Trồng loài cây nở hoa hồng rực, đào lên được củ đại bổ tiến vua, nông dân đổi đời nhờ bán giá cao
Sâm Bố Chính không chỉ nở hoa màu hồng rực rất đẹp, mà củ của loài cây này còn rất tốt cho sức khoẻ. Sâm Bố Chính là vị thuốc quý, xưa kia thường được dùng để tiến vua. Ngày nay, nhờ trồng sâm Bố Chính mà nhiều nông dân có doanh thu cả tỷ đồng/ha.
Trồng sâm Bố Chính nở hoa hồng rực, đào lên được củ đại bổ, nông dân có cơ hội đổi đời
Sâm Bố Chính hay còn được gọi là sâm Phú Yên, sâm khu năm, thổ hào sâm (Nghệ An), sâm báo (Thanh Hóa)… Sâm Bố Chính không chỉ nở hoa rất đẹp mà còn cho ra thứ củ đại bổ, từ lâu đã được đánh giá là một vị thuốc quý, được ghi trong cuốn sách nổi tiếng – "Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư Đỗ Tất Lợi.
Cây có tên gọi sâm Bố Chính bởi loài cây này được phát hiện đầu tiên ở huyện Bố Trạch – Quảng Bình.
Mới đây, UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở "Trồng thử nghiệm cây sâm bố chính trên địa bàn thị xã", do ông Trần Thanh Hiếu - Trạm Khuyến nông Ninh Hòa làm chủ nhiệm.
Nhiều người dân sống tại Ninh Hòa cho biết, trên địa bàn thị xã, cây sâm bố chính mọc nhiều trên các vùng đất bán sơn địa, nương rẫy, đất trồng cây hàng năm khác tại một số xã như: Ninh Tây, Ninh Sơn, Ninh Tân, Ninh Sim, Ninh Trung, Ninh Thượng…
Theo ông Trần Thanh Hiếu, Ninh Hòa có gần 79.000ha đất nông nghiệp (trong đó có 13.865ha đất trồng cây hàng năm) và 42.861ha đất rừng có thể phát triển cây sâm Bố Chính. Bên cạnh đó, Ninh Hòa có 6.000ha mía, trong đó nhiều diện tích là đất rừng cũng có thể trồng sâm Bố Chính.
Cây sâm Bố Chính có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người, có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường rất lớn nhưng sản lượng hiện nay còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chính vì thế, thị xã đã chọn cây sâm bố chính để triển khai trồng thử nghiệm.
Sau 11 tháng theo dõi, chăm sóc, cây sâm Bố Chính cho thu hoạch. Kết quả cho thấy, đối với mô hình trồng sâm trên đất bằng, năng suất đạt 6,76 tấn/ha. Còn mô hình trồng sâm trên đất dốc, năng suất đạt 4,88 tấn/ha.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng sâm Bố Chính trên đất bằng cho lợi nhuận 157,9 triệu đồng/ha, còn mô hình đất dốc có lợi nhuận thấp hơn.
Qua phân tích thành phần dược liệu cây sâm bố chính trồng tại Ninh Hòa do Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang thực hiện cho thấy, củ sâm Bố Chính được trồng trên vùng đất thị xã tương đối đầy đủ các thành phần dược tính. Trong đó, thành phần chính là Saponin trồng tại mô hình đất bằng phẳng đạt 2,46%, đất dốc đạt 1,51%.
Đề tài cũng đúc kết được quy trình thâm canh cây sâm Bố Chính rất phù hợp tại Ninh Hòa, đồng thời tổ chức phổ biến kỹ thuật cho 50 lượt người.
Hiện, giá sâm Bố Chính trên thị trường đạt 200.000 - 300.000 đồng/kg tươi, cao gấp 2-3 lần thời điểm làm đề tài. Tuy nhiên, thời điểm đề tài cho thu hoạch, công ty liên kết thu mua chỉ đạt 50.000 đồng/kg sâm tươi nên lợi nhuận của mô hình không cao.
Tuy nhiên, đây là mô hình được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân so với nhiều loại cây trồng khác. Do vậy, Trạm Khuyến nông thị xã đề xuất UBND thị xã thông qua các nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông cho phép nhân rộng kết quả mô hình để ứng dụng rộng rãi trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ tìm đầu ra, tiêu thụ ổn định, lâu dài cho người dân sản xuất cây sâm bố chính.
Tương tự, tại huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hoá), nhận thấy sâm Bố Chính phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2020, UBND xã Thanh Lâm đã xây dựng kế hoạch trồng thử nghiệm 1,0 ha. Khi cho thu hoạch, sâm Bố Chính đạt năng suất 10 tấn/ha.
Với giá bán sâm Bố Chính củ tươi đạt 100.000 đồng/kg tại thời điểm thu hoạch, tổng thu nhập của mô hình đạt 1 tỷ đồng.
Từ kết quả đó, năm 2021 xã Thanh Lâm tiếp tục chỉ đạo phát triển mở rộng mô hình trồng sâm Bố Chính với diện tích 20 ha. Với mong muốn trồng sâm Bố Chính sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân, giúp các hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Để tiêu thụ sản phẩm, xã Thanh Lâm tiếp tục liên kết với Công ty Trí Việt nhằm phát triển mô hình trồng sâm Bố Chính. Ước tính năm 2021, tổng thu nhập mang lại từ nhân rộng mô hình sâm bố chính khoảng 20 tỷ đồng, đưa xã Thanh Lâm dẫn đầu cả huyện về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Theo các nhà khoa học sâm Bố Chính có dược tính rất cao, dược tính sâm bố chính được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc và chỉ thua dược tính sâm Ngọc Linh. Sâm Bố Chính có vị ngọt, tính mát.
Theo y học cổ truyền sâm Bố Chính có một số tác dụng chính như sau: Điều trị ho, tác dụng hạ sốt, tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị ung thư.
THEO THIÊN HƯƠNG