Người dân quê Bác khá giả nhờ trồng sen
Ngoài việc tạo ra cảnh quan xanh mát, làm nên vẻ đẹp riêng, việc trồng sen ở quê Bác còn đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp người dân khấm khá trên chính mảnh đất quê hương mình
Những ngày đầu tháng 8-2022, chúng tôi về thăm quê Bác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Đi tới đâu cũng bắt gặp những đầm sen xanh ngát - hình ảnh mà nhiều năm trước khó thấy được.
Xây thương hiệu "Sen quê Bác"
Theo người dân nơi đây, cây sen đã gắn bó với họ bao đời nay. Tuy nhiên, có một giai đoạn do trồng sen không mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi cá. Từ năm 2018, nhận thấy việc nuôi cá tuy có lợi trước mắt nhưng lại gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan truyền thống của quê Bác nên chính quyền địa phương đã tuyên truyền và vận động người dân trong toàn xã chuyển tất cả ao, hồ nuôi cá sang trồng sen. Ngoài ra, một diện tích ruộng lúa cũng được người dân chuyển sang trồng cây sen.
Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Sen quê Bác được thành lập với mục tiêu đẩy mạnh trồng sen trên địa bàn xã Kim Liên. Hiện HTX Sen quê Bác đã khảo nghiệm, bảo tồn, trồng chăm sóc 125 giống sen. Trồng tại ruộng khoảng 30 giống, trong đó có 27 giống nội địa và nhập ngoại chủ yếu trồng lấy hoa, một số giống lấy lá, thân, củ... Ông Phạm Kim Tiến, Chủ tịch HĐQT HTX Sen quê Bác, cho biết sau nhiều năm gắn bó với cây sen, ông đã đi khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, ra cả nước ngoài để vừa tìm hiểu kỹ thuật canh tác vừa tìm kiếm cây giống và đã đưa hơn 50 giống sen từ mọi vùng miền khác nhau về trồng tại Kim Liên. "Việc đưa nhiều giống sen về trồng trên quê Bác ngoài mục đích tạo ra giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập của người trồng sen còn có ý nghĩa xây dựng nơi đây trở thành điểm hội tụ hương sắc của các giống sen từ mọi miền đất nước" - ông Tiến khẳng định.
Nhờ đưa về nhiều giống sen mới nên việc phát triển trồng sen nơi đây không những tạo cảnh đẹp đặc trưng cho quê Bác mà còn mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định, làm giàu trên vùng đất quê hương. Ông Nguyễn Văn Hùng (67 tuổi; ngụ xóm Sen 2, xã Kim Liên) cho biết: "Nhà tôi hiện trồng 1,5 ha sen các loại, mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ bán các sản phẩm sen. Trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần trồng lúa". Cũng theo ông Hùng, tại xã Kim Liên, không riêng gia đình ông mà rất nhiều gia đình khác có cuộc sống ổn định nhờ trồng sen. "Cây sen gắn bó với gia đình tôi bao đời nay rồi. Nhờ trồng sen mà tôi có thể nuôi con ăn học, trưởng thành. Cây sen đã thực sự giúp gia đình tôi có thu nhập tốt…" - ông Hùng thông tin.
Gắn với phát triển du lịch sinh thái
Gần đây, diện tích trồng sen ở huyện Nam Đàn ngày càng được mở rộng. Về quê Bác hôm nay, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đầm sen đang nở rộ hoa; ngỡ ngàng, quyến luyến với vẻ đẹp của sen; thưởng thức vị trà thơm mát, ngọt lành từ hoa sen và các hạt sen sấy giòn tan. Cây sen đã mang đến cơ hội phát triển kinh tế du lịch cho địa phương khi nơi đây đang trở thành địa điểm hấp dẫn du khách; ngày càng nhiều đoàn du khách về huyện Nam Đàn thưởng ngoạn không gian yên bình, thưởng thức các chế phẩm từ sen. Chị Nguyễn Thị Thủy, du khách đến từ Hà Nội, bày tỏ: "Về quê Bác thích nhất là được đi trên những con đường hai bên là những đầm sen xanh, được hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên đồng quê thơm ngát hương sen".
Ông Nguyễn Quang Lộc - Chủ tịch UBND xã Kim Liên, huyện Nam Đàn - cho biết những năm qua, gắn với việc xây dựng Kim Liên trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, chính quyền đã chỉ đạo người dân mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn. Việc trồng sen đã tạo nên cảnh quan xanh - sạch - đẹp - thân thiện; giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của làng quê ở Kim Liên, thực sự gắn với tên gọi "Làng Sen quê Bác". Ngoài ra, địa phương tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ sen để phục vụ khách tham quan và phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - khẳng định huyện sẽ nghiên cứu lựa chọn sản phẩm chiến lược từ sen để đầu tư phát triển, hướng đến mục tiêu xuất khẩu; phát triển ẩm thực từ sen, đặc biệt là kết hợp với du lịch sinh thái để mỗi du khách về quê Bác được chiêm ngưỡng những cánh đồng sen xanh ngát tỏa hương và thưởng thức những sản phẩm sen có hương vị riêng của vùng đất này.
Xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen
Hiện tại, xã Kim Liên trồng 3 giống sen chính: sen cổ màu hồng, sen trắng và sen vàng. Các sản phẩm từ cây sen ở đây rất đa dạng, có 13 loại sản phẩm được chế biến từ cây sen: trà lá sen, trà hoa sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen, kim chi sen, củ sen muối... Mục tiêu lâu dài của HTX Sen quê Bác là cung cấp giống sen cho cả nước, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen đạt OCOP từ 3 - 5 sao. Hiện HTX đã có 9/12 sản phẩm đạt OCOP; trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao; phấn đấu trong năm 2022 có 2 sản phẩm đạt 5 sao là trà ướp bông sen và trà tâm sen.
"Hiện tại, các sản phẩm từ cây sen quê Bác đã có mặt ở nhiều thành phố lớn: Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng... và xuất khẩu sang một số nước. Bình quân mỗi năm doanh thu cho HTX khoảng 15 tỉ đồng" - ông Phạm Kim Tiến phấn khởi.
Ngoài việc trồng, sản xuất những sản phẩm từ cây sen, HTX Sen quê Bác còn cung cấp giống, trồng sen tại các đình, đền, chùa, resort, khu nghỉ dưỡng; thiết kế, tạo cảnh quan từ sen cho nhiều khách hàng trên cả nước.
THEO ĐỨC NGỌC