Sáng kiến cộng đồng

View Original

Cơ hội "đổi đời" từ cây quế khi cao dược liệu đã xuất được sang Mỹ

Thành công với việc xuất khẩu cao dược liệu sang Mỹ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị quy hoạch vùng chuyên canh quế hữu cơ với diện tích dự kiến 10.000ha, mang đến cơ hội "đổi đời" cho người dân.

Đời sống khấm khá nhờ cây dược liệu

Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu. Hiện huyện đã xây dựng được vùng chuyên canh trồng cây dược liệu với quy mô trên 150 ha, với các loại cây chủ lực, gồm: Chè vằng, cà gai leo, cây an xoa, nghệ và các cây dược liệu khác. Những năm qua, cây dược liệu đã mang đến nguồn thu nhập khấm khá cho người dân Cam Lộ.

Vườn cây cà gai leo của bà Lê Hồng Nhạn phát triển tốt trên vùng đồi.

Từ năm 2015, bà Lê Hồng Nhạn (trú tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ) bắt tay trồng cà gai leo với mong muốn cung cấp nguồn dược liệu sạch, phân phối rộng rãi tới người tiêu dùng.

Đến nay, bà Nhạn đã phát triển vùng nguyên liệu có diện tích hơn 5 ha. Sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu cà gai leo ổn định, đảm bảo các tiêu chuẩn, cùng với việc đóng gói sản phẩm cây cà gai leo khô bán ra thị trường, gia đình bà Nhạn đã đầu tư dây chuyền sản xuất cao cà gai leo từ nguyên liệu tươi.

"Cây cà gai leo cho thu hoạch mỗi năm 2 lần, với sản lượng mỗi ha đạt hơn 12 tấn cây tươi, sau quá trình phơi khô sẽ thu được 4 tấn, giá bán 70-80 triệu đồng/tấn", bà Nhạn nói.

Hiện doanh thu hàng năm từ sản phẩm cà gai leo của cơ sở bà Nhạn chưa trừ chi phí đạt trên 2,5 tỷ đồng. 

Nhờ trồng cà gai leo - một loại dược liệu quý mà bà con có cuộc sống khấm khá hơn.

"Cơ sở sản xuất cà gai leo cũng tạo việc làm quanh năm cho khoảng 10 lao động địa phương. Mức thu nhập của lao động đạt từ 5-6 triệu đồng, có người 10 triệu đồng/tháng", bà Nhạn cho hay.

Theo ông Trần Luyến - người có 15 năm trồng và chế biến dược liệu, làng nghề dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa có 86 hộ tham gia trồng cây dược liệu. Những năm qua, nhờ trồng và chế biến dược liệu mà đời sống người dân địa phương trở nên khấm khá, nhiều hộ có cơ hội đổi đời, xây nhà to, sắm xe ô tô...

Hiện gia đình ông Luyến trồng hơn 2 ha dược liệu các loại, gồm: Chè vằng, đinh lăng, hà thủ ô, lạc tiên, cây an xoa... Ngoài trồng cây dược liệu, gia đình ông Luyến mở thêm cơ sở chế biến cao dược liệu để xuất ra thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, cơ sở của ông Luyến đã tham gia sản xuất cao dược liệu an xoa để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

"Mỗi năm, thu nhập gia đình từ cây dược liệu đạt khoảng 200-300 triệu đồng. Nhờ cây dược liệu mà kinh tế gia đình khấm khá hơn. Cơ sở của tôi thuê 7 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương từ 5-6,5 triệu đồng mỗi tháng", ông Luyến nói.

Sản xuất cao an xoa xuất khẩu đi Mỹ.

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp, tháng 4/2021, lô dược liệu an xoa đầu tiên của nông dân huyện Cam Lộ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tiếp đó, cuối tháng 12/2021, thêm một tấn cao an xoa của các cơ sở sản xuất ở huyện Cam Lộ được xuất đi Mỹ. Mỗi tấn cao an xoa sẽ mang lại cho người dân khoảng 1,7 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu tích cực đối với người trồng cây dược liệu ở Cam Lộ nói riêng và Quảng Trị nói chung, khi sản phẩm được những thị trường khó tính trên thế giới chấp nhận.

Chuyển đổi cây giá trị kinh tế thấp sang trồng quế

Tận dụng thế mạnh về điều kiện đất đai và khí hậu, từ năm 2022, huyện Cam Lộ sẽ mở rộng và đưa cây dược liệu mới vào trồng, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo tốt khâu chế biến. Đặc biệt, sau những hiệu quả do cây dược liệu mang lại, huyện Cam Lộ ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam về trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế và một số cây dược liệu khác.

Vùng chuyên canh cây dược liệu tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Ảnh: Nguyễn Hoàng).

Theo cam kết, công ty này sẽ cung cấp 160 triệu cây giống quế theo tiêu chuẩn hữu cơ cho diện tích hơn 20.000 ha từ nay đến hết năm 2025; cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ nông dân trồng quế, nghệ, gừng và tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ. Đồng thời, cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm vùng nguyên liệu quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ được cấp chứng nhận.

Ngoài ra, sẽ đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm quế với công suất chế biến 200.000 tấn vỏ quế tươi/năm (chưa tính các sản phẩm phụ khác), 360 tấn dầu quế từ lá/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Huyện Cam Lộ cam kết sẽ vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển vùng trồng quế nguyên liệu hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu từ nay đến năm 2025 trồng từ 9.000-10.000 ha quế hữu cơ, nghệ, gừng, tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha cho mỗi loại trong một năm. Trong đó, mỗi năm sẽ trồng từ 700-1.000 ha quế và sẽ mở rộng diện tích qua hàng năm.

Trồng cây quế tại vùng đồi Cam Lộ, Quảng Trị.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, địa phương đang hướng tới phát triển nền nông nghiệp có giá trị cao, với những sản phẩm chất lượng. Thời gian qua, các sản phẩm dược liệu do bà con trồng và chế biến đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, sản phẩm cao dược liệu an xoa của người dân địa phương đã vượt qua quá trình kiểm định khắt khe để xuất khẩu đi thị trường Mỹ, càng cho thấy việc phát triển cây dược liệu đang phát huy hiệu quả rõ rệt, nhằm mục tiêu trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay: "Qua đánh giá ban đầu, địa phương nhận thấy cây quế phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu nên đã hợp tác với Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam để phát triển cây quế hữu cơ. Địa phương sẽ chuyển đổi diện tích đất trồng những loại cây có giá trị thấp để trồng cây quế. Với 1 ha cây quế dự kiến mang lại thu nhập từ 100-120 triệu đồng mỗi năm, cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác. Hy vọng thời gian tới người dân sẽ phát triển cây quế, từ đó có được nguồn thu nhập ổn định hơn. Trồng quế hữu cơ sẽ giúp đạt được nhiều mục tiêu về kinh tế, môi trường và chế biến các sản phẩm dược liệu".

THEO ĐĂNG ĐỨC

(Báo Dân trí)

See this gallery in the original post