Sáng kiến cộng đồng

View Original

TP.HCM: nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp

Việc xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đem lại lợi nhuận ổn định cho người nông dân, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế,…

Đây là một trong những kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn TP.HCM.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chương trình nhằm chuyển giao các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và làm giảm ô nhiễm môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2018 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các sở ban ngành, Hội Nông dân Thành phố, Ủy ban Nhân dân các huyện, quận, Thành phố Thủ Đức, viện, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện xây dựng hơn 200 tài liệu, mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) để tạo lập cơ sở dữ liệu về các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ nông nghiệp nhằm phổ biến cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân tham khảo, nghiên cứu, triển khai ứng dụng để tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng, qua đó tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chuyển giao được hơn 150 lượt công nghệ mới, tiên tiến nhằm tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, chương trình đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho gần 4.000 cán bộ quản lý và kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo hơn 39.000 lượt nông dân,… Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao, giúp các địa phương góp phần giải quyết tình trạng lao động và tăng thu nhập cho nông dân.

Đánh giá về hiệu quả đạt được, Sở KH&CN cho biết, công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN, xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp đã giúp bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả thấp sang những giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao hơn. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, KH&CN giúp mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt, chế biến, bảo quản, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí sản suất, tiết kiệm công lao động, cải thiện đời sống người dân, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các sản phẩm của mô hình có chất lượng tốt, an toàn, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế cao, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp theo hướng canh tác bền vững, an toàn cho người và môi trường.



Cụ thể, Sở KH&CN TP.HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao đã triển khai xây dựng và chuyển giao hàng loạt mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN cho các hộ nông dân và hợp tác xã trên địa bàn, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực sản xuất cây giống, cây thương phẩm hoa kiểng, sản xuất thủy sản, sản xuất con giống thương phẩm cho thị trường cá cảnh... Tiêu biểu như chuyển giao mô hình nhân giống một số loài lan rừng giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ Symphysodon sp; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT) tại huyện Cần Giờ; mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Củ Chi; mô hình nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS) tại TP.HCM; mô hình sản xuất giống cá rồng (Scleropages formosus) kiểu hình kim long tại TP.HCM; mô hình sản xuất lan kiếm và lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất và sơ chế bảo quản ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP;…

Trong đó, mô hình sản xuất lan kiếm và lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất được chuyển giao cho hộ dân Nguyễn Hà Y Chiêu (ấp 5, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) với diện tích 1000m2. Trong mô hình này, lan được trồng trong nhà lưới với hệ thống tưới phun sương, tiết kiệm được nước tưới, phân, thuốc bảo vệ thực vật đến 15-20% và xử lý giúp hoa nở đồng loạt đúng dịp Tết, với chất lượng hoa cao hơn 20-30% so với cách trồng thông thường. Kết quả, vườn lan đạt năng suất 2.000 cây lan kiếm và 1.000 cây lan giả hạc, đem lại lợi nhuận gần 640 triệu đồng/vụ.

Mô hình nhân giống một số loài lan rừng giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật được chuyển giao cho hộ nông dân Lê Văn Thắng (ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi). Mô hình giúp ứng dụng kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô vào hoạt động sản xuất cây giống hoa lan, góp phần tạo nên thương hiệu Vườn lan Hạnh Phúc với khả năng cung ứng cây lan giống đa dạng, chất lượng cao, hỗ trợ, tư vấn về kĩ thuật trồng và chăm sóc hoa lan cho cộng đồng nông dân trồng lan.



Mô hình nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS) được chuyển giao cho hộ nông dân Nguyễn Đức Hoàng Hải (ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) giúp việc nuôi lươn thương phẩm diễn ra trong hệ thống nuôi khép kín, dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường. Mô hình được triển khai với tổng diện tích 80m2, trong đó, diện tích nuôi là 22m2 với 11 bể nuôi thương phẩm, diện tích khu bố trí hệ thống tuần hoàn là 15m2 gồm bể lọc lắng, bể lọc tinh, bể lọc sinh học và bể chứa nước, cùng hệ thống đường ống cấp, thoát nước và sục khí. Kết quả mô hình ghi nhận, tổng sản lượng sản xuất là 3.907 kg/vụ/22m2; tổng doanh thu cho 1 vụ sản xuất là 625.120.000 đồng, lợi nhuận 107.570.000 đồng và tỉ suất lợi nhuận khoảng 17,21%.



Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường tự động (IoT) được chuyển giao cho hộ nông dân Đinh Quang Soạn (ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ). Mô hình thực hiện với diện tích 7.550m2, trong đó ao ương có diện tích 300m2, ao nuôi có diện tích 1.600m2, diện tích còn lại là hệ thống ao xử lý nước. Kết quả mô hình ghi nhận, ở giai đoạn nuôi thương phẩm (tôm được 90 ngày tuổi) đạt tỉ lệ sống 85,6%, tăng trưởng về chiều dài trung bình là 12,5cm, trọng lượng trung bình là 28,41g, tương đương với 35 con/kg. Tổng sản lượng sản xuất đạt 7 tấn/hồ/vụ (4 tháng), tương ứng 43,7 tấn/ha/vụ. Lợi nhuận thu được từ mô hình là 363.600.000 đồng/vụ. Mô hình này còn có ưu điểm giúp người nuôi giám sát được chất lượng nguồn nước ao nuôi một cách chính xác, kịp thời có giải pháp xử lý, giảm rủi ro, góp phần làm tăng chất lượng thành phẩm sau sản xuất. Việc vận hành, quản lý ao nuôi bằng công nghệ thông tin, điều khiển hệ thống ao nuôi tự động và từ xa giúp giảm chi phí sản xuất, rút ngắn được thời gian nuôi, dễ quản lý hồ nuôi, không sử dụng kháng sinh,…


Mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) theo tiêu chuẩn VietGAP được chuyển giao ứng dụng tại Liên hiệp HTX Công nghệ cao NPT (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) có quy mô 56m2 với 14 bể nuôi thương phẩm. Sau 8 tháng nuôi tỉ lệ sống đạt 88,4%, năng suất 63,14 kg/m2. Tổng sản lượng 1 vụ sản xuất (10 tháng) là 3.536 kg/vụ/56m2. Lợi nhuận thu được từ mô hình là 130.150.000 đồng/vụ/56m2. Tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 19,4%. Đây là mô hình nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp để các nông hộ chuyển đổi vật nuôi trong điều kiện các loại gia súc thường xuyên đối mặt với dịch bệnh hoặc thiếu đầu ra ổn định.

Ngoài ra, kết quả thực hiện chương trình còn tạo được nhiều quy trình kỹ thuật phục vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, KH&CN trong canh tác, sản xuất nông nghiệp như quy trình kỹ thuật chăm sóc lan Mokara giai đoạn hậu cấy mô; quy trình tạo stroma Nhộng trùng thảo; quy trình nhân giống lan Dendrobium nắng (Ceasar Red) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; sản xuất giống cá cảnh biển Pterapogon kauderni; nuôi sinh khối tảo và luân trùng nước ngọt phục vụ ươm nuôi cá cảnh nước ngọt; kỹ thuật trồng, chăm sóc chôm chôm và quản lý vườn phục vụ khách du lịch; kỹ thuật trồng, chăm sóc măng cụt và quản lý vườn phục vụ khách du lịch; quy trình cải tiến nuôi sinh khối Artemia trong bể xi măng lót bạt làm thức ăn cho cá cảnh tại TP.HCM;…

Lam Vân (CESTI)