Sáng kiến cộng đồng

View Original

'Hữu cơ hóa' nông nghiệp với sản phẩm vi sinh

Ứng dụng chế phẩm vi sinh vào nông nghiệp ở Vĩnh Phúc đang cho thấy hiệu quả kép cả về kinh tế và môi trường.

Hữu hiệu xử lí rơm rạ tại ruộng

Năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phát và hỗ trợ và người dân đối ứng mua 56 tấn chế phẩm vi sinh Lacto Powder T để xử lý rơm rạ, hơn 84 tấn chế phẩm và 1.350 tấn đệm lót để xử lý môi trường trong chăn nuôi. Đây là những tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, tạo bước tiến mới cho sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc.

Ngày càng nhiều mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vào trồng trọt, chăn nuôi, xử lý hiệu quả phụ phẩm trong nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh.

Cụ thể, về ứng dụng chế phẩm vi sinh vào trồng trọt, Vĩnh Phúc đã triển khai thực việc sử dụng chế phẩm Lacto Powder T trên quy mô 2.000 ha tại các địa phương như: Thành phố Vĩnh Yên (50 ha), Thành phố Phúc Yên (50 ha), huyện Lập Thạch (300 ha), huyện Tam Dương (200 ha), huyện Tam Đảo (200 ha), huyện Bình Xuyên (200 ha), huyện Yên Lạc (400 ha), huyện Vĩnh Tường (400 ha) và huyện Sông Lô 200 ha.

Chỉ sau một vụ mùa, hiệu quả đã được thấy rõ. Chế phẩm vi sinh Lacto Powder T giúp nông dân xử lý gốc rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ ngay tại chân ruộng lúa. Với thành phần chủ yếu là các chủng nấm đối kháng và các vi sinh vật, chế phẩm vi sinh Lacto Powder T đã làm đất tơi xốp, tăng độ mùn cho đất, xử lý các nấm bệnh, chống ngộ độc hữu cơ sau khi cấy, giúp cây lúa phát triển tốt.

Xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường là một trong những địa phương được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc triển khai hỗ trợ trên diện tích 70 ha của khoảng 600 hộ dân.

Nông dân Vĩnh Phúc phấn khởi trước hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm vi sinh vào xử lý rơm rạ, giúp vụ mùa bội thu. Ảnh: Hoàng Anh.

Nông dân thực hiện mô hình ở xã Ngũ Kiên cho biết, trước đây theo thói quen thâm canh, bà con sản xuất liên tục trên một thửa ruộng và sau thu hoạch thường không xử lý rơm rạ hoặc xử lý không triệt để và kịp thời trên ruộng, dẫn đến quá trình phân hủy của rơm rạ chậm. Đó là nguyên nhân khiến cây lúa ở vụ sau thường bị vàng lá, rễ thâm đen, sinh trưởng và phát triển kém.

Kể từ khi dùng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, cho thấy chỉ sau 10-15 ngày ngâm gốc rạ, chế phẩm Lacto Powder T giúp đất mềm hơn, dễ cấy, cây lúa không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt mà hoàn toàn không bị sâu bệnh, cỏ dại.

Đặc biệt, sử dụng chế phẩm Lacto Powder T đã giảm được 30% lượng phân bón, năng suất lúa cũng tăng từ 50 - 80 kg mỗi sào.

Lời giải cho xử lý chất thải chăn nuôi

Hiệu quả của chế phẩm Lacto Powder T cũng được thể hiện rõ trên các mô hình chăn nuôi giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh.

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Cháng ở thôn Phú Cường, xã Tứ Yên, huyện Sông Lô với mô hình chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo bò thịt trên khu chuồng nuôi rộng hơn 1.500 m2.

Theo anh Cháng, trước đây mô hình chăn nuôi của gia đình chịu áp lực rất lớn từ vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặc dù đã tìm nhiều giải pháp như thuê nhân công thu dọn nhiều lần trong ngày cho đến xây hầm biogas nhưng vẫn không thể xử lý được triệt để. Vậy mà kể từ khi sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót, bài toán này đã có lời giải.

Cách làm của anh Cháng là dùng đệm lót (chủ yếu là trấu và mùn cưa), sử dụng men vi sinh EM, chế phẩm Lacto Powder T phối trộn để tạo ra vi sinh vật có ích cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi.

Chế phẩm vi sinh đã phân giải chất thải làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn. Từ chỗ chất thải chăn nuôi là vấn đề nhức nhối, bây giờ lại trở thành nguồn phân bón hữu cơ giúp gia đình anh có thêm thu nhập.

Ưu tiên cơ chế, chính sách cho việc ứng dụng chế phẩm sinh học, Vĩnh Phúc đã giải quyết hiệu quả áp lực chất thải trong chăn nuôi. Ảnh: Hoàng Anh.

Tương tự, mô hình chăn nuôi gà, vịt của gia đình ông Lê Hồng Sang ở xã Phương Khoan, huyện Sông Lô vừa đạt hiệu quả về môi trường vừa giúp gà vịt phát triển tốt, giảm thiểu chi phí đầu vào và có thêm nguồn phân bón hữu cơ cho trồng trọt.

