Từ những sáng chế không chuyên
Ở nước ta hiện nay, ngoài các nhà khoa học chuyên nghiệp, còn có một lực lượng các “nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học không chuyên” khá lớn.
Họ là những nông dân, thợ thủ công, thợ kỹ thuật…, hầu hết chỉ học phổ thông. Dù vậy, rất nhiều sáng chế, sáng kiến của họ đã đem lại lợi ích vô cùng to lớn phục vụ cho cộng đồng và xã hội. Điều lý thú, những sáng chế, sáng kiến của những “nhà khoa học chân đất” trước hết đều xuất phát từ nhu cầu cải tiến sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động của chính họ. Sau khi được thực tế kiểm chứng, những sản phẩm, sáng chế đó mới được phổ biến rộng rãi.
Số liệu của Vụ Phát triển KH-CN địa phương (thuộc Bộ KH-CN) cho biết, từ năm 2016-2020, cả nước có 781 sáng kiến, sáng chế được phát hiện và ghi nhận thông qua các cuộc thi khác nhau từ Trung ương đến địa phương.
Nhiều sáng chế, sáng kiến có hiệu quả, khả thi và ứng dụng ngay vào sản xuất để giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đó là nhà sáng chế Phạm Văn Hát (Hải Dương) với “Máy gieo hạt tự động”, thay thế phần việc của 40 người, hiện có bán tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và 14 nước trên thế giới;
Nhà sáng chế Tạ Đình Huy (Hà Nội) với “Máy nông nghiệp đa năng”, tích hợp 15 chức năng như cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo hàng để gieo hạt, tạo luống, tời kéo nông, lâm sản, đảo phân vi sinh...;
Nhà sáng chế Lê Hữu Minh (Thừa Thiên - Huế) với chiếc máy ép dầu đậu phộng, dầu mè bằng thủy lực, hoạt động với công suất ép 1,5 tấn đậu phộng/ngày, có giá thành rẻ, tiết kiệm nhân công;
Nhà sáng chế Trần Kim Hiệp (Quảng Ngãi) với chiếc máy bóc, lột vỏ keo lưu động có thể thay thế cho 6 công lao động;
Nhà sáng chế Nguyễn Văn Rô (Cà Mau) với máy cày siêu nhẹ, có thể nổi trên mặt nước, dễ dàng di chuyển trong vùng kênh rạch ở Tây Nam bộ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích;
Nhà sáng chế Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) với chiếc máy nông nghiệp chuyên tuốt hạt vừng, rau đay, rau muống, hiện đang bán ở một số tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang Campuchia…
Theo Bộ KH-CN, hiện nay nhiều địa phương đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng kiến, sáng chế phù hợp với tình hình của địa phương. Tuy nhiên, so với tiềm năng sáng tạo, khả năng nhân rộng và nhất là việc tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ để các sáng chế, sáng kiến này hoàn thiện được quy trình công nghệ, bảo hộ được tài sản trí tuệ (bản quyền), sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hóa được sản phẩm ra thị trường… thì những cơ chế, chính sách hiện có là chưa đủ, nếu không nói là còn thiếu và yếu.
Các nhà sáng chế không chuyên gần như “tự bơi” với ý tưởng, sản phẩm của mình cho đến khi có kết quả, được xã hội thừa nhận. Vì vậy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả hơn để động viên, khuyến khích năng lực sáng tạo của lực lượng này. Bởi chính những sáng kiến, giải pháp hữu ích của các nhà “khoa học chân đất” luôn góp phần giải phóng mạnh mẽ sức lao động của người dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đóng góp một phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
THEO TRẦN LƯU