Sáng kiến cộng đồng

View Original

Sáng chế Việt: Thiết bị đo lực cắn hỗ trợ điều trị bệnh lý răng miệng

Một nhóm các bác sĩ trẻ tại TP. HCM mới đây đã công bố nghiên cứu về thiết bị máy đo lực cắn ở người giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý răng miệng hiệu quả.

Thiết bị máy đo lực cắn được nhắc tới là sản phẩm được phát triển bởi nhóm 3 thành viên bao gồm: Nguyễn Thế Phương (25 tuổi), bác sĩ răng hàm mặt bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cùng Cao Thị Ánh Ngọc và Trần Thị Minh Thư (bác sĩ nội trú Đại học Y dược TP HCM).

Các ý tưởng đầu tiên về thiết bị máy đo lực cắn được các bác sĩ trẻ bắt đầu hiện thức hóa từ hơn 1 năm trước, khi vẫn còn là sinh viên Khoa răng hàm mặt, Đại học Y dược TPHCM.

Sở dĩ nhóm hướng tới phát triển thiết bị đo lực cắn là bởi, trong nha khoa, lực cắn là hệ số đo quan trọng dùng để đánh giá chức năng của hệ thống nhai cũng như hiệu quả điều trị các bệnh liên quan răng miệng. 

Bên cạnh đó, đối với các kỹ thuật chỉnh hình răng, nghiên cứu lực cắn giúp bác sĩ tiên đoán những thay đổi sau điều trị. Trong phục hình, sử dụng lực cắn để đánh giá chức năng nhai. Hay trong phẫu thuật hàm mặt, lực cắn giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả lành thương, xác định thời gian tháo nẹp...

Như vậy, một thiết bị đo lực cắn đối với các cơ sở nha khoa là vô cùng cần thiết, tuy nhiên, hiện nay, các máy đo lực vạn năng trên thế giới hiện nay rất đắt, có máy lên tới 1 tỷ đồng. 

Từ những yêu cầu thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tìm tòi để tạo ra một sản phẩm phục vụ đo lực cắn 'made in Vietnam' để sử dụng trong đo lực cắn và thử nghiệm lâm sàng cho bệnh nhân trong điều trị bệnh về răng miệng.

Bốn phiên bản máy do lực cắn của nhóm với thế hệ F4 được thử nghiệm cho kết quả tốt. Ảnh: NVCC .

Sau 4 lần cải tiến, hiện máy đo lực cắn của nhóm nghiên cứu là thiết bị được câí tạo gồm 2 phần chính bao gồm: Đầu cắn làm từ thép không gỉ và được cố định bởi hai thanh thép, ở giữa có cảm biến dùng để xác định lực cắn và bộ phận còn lại là bộ xử lý hiển thị CTI gồm màn hình thể hiện các thông số về lực cắn, giúp bác sĩ làm căn cứ đánh giá tình trạng bệnh nhân.

Máy đo có lực tải tối đa 700 N, tối thiểu 1 N với khoảng đo lực rộng.

Sản phẩm máy đo lực cắn của nhóm nghiên cứu hiện đã được hiệu chuẩn tại Trung tâm đo lường và hiệu chuẩn Sài Gòn, đạt các tiêu chí về thiết kế, độ chính xác, an toàn với người sử dụng...

Khi đo thử nghiệm trên các tình nguyện viên, đa số người dùng đánh giá sản phẩm không gây khó chịu, không gây chấn thương răng và kết quả kiểm định độ sai số lực cắn chỉ dưới 0,5%.

Theo tính toán của nhóm chi phí cho một sản phẩm khoảng 15 - 20 triệu đồng, phù hợp với điều kiện trong nước.

Bác sĩ Nguyễn Thế Phương thử nghiệm máy đo lực cắn. Ảnh: NVCC .

Đối với các ứng dụng lâm sàng, bác sĩ Phương cho biết, máy đo lực cắn sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực phục hình răng. Với những người sử dụng răng giả implant, nhóm sẽ đánh giá độ chịu lực của răng giả so với răng thật, từ đó điều chỉnh răng giả trước khi thực hiện phục hình cho bệnh nhân.

"Nhóm đang làm hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này và hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm", anh Phương cho biết.

THEO THÁI AN

(Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo)

See this gallery in the original post