hướng hữu cơ (vải xen lạc, cỏ ngọt). Khi vải cho thu hoạch, các hộ sẽ hoàn trả vốn cho dự án, lấy nguồn kinh phí đó tiếp tục hỗ trợ các hộ khác trong bản. Chính Nhóm nông dân ứng phó sẽ điều phối việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều, từ đó tạo cơ chế sản xuất nhóm và hướng tới hình thành Hợp tác xã.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này không chỉ phù hợp với định hướng chung của xã, huyện. Canh tác nông lâm kết hợp còn giúp phủ xanh cho đất, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới do khô hạn và chống xói mòn, sạt lở. Vải là một trong số ít giống cây trồng phù hợp với khí hậu nóng của bản Thín, vì vậy hứa hẹn phát triển và cho năng suất tốt. Hơn nữa, do diện tích vải trồng tại khu vực Tây Bắc không nhiều, sản phẩm sẽ dễ dàng tiêu thụ với giá cao. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất dốc sang trồng vải theo mô hình nông lâm kết hợp vừa đóng góp tích cực vào thích ứng, giảm thiểu BĐKH, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Bản Phé là vùng trũng nhất của huyện Tông Cọ (Sơn La), nơi thường xuyên bị ngập lụt trong những năm gần đây do ảnh hưởng của BĐKH. Từ những diện tích trồng lúa bị ngập úng, người dân Phé A chuyển sang trồng cỏ voi làm thức ăn gia súc, với lượng cỏ dư thừa sau chăn nuôi bò rất thích hợp để nuôi dê. Do đó, Nhóm Nông dân ứng phó bản Phé A đã đề xuất Dự án tài trợ dê giống bản địa để nuôi lấy thịt, phát triển thêm kinh tế cho các hộ gia đình. Dê là loài sinh trưởng nhanh, và người dân có thể áp dụng các kỹ thuật ủ phân đã được tập huấn từ Dự án để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và giảm lượng phát thải từ chăn nuôi dê ra môi trường.

Để nhận được gói tài trợ trị giá 60 triệu đồng/sáng kiến nông nghiệp địa phương, mỗi nhóm Nông dân ứng phó gồm 10 thành viên tiên phong của bản làng đã làm việc cùng nhau, vận dụng các kiến thức, kỹ năng được Dự án tập huấn để cùng phác thảo một bản đề xuất tài trợ với mục tiêu, kế hoạch, dự toán tài chính cụ thể. Thông qua hoạt động này, người nông dân không chỉ được hỗ trợ về nguồn giống để phát triển các sáng kiến nông nghiệp, mà còn được nâng cao năng lực để trở thành các hạt nhân chủ động, tích cực của cộng đồng trong việc ứng phó với các tác động của BĐKH tại địa phương.

Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối, giám sát, đào tạo, truyền thông và báo cáo các hoạt động của Dự án.

THEO PAN NATURE

See this gallery in the original post