Cách làm của ông Sang là pha chế phẩm vi sinh với nước sạch cho đàn gà uống hằng ngày và phun chế phẩm lên tường, tưới lên nền đệm lót sinh học 2 - 4 ngày/lần. Do chế phẩm sinh học có chứa các nhóm vi sinh vật có lợi nên khi gia cầm uống sẽ kích thích hệ tiêu hóa, thúc đẩy vật nuôi tăng trưởng nhanh và ức chế sự phát triển các vi sinh vật gây hại, vi sinh vật gây mùi hôi có trong quá trình chăn nuôi. Hơn nữa, sau mỗi lần sử dụng, đệm lót sinh học lại trở thành nguồn phân hữu cơ có chất lượng tốt để bón cho cây trồng.

Nền tảng của tư duy nông nghiệp mới

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định về việc hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. Theo đó, Trung tâm đã hỗ trợ người dân thực hiện trên quy mô 7 triệu con gà, 100 nghìn con lợn, 1000 con bò sữa và 1.500 con bò thịt.

Kết quả chương trình cho thấy, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi đã làm giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, bảo đảm an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế từ 9% đến 13% trong chăn nuôi gà, lợn; tăng 14,26% trong chăn nuôi bò so với không sử dụng chế phẩm vi sinh. Đặc biệt, bước đầu đã chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của công tác xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi.

Quan trọng hơn, sự chuyển biến này đã góp phần thay đổi tư duy nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh như: Chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các xã Văn Quán (Lập Thạch), Minh Quang (Tam Đảo), Thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên); thanh long ruột đỏ hữu cơ tại xã Vân Trục (Lập Thạch); rau su su hữu cơ tại xã Hồ Sơn (Tam Đảo); dưa lê hữu cơ ở xã Vân Hội (Tam Dương); lúa gạo hữu cơ tại các xã Tân Phong, Phú Xuân (Bình Xuyên), Yên Phương (Yên Lạc)...

"Hữu cơ hóa" hoạt động chăn nuôi đã giúp Vĩnh Phúc đẩy nhanh được các mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Tất cả những mô hình này đều sử dụng công nghệ vi sinh và cho thấy hiệu quả hết sức rõ rệt. Vụ xuân năm 2021, mô hình sản xuất giống lúa DT 39 Quế Lâm theo quy trình hữu cơ với diện tích 5 ha ở thôn Yên Thư, xã Yên Phương huyện Yên Lạc cho năng suất 64 tạ/ha, ở một số diện tích thâm canh tốt, năng suất đạt 70 tạ/ha.

Chính vì vậy, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo ngành nông nghiệp trong thời gian tới tiếp tục triển khai Quyết định ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh về Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022; triển khai các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận chất lượng hữu cơ trong trồng trọt và chăn nuôi làm cơ sở xây dựng, ban hành quy trình sản xuất, chăn nuôi áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Cách sử dụng chế phẩm Lacto Powder T

Chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi Lacto Powder T có công dụng dùng làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà, bò…, giúp giảm mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi, dùng để xử lý các phụ phẩm nông nghiệp (phân lợn, phân gà, phân trâu, bò, rơm, rạ, thân lá ngô…), phân giải nhanh thành phân hữu cơ, tiêu diệt các nầm bệnh gây hại cho cây trồng.

Đây là sản phẩm do Tập đoàn Quế Lâm liên kết với Tập đoàn Sky Life (Nhật Bản) sản xuất với thành phần nguyên liệu gồm vi khuẩn axit lactic (Lactobacillus fermentum) chiếm 20%, đường trehalose chiếm 30% và bột đậu nành chiếm 50%.

Đối với các mô hình chăn nuôi lợn, cách sử dụng tốt nhất là dùng thức ăn chăn nuôi trộn đều với chế phẩm vi sinh Lacto Powder T theo tỷ lệ 2 kg chế phẩm/tấn. Bảo quản thức ăn ở nơi khô thoáng tối đa là 2 tháng. Hằng ngày, trộn thức ăn hỗn hợp đã bổ sung chế phẩm vi sinh với nước sạch theo tỷ lệ 20 kg thức ăn với 10 kg nước sạch, sau đó đặt vào thùng, ủ 24 - 36 giờ trước khi sử dụng. Sản phẩm sau khi ủ nên sử dụng trong ngày.

Đối với các mô hình trồng lúa, sử dụng men vi sinh trộn lẫn phân hữu cơ bón xử lý rơm rạ sau thu hoạch khoảng 10 ngày. Chế phẩm vi sinh có chứa nấm đối kháng có tác dụng cao trong việc thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, cải tạo đất tốt hơn, chất mùn nhiều hơn, tăng mật độ côn trùng có ích, thời gian hoại mục rơm rạ nhanh hơn và trở thành nguồn phân bón cho đồng ruộng…

THEO HOÀNG ANH - MINH PHÚ

(Hội Nông dân Việt Nam)

See this gallery in the original post